Hơn 10.000 người thiệt mạng vì lái xe có cồn
Tính riêng trong năm 2021, khi người Mỹ được nới lỏng các biện pháp phòng dịch, đã có gần 43.000 người thiệt mạng do TNGT - con số cao nhất trong 16 năm. Ước tính trong nửa đầu năm nay, con số thương vong vì TNGT vẫn tiếp tục tăng.
Trong đề xuất lắp thiết bị đo nồng độ cồn công bố giữa tháng 9/2022, Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ đã nhắc lại vụ tai nạn đau lòng năm 2021 khi 8 người trong đó có 7 trẻ nhỏ đã kết thúc cuộc đời chỉ vì một “ma men” cầm lái.
Nam thanh niên 28 tuổi đã say mèm sau bữa tiệc mừng năm mới vẫn điều khiển 1 chiếc SUV về nhà, mất lái và đâm trực diện vào xe bán tải Ford F-159 ở đoạn gần TP Avenal, bang California.
8 biểu tượng thánh giá được cắm dọc QL33 để tưởng niệm 8 nạn nhân trong vụ tai nạn tại California
Trên xe Ford, có 1 người lái xe 34 tuổi và 7 trẻ từ 6-15 tuổi. Sau khi bị đâm trực diện, chiếc Ford bốc cháy ngùn ngụt. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, người lái chiếc SUV có nồng độ cồn ở mức 0,21% cao gần gấp 3 lần so với giới hạn cho phép tại California. Thậm chí người này đã sử dụng cần sa. Lúc gây tai nạn, chiếc xe đang chạy với tốc độ 142 - 158km/h.
Để ngăn chặn những vụ tai nạn thương tâm như vậy tiếp diễn, NTSB đã soạn thảo đề xuất nhằm gây áp lực hơn nữa lên Cơ quan An toàn đường cao tốc quốc gia (NHTSA) về việc ban hành quy định bắt buộc lắp thiết bị đo nồng độ cồn trên xe.
“Chúng tôi cần NHTSA hành động. Hãy nhìn vào những con số báo động làm tất cả có thể để không mất oan những sinh mạng quý giá”, Chủ tịch NTSB Jennifer Homend nhấn mạnh.
Nếu được thông qua, giải pháp này có thể giúp kéo giảm số vụ tai nạn liên quan tới đồ uống có cồn - một trong những nguyên nhân lớn nhất gây TNGT chết người trên đường cao tốc tại Mỹ.
Theo số liệu thống kê gần nhất, năm 2020, tại Mỹ đã có 11.654 người thiệt mạng liên quan trên TNGT liên quan đến nồng độ cồn, chiếm 30% trong tổng số người thiệt mạng vì TNGT và tăng 14% so với năm 2019.
Nữ Chủ tịch cho biết, việc thúc đẩy khai thác công nghệ giám sát nồng độ cồn đã được tiến hành từ năm 2012. Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ cũng như xác định tiêu chuẩn thiết bị đo nồng độ cồn cần rất nhiều thời gian.
Thực chất, từ năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật hạ tầng trong đó yêu cầu NHTSA bắt buộc các nhà sản xuất ô tô lắp hệ thống giám sát nồng độ cồn trong vòng 3 năm. Nhưng theo hãng tin ABC News, NHTSA thường rất chậm trễ trong việc ban hành những quy định kiểu này.
Trong luật, các nghị sĩ Mỹ không nêu cụ thể loại công nghệ, chỉ nhấn mạnh cần phải “giám sát thụ động” người lái xe để quyết định người lái có say xỉn hay không.
Cảm biến tự động, camera hồng ngoại hay thử nồng độ cồn ở đầu ngón tay?
Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) và một nhóm 16 nhà sản xuất ô tô từng bảo trợ cho một nghiên cứu về giám sát nồng độ cồn từ năm 2008, thành lập một nhóm phát triển “Hệ thống phát hiện nồng độ cồn ở tài xế vì an toàn”.
Nhóm này đã thuê một công ty Thụy Sỹ để nghiên cứu công nghệ tự động xét nghiệm nồng độ cồn của lái xe và nếu phát hiện sẽ lập tức dừng phương tiện đang di chuyển.
“Tài xế sẽ không phải thổi vào ống mà có một bộ cảm biến tự động kiểm tra hơi thở của lái xe”, ông Jake McCook, đại diện Hệ thống trên cho biết.
Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) muốn lắp đặt thiết bị phát hiện nồng độ cồn trên toàn bộ ô tô mới sản xuất
Một công ty khác cũng đang nghiên cứu công nghệ có thể thử nồng độ cồn trong máu ở đầu ngón tay. Dự kiến, đến năm 2024, công nghệ đo nồng độ qua hơi thở mới có thể ra mắt, còn công nghệ chạm tay có thể trình làng ngay năm sau.
Bên cạnh những công nghệ kể trên, giới chuyên gia trong đó có ông Sam Abuelsamid – nhà phân tích tại công ty tư vấn Guidehouse Insights cho rằng, hệ thống có thể ngăn “ma men” khả thi nhất là camera hồng ngoại giám sát hành vi của người điều khiển phương tiện.
Công nghệ này vốn đã được nhiều nhà sản xuất ô tô như General Motors, BMW và Nissan lắp đặt để theo dõi sự chú ý của người lái trong khi sử dụng hệ thống trợ lái tự động một phần.
Qua các camera này, có thể đảm bảo người điều khiển phương tiện luôn quan sát đường, nhận biết dấu hiệu người lái cau mày, mất tập trung…
Nếu phát hiện thấy dấu hiệu, ô tô sẽ cảnh báo người lái, nếu hành vi vẫn tiếp diễn, ô tô sẽ bật đèn cảnh báo, đi chậm lại và tạt vào lề đường.
Mặt khác, ông Abuelsamid cho rằng thiết bị thổi nồng độ cồn không phải là giải pháp thực tế vì sẽ có nhiều lái xe phản đối nếu bị buộc phải thổi vào ống mỗi khi lên xe.
Khi công nghệ sẵn sàng, sẽ mất vài năm để có thể đưa công nghệ này lên 280 triệu ô tô trên đường phố Mỹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận