Thời sự Quốc tế

Mỹ tìm ra một cách giúp EU bớt phụ thuộc dầu mỏ Nga

Mỹ đã khôi phục hoạt động đổi dầu trừ nợ đã bị ngừng 2 năm trước với Venezuela để giúp châu Âu bớt phụ thuộc vào dầu mỏ Nga.

Trong bài viết độc quyền đăng ngày 6/6, hãng tin Reuters dẫn lời 5 nguồn tin am hiểu tình hình cho biết các công ty dầu mỏ Italia Eni SpA và Repsol SA của Tây Ban Nha có thể bắt đầu chở dầu mỏ Venezuela tới châu Âu sớm nhất từ tháng tới để bù đắp lượng dầu thiếu hụt do việc Liên minh châu Âu (EU) thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ Nga.

Động thái này sẽ nối lại hoạt động đổi dầu trừ nợ đối với Venezuela vốn đã bị ngừng từ 2 năm trước khi Washington siết chặt các biện pháp trừng phạt Venezuela.

img

Nhà máy lọc dầu của Repsol YPF tại thành phố Cartagena, Tây Ban Nha. Ảnh - Reuters

Theo một nguồn tin, lượng dầu công ty Eni và Repsol nhận được sẽ không lớn và sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới giá dầu toàn cầu nhưng việc Washington “bật đèn xanh” để khôi phục dòng chảy dầu từ Venezuela tới châu Âu có thể coi như "cú hích" mang tính biểu tượng đối với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez từng có phát ngôn cho biết, bà hy vọng động thái trên "sẽ mở đường để tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt bất hợp pháp, ảnh hưởng đến toàn bộ người dân của Venezuela".

Các nguồn tin cho hay Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi văn bản chấp thuận cho hai công ty của Italia và Tây Ban Nha khôi phục vận chuyển dầu từ Venezuela.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng động thái này sẽ giúp châu Âu bớt phụ thuộc vào dầu mỏ Nga cũng như chuyển hướng một phần dầu mỏ xuất khẩu của Venezuela khỏi Trung Quốc. Trung Quốc đang là đối tác mua dầu mỏ lớn nhất của Venezuela, với 70% lượng dầu mỏ xuất khẩu hàng tháng của Venezuela được đưa tới các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc.

Các nguồn tin cho hay, hai công ty Eni và Repsol có liên doanh với công ty dầu mỏ quốc doanh PDVSA của Venezuela có thể nhận dầu thô từ Venezuela để trừ nợ. Nhưng điều kiện quan trọng là dầu thô từ Venezuela phải được đưa tới châu Âu chứ không được bán lại ở nơi khác.

Washington cho rằng PDVSA sẽ không hưởng lợi về tài chính thông qua giao dịch không có tiền như thế này, khác với việc Venezuela bán dầu cho Trung Quốc.

Hai công ty Eni và Repsol chưa phản hồi trước thông tin của Reuters.

Hôm 3/6, EU thông qua gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine, bao gồm giảm dần việc nhập khẩu dầu thô từ Nga. Trung Quốc không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và vẫn tiếp tục mua khí đốt, dầu mỏ từ Nga bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.