Hạ tầng

Nâng cấp, mở rộng QL26: “Thông vốn” đầu tư BOT, minh bạch thu phí

06/09/2017, 20:06

Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk khẳng định, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn chế, đầu tư BOT...

45

Đưa vào vận hành, khai thác, dự án BOT QL26 phát huy hiệu quả tối đa

Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk khẳng định, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn chế, đầu tư BOT dự án nâng cấp, mở rộng QL26 là cấp thiết, hiệu quả. Phương án tài chính minh bạch, công tác thu phí hoàn vốn dự án được các địa phương đồng thuận, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên (Nhà nước- Người dân - Doanh nghiệp), đúng quy định.

BOT khơi thông bế tắc nguồn vốn đầu tư

Ngay từ năm 2008, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 3397/QĐ-BGTVT, tiếp sau đó là Quyết định 2255/QĐ-BGTVT (tháng 8/2009) về việc giao nhiệm vụ lần lượt cho 2 địa phương Khánh Hòa và Đắk Lắk lập dự án đầu tư nâng cấp QL26 trên địa bàn 2 tỉnh. Tuy nhiên, do khó khăn nguồn ngân sách, nhiều năm qua, dự án liên tục bị đình trệ, không thể triển khai.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh ngày đó (giờ là Chủ tịch UBND tỉnh) từng nhận định: Từ lâu QL26 đã là “chiếc áo quá chật” với đòi hỏi phát triển của địa phương, kết nối khu vực. Bao đời nay, các cử tri, người dân trên địa bàn mơ về diện mạo QL26 mới, khang trang rộng đẹp, nhưng dự án bị “tắc” ở nguồn ngân sách… Tương tự, đoạn tuyến QL26 qua Đắk Lắk cũng không thể triển khai do nguồn vốn ngân sách vô cùng hạn chế.

Toàn tuyến QL26 dài hơn 150km xuất phát từ Km 1420/QL1 (thị trấn Ninh Hòa, Khánh Hòa), qua các địa phận Dục Mỹ, đèo Phượng Hoàng, Ma’Đrăk, Krông’ Pak, kết thúc tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) liên tục phải “gánh tải” trong điều kiện hạ tầng xuống cấp, lộ nhiều bất cập: Mặt đường quá hẹp (chỉ từ 5,8 - 6m), trong khi hai bên đường gồ ghề, nhiều đoạn bị xói lở tạo độ chênh cao… không đảm bảo an toàn lưu thông và thường xuyên xảy ra các vụ TNGT trên tuyến.

Cứ thế, gần chục năm dự án nâng cấp, mở rộng QL26 rơi vào bế tắc. Bức bách trước nhu cầu phát triển, giải pháp đặt ra là tìm nguồn lực đầu tư ngoài xã hội, thay thế nguồn vốn ngân sách. Thời điểm này, Nghị định của Chính phủ về đầu tư BOT đang được hình hài, mở ra cơ chế mới thu hút đầu tư hạ tầng giao thông. Ngày 17/7/2014, Bộ GTVT mới ban hành Quyết định 2730/QĐ-BGTVT về việc chuyển hình thức đầu tư và chủ đầu tư dự án nâng cấp QL26 qua Khánh Hòa và đoạn qua Đắk Lắk sang hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT); giao cho Ban QLDA 5, Tổng cục Đường bộ VN (đại diện cơ quan QLNN có thẩm quyền) nghiên cứu, lập hồ sơ dự án.

46
Vị trí, phương án hoàn vốn tại 2 trạm thu phí dự án BOT QL26 được các địa phương đồng thuận, thống nhất, đảm bảo đúng quy định, hài hòa lợi ích giữa các bên Nhà nước - Người dân - Nhà đầu tư

Địa phương đồng thuận

Chủ trương này nhận được sự đồng thuận tối đa của các địa phương. UBND tỉnh Khánh Hòa ra Văn bản 6017/UBND-XDNĐ (tháng 9/2014), Văn bản 170/UBND-XDNĐ (tháng 1/2015) thống nhất triển khai dự án theo hình thức BOT, vị trí đặt trạm thu giá Km8+800/QL26 hoàn vốn dự án trên địa bàn. UBND tỉnh Đắk Lắk ký 2 Văn bản 7598/UBND-CN (ngày 16/10/2014) và 462/UBND-CN (tháng 1/2015) gửi Bộ GTVT về việc thống nhất triển khai dự án BOT QL26, phương án tài chính, vị trí đặt trạm thu giá tại Km 93+770 QL26.

Trên cơ sở này, tháng 2/2015, Bộ GTVT tiếp tục ban hành Quyết định 645/QĐ-BGTVT về việc gộp 2 dự án trên QL26 qua địa bàn thuộc Khánh Hòa và Đắk Lắk thành 1 dự án xây dựng tuyến tránh TX Ninh Hòa (Km 0 - Km2+897) và cải tạo nâng cấp QL26 đoạn Km 3+411 - Km 11+504 (Khánh Hòa) và đoạn Km 91+383 - Km 98+800 (tỉnh Đắk Lắk) theo hình thức hợp đồng BOT.

Cũng tại quyết định này, Bộ GTVT quy định rõ quy mô, hướng tuyến, tổng mức đầu tư dự án với gần 860 tỷ đồng, chia 2 giai đoạn (giai đoạn 1, hoàn thành năm 2016) và giai đoạn 2 (sau năm 2020), cùng phương án tài chính hoàn vốn, tổ chức 2 trạm thu giá tại Km 8+800 và Km 93+700 như thống nhất của các địa phương; mức thu giá theo Thông tư 159/2013 (năm 2013) của Bộ Tài chính, thời gian hoàn vốn (dự kiến) 18 năm 10 tháng…

Nguồn vốn được khơi thông, chỉ sau hơn 1,5 năm thi công, nhà đầu tư Công ty CP TNHH MTV CICO 501 BOT QL26 (Công ty CP Đầu tư xây dựng 501, CICO501) cơ bản hoàn thiện, hình hài diện mạo tuyến tránh TX Ninh Hòa, đoạn tuyến QL26 thênh thang, rộng đẹp khang trang, an toàn, tiện ích. Kết quả nghiệm thu của đoàn nghiệm thu cấp Bộ GTVT mới đây cho thấy, công trình BOT QL26 đủ điều kiện đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả dự án.

Minh bạch thu giá, hài hòa lợi ích

Theo Công ty CP TNHH MTV CICO 501 BOT QL26, sau thời gian vận hành thử, dự án đang hoàn thiện các thủ tục, đảm bảo điều kiện để thu giá theo đúng quy định, đúng luật và sự thống nhất của các địa phương về vị trí đặt trạm. Lãnh đạo CICO 501 khẳng định: Với phương án tài chính, thu giá hoàn vốn trên, việc thu giá đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - người dân - doanh nghiệp, hoàn toàn không có chuyện thu giá trên đoạn tuyến đầu tư 8km như một số thông tin phản ánh.

Thực tế, chưa đầy 4 tháng vận hành, BOT QL26 đã đem lại hiệu quả to lớn, rút ngắn đến 45 phút hành trình Khánh Hòa và Đắk Lắk, giảm tiêu hao nhiên liêu, hao mòn phương tiện, đảm bảo ATGT. Tài xế Nguyễn Văn Tâm (xe khách tuyến Nha Trang- Buôn Ma Thuật) cho hay: Đường mới an toàn, tiện ích, lưu thông êm thuận, cánh tài xế hết sợ cảnh ổ gà, TNGT.

Ông Lê Đức Vinh đánh giá: BOT QL26 gỡ nút thắt nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông; tạo điểm nhấn hạ tầng giao thông kết nối huyết mạch, thúc đẩy thông thương, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên… Theo ông Thái Huy Đức, Phó trưởng BQL khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), BOT QL26 cùng QL1 kết nối thông thương, góp phần thu hút các nhà đầu tư, dự án tại khu kinh tế. Hạ tầng giao thông thuận lợi, thu hút các đơn vị quan tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. Chỉ tính riêng năm 2016, tốc độ thu hút đầu tư vào khu kinh tế Vân Phong tăng gấp 13 lần so với năm 2015. Tháng 6 mới đây, hàng chục doanh nghiệp hai địa phương Khánh Hòa và Đắk Lắk tham gia tổ chức hội nghị giao thương và ký kết thỏa thuận mở rộng thị trường hợp tác, phân phối sản phẩm để đón xu thế giao thông kết nối này.

CẤP THIẾT ĐỒNG BỘ GIAI ĐOẠN 2

Theo ông Đỗ Tuấn Dũng, Phó tổng giám đốc CICO 501, từ hiệu quả thu hút đầu tư, biện pháp thi công hợp lý từ dự án BOT QL26 giai đoạn 1, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk vừa kiến nghị Bộ GTVT, các đơn vị chức năng sớm đầu tư đồng bộ giai đoạn 2, đồng bộ quy mô khai thác toàn tuyến QL26.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh đã có văn bản trình Bộ GTVT, chủ đầu tư về việc triển khai hệ thống điện chiếu sáng đoạn tuyến giai đoạn 1 và sớm đầu tư giai đoạn 2 tại Km 84+300 - Km 88+383, Km 101+800 - Km 112+800 QL26… Ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng ký Văn bản 2718/UBND kiến nghị đầu tư đoạn tuyến QL26 cũ từ Km 2+280 - Km 3+411 và đoạn Km 11+580 đến giáp tỉnh Đắk Lắk, để phù hợp với quy hoạch tách huyện Tân Định từ TX Ninh Hòa, góp phần triển khai Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, tầm nhìn 2030, kết nối lưu thông toàn tuyến. Tháng 4/2017, Bộ GTVT có văn bản cho chủ trương nghiên cứu đầu tư thêm các đoạn tuyến còn lại QL26, chỉ đạo Ban QLDA 85, nhà đầu tư BOT QL26 nghiên cứu trình phương án tài chính khả thi, căn cứ trên khả năng đầu tư còn lại của dự án tuyến tránh TX Ninh Hòa và các đoạn QL26 BOT vừa qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.