Hộ nghèo liên tục giảm
A Roàng là một trong 12 xã biên giới của huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế), có 740 hộ dân, với 3.030 nhân khẩu; trong đó, hơn 98% là người dân tộc Tà Ôi. Để giảm nghèo bền vững cho đồng bào, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã A Roàng đã quyết liệt vào cuộc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, Đảng ủy đi đầu “phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo”.
Nhiều khu dân cư mới với những ngôi nhà khang trang dọc theo các tuyến đường ở huyện A Lưới
Đảng viên được phân công theo dõi hộ nghèo không làm theo kiểu hình thức, lấy lệ; không dừng lại ở việc điều tra, rà soát, thu thập thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo, mà thường xuyên bám sát cơ sở, gần gũi để cùng người nghèo tập trung tháo gỡ những khó khăn trước mắt, tìm ra sinh kế phù hợp với hoàn cảnh, lao động… của từng hộ để họ vươn lên trong cuộc sống.
Trong quá trình theo dõi giúp đỡ hộ nghèo, đảng viên luôn bám sát, phối hợp cùng già làng, trưởng bản để làm “cầu nối” để tuyên truyền hướng tới sự thay đổi, ý thức tự vươn lên của những hộ nghèo, cận nghèo.
Mô hình của đảng viên theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo ở A Roàng, đã phát huy hiệu quả ngoài mong đợi. Nếu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở A Roàng là 16,9%, thì đến năm 2021, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 13,21%, năm 2022 giảm xuống còn 11,2%.
Để giúp đồng bào thoát nghèo, Ủy ban nhân dân xã A Roàng xác định, nhiệm vụ trọng tâm là phải xây dựng mô hình phát triển kinh tế điểm, có hiệu quả để bà con học tập trực quan.
Xã đã chọn ra những mô hình thế mạnh của địa phương như nuôi ong lấy mật, nuôi bò sinh sản…. rồi chọn hộ gia đình triển khai thực hiện mô hình thí điểm. Tất cả được thảo luận kỹ càng, có sự tham gia của cán bộ khuyến nông, thú y.
Sau nhiều năm triển khai mô hình kinh tế, vợ chồng anh A Viết Máy và A Viết Thị Mai (thôn A Roàng 2, xã A Roàng) đang sở hữu gia sản gồm nhiều trâu bò, chưa kể đàn lợn trên dưới 10 con và ao cá gần 1.000 m2.
Khi kinh tế gia đình khá hơn, nhà anh chị sắm cả máy cày để phục vụ cho 8 sào ruộng gieo trồng, mỗi năm 2 vụ. Không chỉ thoát nghèo, gia đình anh A Viết Máy và chị Viết Thị Mai đã trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi ở xã vùng cao A Roàng.
Hiện ở A Roàng có 7 nhóm mô hình kinh tế giảm nghèo bền vững là nuôi ong lấy mật dưới tán rừng cao su; trồng bưởi da xanh; trồng cây dược liệu; nuôi gà thả vườn; nuôi heo; nuôi dê; bò sinh sản và trồng rau sạch. Các mô hình kinh tế, không chỉ giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo, mà đang góp phần làm giàu cho nhiều hộ gia đình đồng bào ở A Roàng. Từ kinh tế hộ gia đình được cải thiện, bộ mặt nông thôn cũng được thay gia đổi thịt.
Bí thư Huyện ủy A Lưới Huỳnh Công Quảng cho biết, xác định là huyện có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh, công tác giảm nghèo bền vững được Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, với quyết tâm chính trị cao nhất. Huyện A Lưới đã ra Nghị quyết số 11, ngày 24/3/2022 của Huyện ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 -2025.
Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư huyện A Lưới đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây mới và nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn
Trong giai đoạn 2016-2020, chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 35,04% năm 2016 giảm còn 14,82% cuối năm 2020. Năm 2021, qua rà soát theo tiêu chí nghèo mới (31/12/2021) toàn huyện hiện còn 7.022 hộ nghèo, chiếm 49,98%; 2.185 hộ cận nghèo, chiếm 15,55%, hộ nghèo - cận nghèo chiếm tỷ lệ chung toàn huyện là 65,53%.
Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm xuống dưới 20%. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, huyện vẫn còn không ít khó khăn, thử thách: Số lượng hộ nghèo và cận nghèo toàn huyện rất lớn (65,53%), thiếu hụt nhiều tiêu chí; tiêu chí thiếu hụt về nhà ở của hộ nghèo, cận nghèo 5.673 nhà; quỹ đất sản xuất hạn chế, có 3.998/7.022 hộ nghèo trên địa bàn huyện thiếu đất canh tác;…
Nâng cấp mạng lưới giao thông đồng bộ giúp A Lưới thoát nghèo bền vững
Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022, Chính phủ đã phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025. Theo Quyết định trong 22 huyện nghèo được hỗ trợ có huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Quyết định này được hỗ trợ bổ sung trực tiếp nội dung sau: Hỗ trợ đầu tư trọng tâm, trọng điểm và duy tu, bảo dưỡng một số công trình giao thông liên xã trên địa bàn huyện nghèo phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa nhằm tạo sự đột phá, tạo động lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian thực hiện hỗ trợ từ năm 2022 đến năm 2025.
Song song với nâng cấp các đường giao thông liên xã, Bộ GTVT cũng đang phối hợp với tỉnh TT.Huế nghiên cứu đầu tư nâng cấp QL49.
Nâng cấp QL49 giúp huyện A Lưới thoát nghèo bền vững
Quốc lộ 49 với điểm đầu từ Thuận An, thành phố Huế đến điểm cuối là Đường Hồ Chí Minh, A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuyến đường có chiều dài 78km và là tuyến đường ngang huyết mạch thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối từ các cửa khẩu nước CHDCND Lào (Hồng Vân - Thừa Thiên Huế/ Koutai - Salavan) đến cảng biển của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Quốc lộ 49 có vị thế đặc biệt quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới Việt - Lào, đảm bảo an ninh, quốc phòng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và Khu vực Miền Trung - Tây nguyên nói chung. Trực tiếp giúp huyện A Lưới thoát nghèo.
Đến nay đoạn Km 63+400 - Km 74+00 trên tuyến Quốc lộ 49 đã được đầu tư xây dựng đạt đường cấp IV miền núi. Các đoạn còn lại được sửa chữa bằng nguồn vốn bảo trì, tuy nhiên do nguồn bảo trì có hạn nên chỉ đáp ứng duy trì giao thông tạm thời. Với tốc độ gia tăng phương tiện, tuyến đường xuống cấp, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên cạnh trục dọc Bắc - Nam với đường cao tốc, Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn có Quốc lộ 49 quy mô quy hoạch cấp III-IV, 2-4 làn xe.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ưu tiên bố trí vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Trung ương để đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo QL49. Trước mắt cần tập trung ưu tiên đầu tư mở rộng các đoạn Km 18+00 - Km 37+00 (Bình Điền, thị xã Hương Trà), đoạn Km 74+00 - Km 78+00 và mở rộng một số điểm xung yếu kết nối đến cửa khẩu với nước bạn Lào (Hồng Vân-Thừa Thiên Huế/Koutai-Salavan) với kinh phí dự kiến khoảng 980 tỷ đồng nhằm giúp các phương tiện vận tải hành khách và hàng hóa lưu thông thuận lợi, an toàn.
Đầu tháng 8/2022, Cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức kiểm tra, khảo sát nhằm có phương án cải tạo, nâng cấp các vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT. Cục Đường bộ VN nhận định đây là một trong những tuyến đường huyết mạch nối khu vực miền núi, biên giới phía Tây tỉnh TT.Huế với khu vực đồng bằng; là tuyến đường ngang duy nhất trên địa bàn tỉnh TT.Huế nối tuyến đường trục dọc Bắc - Nam như QL1A, đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh và đi Tây Nguyên; có ý nghĩa đặc biệt về kinh tế, an ninh, quốc phòng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.
Vì vậy, việc cải tạo, nâng cấp tuyến QL49 là cần thiết và cần sớm được triển khai. Cục Đường bộ VN đề nghị tỉnh TT.Huế có phương án tối ưu trong việc cải tạo, nâng cấp tuyến QL49, đảm bảo ATGT, giúp cho địa phương sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận