Giao thông

Nắp kênh thoát nước "cõng" xe 21 năm: Huyện chi 2 tỷ đồng làm cống

13/09/2023, 09:21

UBND huyện Lâm Hà vừa quyết định đầu tư 2 tỷ đồng để xây dựng cống Yên Thành, xã Đạ Đờn. Người dân hết cảnh 21 năm phải dùng nắp kênh thoát nước “cõng xe” thay đường liên xã.

UBND huyện đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình Xây dựng cống hộp qua suối Đạ Bon, thôn Yên Thành xã Đạ Đờn.

Lâm Đồng: Dân xin trăm triệu đồng làm cống, huyện quyết chi 2 tỉ đồng - Ảnh 1.

Sau khi Báo Giao thông phản ánh, lãnh đạo huyện đã đi kiểm tra thực tế.

Theo đó, quy mô đầu tư Xây dựng cống hộp bê tông cốt thép vĩnh cửu; xây dựng đường bê tông xi măng kết nối cống hộp với đường hiện hữu theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại B.

Ngoài ra, xây dựng lan can bằng sắt tráng kẽm cao 70cm trên gờ chắn bánh; bố trí hộ lan, cọc tiêu, biển báo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo hiệu đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông.

Tổng giá trị dự toán: 2 tỷ đồng, nguồn tăng thu ngân sách huyện năm 2022.

Một lãnh đạo UBND huyện, cho biết: Sau khi Báo Giao thông có bài phản ánh "Nắp kênh thoát nước 21 năm "cõng xe" thay đường giao thông ở Lâm Đồng", Chủ tịch UBND huyện và Bí thư Đảng ủy huyện Lâm Hà đã đi kiểm tra thực tế. Tất cả lãnh đạo đều thống nhất đầu tư làm cống kiên cố cho người dân nơi đây.

Đến tháng 7/2023, HĐND huyện đã thông qua, nhất trí chủ trương đầu tư cống hộp kiên cố để phục vụ người dân đi lại và phát triển kinh tế địa phương.

Trước đó, Báo Giao thông có bài phản ánh người dân thông Yên Thành cần 100 triệu đồng để làm cống qua kênh nước, xóa tình trạng 21 năm một làng bị chia cắt làm hai.

Thôn Yên Thành có tới hơn 100 hộ dân, toàn bộ là người dân gốc Nghệ An, trong đó người gốc huyện Yên Thành chiếm khoảng 70%. Người dân đến đây khai hoang, lập thôn từ năm 1992. Sở dĩ người dân chọn đây làm nơi quê hương mới, vì nguồn nước từ trên đầu nguồn những ngọn đồi róc rách chảy tự nhiên theo các khe, phục vụ tốt cho việc tưới tiêu, trồng trọt, chăn nuôi.

Đến năm 2002, ngành thủy lợi về đây xây dựng hệ thống kênh tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp với trồng trọt cà phê, tiêu, dâu tằm, lúa và chăn nuôi… ngày một phát triển. Kinh tế người dân dần dần ổn định và khá giả hơn.

Tuy nhiên, chỉ vì con suối cắt qua, không có cầu chính, ô tô không lưu thông được, nên nông sản của người dân luôn bị thương nhân ép giá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.