Thời sự Quốc tế

Nga tin tưởng Trung Quốc trong sự cố khí cầu bị Mỹ bắn hạ

image

Phía Nga khẳng định tin tưởng Trung Quốc trong phản ứng mới nhất liên quan tới sự cố khí cầu của Trung Quốc bay đến trời Mỹ và bị bắn hạ.

Trả lời báo giới ngày 6/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết: “Tôi chắc chắn là những người đồng nghiệp Trung Quốc của chúng tôi đang theo đuổi đường lối có trách nhiệm... luôn đối thoại và trao đổi quan điểm. Cách hành xử của Mỹ là câu hỏi còn bỏ ngỏ”.

Mâu thuẫn về khí cầu giữa Mỹ và Trung Quốc bùng lên thời gian gần đây. Tuần trước, Lầu Năm Góc thông báo phát hiện một khí cầu do thám nghi là của Trung Quốc trên bầu trời bang Montana của Mỹ.

Bắc Kinh khẳng định đó là khí cầu dân sự tham gia nghiên cứu khoa học, chủ yếu là nghiên cứu khí tượng và vì điều kiện thời tiết nên khí cầu đã bay lạc sang trời Mỹ.

Sau nhiều ngày cân nhắc, chiều 4/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo đã quyết định điều máy bay chiến đấu bắn hạ thành công khí cầu ở khu vực ngoài khơi bờ biển bang South Carolina.

img

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov

Trong phản ứng mới nhất, ngày 5/2, Trung Quốc trao công hàm phản đối tới phía Mỹ.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Xie Feng cho biết Bộ này đã gửi công hàm ngoại giao tới Đại sứ quán Mỹ về việc Mỹ dùng lực lượng quân sự tấn công phương tiện bay không người lái dân sự của Trung Quốc.

Ông Xie cho biết, Mỹ cố tình không nghe và sử dụng vũ lực một cách bừa bãi nhắm vào phương tiện dân sự đang chuẩn bị rời khỏi không phận Mỹ.

Một lần nữa, Thứ trưởng Trung Quốc đưa ra bình luận tương tự như các quan chức khác của nước này rằng phản ứng của Mỹ rõ ràng thái quá và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Ông Xie tái khẳng định, khí cầu xuất hiện trên bầu trời Mỹ tuần qua là phương tiện không người lái dân sự, không cố ý bay đến Mỹ và là tai nạn bất khả kháng.

Trung Quốc kiên quyết bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích của các công ty nước này, bảo vệ lợi ích của đất nước và có quyền để thực hiện các phản ứng cần thiết, theo ông Xie.

Video Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.