Thời sự Quốc tế

Sau vụ Mỹ bắn hạ khí cầu, Trung Quốc tuyên bố có quyền hành động tương tự

Bắc Kinh lên án việc Mỹ dùng tên lửa không đối không bắn hạ khí cầu Trung Quốc ngoài khơi bang Nam Carolina.

Trung Quốc có quyền phản ứng tương tự như Mỹ

Ngày 5/2, theo giờ VN, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo cho biết Bắc Kinh lên án mạnh mẽ việc Mỹ sử dụng vũ khí bắn hạ khí cầu mà Bắc Kinh khẳng định là sử dụng cho nghiên cứu khí tượng và các mục đích khoa học khác.

“Trung Quốc đã đề nghị Mỹ xử lý vấn đề này một cách bình tĩnh, chuyên nghiệp và kiềm chế nhưng Mỹ đã phản ứng thái quá khi kiên quyết dùng vũ lực”, theo nội dung thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Sau đó, cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung quốc Tan Kefei cũng có tuyên bố, cho biết: “Mỹ đã sử dụng vũ lực nhằm vào một phương tiện không người lái dân sự của chúng tôi. Đây là sự phản ứng thái quá. Chúng tôi kịch liệt phản đối động thái này của Mỹ”.

Đồng thời, ông Tan cho rằng, sau đây, Trung Quốc có quyền sử dụng các phương thức cần thiết để đối phó với những tình huống tương tự.

img

Mảnh vỡ khí cầu Trung Quốc rơi xuống biển sau khi bị bắn hạ ngoài khơi bang Nam Carolina, Mỹ ngày 4/2. Ảnh - Reuters

Một quan chức quân đội cấp cao của Mỹ cho biết quân đội nước này đã huy động một số tiêm kích, máy bay tiếp nhiên liệu tham gia nhiệm vụ bắn rơi khí cầu Trung Quốc. Trong đó, tiêm kích F-22 xuất phát từ Căn cứ Không quân Langley, bang Virginia đã dùng tên lửa không đối không siêu vượt âm AIM-9X bắn hạ khí cầu vào 14h39 (giờ địa phương) ngày 4/2, rạng sáng ngày 5/2 theo giờ VN.

Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận quân đội bắn hạ khí cầu thành công và tuyên dương các phi công đã hoàn thành nhiệm vụ. Ông Biden cũng cho hay ông đã ra lệnh bắn hạ khí cầu hôm 1/2 nhưng Lầu Năm Góc tham vấn chờ tới khi khí cầu di chuyển ra vùng biển để hạn chế khả năng mảnh vỡ khiến dân thường dưới mặt đất bị thương.

Các quan chức Mỹ cho biết khí cầu được bắn hạ ở ngoài khơi cách bờ biển nước Mỹ khoảng 6 hải lý, trên vùng biển tương đối nông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập các mảnh vỡ trong những ngày tới.

Một quan chức quân đội Mỹ cho hay các mảnh vỡ của thiết bị của Trung Quốc nằm rải rác trên khu vực biển rộng 7 dặm (hơn 11km), nhiều tàu quân sự Mỹ đã có mặt tại hiện trường, chuẩn bị thu thập mảnh vỡ.

Đồng thời, Chính phủ Mỹ cũng yêu cầu hoãn chuyến bay tới và xuất phát từ 3 sân bay Wilmington, Myrtle Beach và Charleston, bang South Carolina để "bảo đảm an ninh quốc gia”. Sau đó, các chuyến bay đã được khôi phục vào chiều 4/2.

Mỹ điều tra quy mô thông tin khả năng bị Trung Quốc thu thập

Theo hãng tin Reuters, Mỹ đang điều tra Trung Quốc có thể đã thu thập được bao nhiêu thông tin trong quá trình thiết bị nghi là do thám này di chuyển trong không phận Mỹ những ngày qua.

Một quan chức quân đội Mỹ cho biết, khí cầu lần đầu tiên di chuyển vào không phận Mỹ tại bang Alaska hôm 28/1 rồi di chuyển sang không phận Canada hôm 30/1. Một ngày sau, khí cầu lại đi vào không phận Mỹ khi di chuyển trên bầu trời phía bắc bang Idaho.

Tới ngày 2/2, giới chức Mỹ mới chính thức thông báo về sự hiện diện của khí cầu trong không phận nước này và một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden hành động không kịp thời khi khí cầu Trung Quốc đi vào không phận Mỹ.

Đầu tuần này, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đã tuyên bố chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024 - kêu gọi bắn hạ khí cầu cũng như có nhiều động thái thể hiện quan điểm cứng rắn trong các vấn đề liên quan tới Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, quan hệ Mỹ - Trung Quốc nhiều khả năng sẽ là một trong các chương trình nghị sự chính trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024.

Một quan chức Mỹ cho hay Washington coi việc khí cầu Trung Quốc đi vào không phận Mỹ “vi phạm rõ ràng” chủ quyền của Mỹ và đã thông báo cho Bắc Kinh về vụ bắn hạ ngày 4/2.

Dù vậy, các quan chức Mỹ đánh giá khí cầu không có nhiều giá trị trong khả năng thu thập thông tin tình báo và không gây nhiều ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Mỹ.

Theo Lầu Năm Góc, lâu nay Trung Quốc thường sử dụng nhiều khí cầu do thám hoạt động trên toàn cầu. Ngoài phương tiện phát hiện tại Mỹ, hôm 3/2, Bộ Quốc phòng Mỹ còn phát hiện một khí cầu khác của Trung Quốc di chuyển ở khu vực Mỹ Latinh.

Hơn nữa, “trong những năm qua, khí cầu Trung Quốc đã được phát hiện ở nhiều quốc gia tại 5 châu lục, điển hình ở Đông Á, Nam Á và châu Âu”, theo một quan chức Mỹ.

Sau sự việc khí cầu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo hoãn chuyến thăm Trung Quốc dự kiến diễn ra từ ngày 3/2. Theo hãng tin Reuters, đây là bước lùi trong triển vọng ổn định quan hệ vốn đang có nhiều căng thẳng giữa 2 cường quốc thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.