Thế giới

Nga - Trung được, mất gì khi giá dầu lao dốc?

15/12/2014, 07:24

Giá dầu mỏ thế giới vẫn lao dốc và Trung Quốc tiếp tục tăng lượng dầu nhập khẩu, tăng mức dự trữ. Trong khi đó, dầu mỏ và khí đốt chiếm 2/3 tổng xuất khẩu của Nga, khiến nước này đang phải...

Trung Quốc đang hưởng lợi trong ván bài dầu mỏ
Trung Quốc đang hưởng lợi trong ván bài dầu mỏ

Trung Quốc: “được” nhiều hơn “mất”?

Trong 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc tăng lượng dầu nhập khẩu thêm 460 nghìn thùng/ngày, tăng 8,3%, mạnh nhất kể từ năm 2010. Mức dự trữ hiện tương đương 30 ngày nhập khẩu. Tuy vậy, theo Tập đoàn China Petrochemical, sẽ tăng mức dự trữ lên 100 ngày nhập khẩu từ nay tới năm 2020. Công ty Tư vấn năng lượng Energy Aspects dự báo: Năm 2015, Trung Quốc nhập tăng thêm 700 nghìn thùng/ngày - tương đương một nửa sản lượng dôi dư toàn cầu.  Trước đó, từ năm 2009, Trung Quốc đã xây dựng xong bốn khu vực dự trữ dầu chiến lược chứa được khoảng 103 triệu thùng và đã trữ được 91 triệu thùng.  

Năm ngoái, nước này nhập khẩu hơn 280 triệu tấn dầu thô, trị giá khoảng 220 tỷ USD. Theo Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch (BoafaML) Ting Lu, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi giá dầu mỏ lao dốc và có thể tiết kiệm được 72 tỷ USD từ việc nhập khẩu dầu trong năm 2015 nếu giá dầu Brent duy trì như hiện nay. Trong 6 tháng qua, giá dầu Brent sụt giảm 41% do “vượt cung”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không thay đổi sản lượng khai thác (30 triệu thùng/ngày) thì giá dầu mỏ sẽ tiếp tục giảm. Trong trường hợp đó, theo ông Lu, sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát lạm phát, cho phép Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thêm thời gian tiến hành các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Theo chuyên gia này, Trung Quốc không chỉ hưởng lợi nhiều hơn trong giao dịch thương mại, mà còn giảm được sức ép kiềm chế lạm phát. Thêm vào đó, việc giảm giá còn giúp cho nền kinh tế thứ hai thế giới gia tăng sử dụng dầu mỏ, giảm sử dụng than, giúp làm sạch môi trường hơn.

Cũng có phân tích cho rằng, Trung Quốc không hoàn toàn hưởng lợi khi giá dầu trượt dốc. Dự báo, một số tập đoàn năng lượng của Nhà nước như PetroChina, CNOOC và Sinopec sẽ chịu thêm nhiều sức ép. Theo Nhà phân tích Somshankar Sinha thuộc hãng Barclays (Anh), giá dầu giảm mạnh tác động tiêu cực PetroChina, khiến chỉ số chứng khoán của tập đoàn này tại thị trường Hồng Kông rớt giá thê thảm, mất từ 20% đến 30% trong ba tháng qua. Tập đoàn này nhiều khả năng sẽ phải sáp nhập mạnh hơn nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động.

Mỗi thùng dầu giảm 1 USD, Nga thiệt hại 2 tỷ USD

“Ván bài” dầu mỏ đang tạo ra những sự thay đổi đáng kể trên bàn cờ chính trị thế giới. Trong khi Trung Quốc “đắc lợi” từ việc giá dầu tuột dốc không phanh thì Nga lại “khóc thầm”. Dầu mỏ và khí đốt chiếm 2/3 tổng xuất khẩu của Nga, đóng góp một nửa ngân sách. Ngân sách Nga được tính toán dựa trên giá dầu 100 USD/thùng, nếu giảm xuống dưới 90 USD/thùng sẽ tạo khó khăn vô cùng lớn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang suy giảm, đồng ruble bị mất giá mạnh so với đồng USD. Với nước Nga, mỗi thùng dầu giảm 1 USD làm cho ngân sách quốc gia bị mất tới 2 tỷ USD.

Trong một động thái nhằm phá thế bao vây của Mỹ và phương Tây do liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Nga Vladimia Putin đã có những chuyến xuất ngoại “tả xung hữu đột” nhằm khai phá những thị trường năng lượng mới, mở lối thoát cho nguồn cung năng lượng khổng lồ của đất nước trước nguy cơ bị ế ẩm và ép giá. Không ai khác, các bạn hàng mà Nga nhắm đến chính là các nước bạn bè truyền thống của Liên Xô (cũ) trước đây, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều đối tác khác ở châu Á.

Bản hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD Nga ký với Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua là một thí dụ điển hình cho thấy bàn cờ chính trị thế giới được xoay vần ra sao từ “ván bài” năng lượng. Moscow hy vọng, bản hợp đồng trên sẽ giảm sự lệ thuộc vào thị trường châu Âu, còn Bắc Kinh có thêm nguồn cung để giải tỏa cơn khát năng lượng triền miên. Hơn thế, đúng như Tổng thống Putin tuyên bố, nó còn là sự kiện có ý nghĩa thời đại, góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ Nga - Trung - hai quốc gia đều có nhu cầu chung nhằm thay đổi cục diện thế giới do Mỹ nắm “cây gậy chỉ huy” lâu nay. Không khó để nhận ra rằng, trong “ván bài” chính trị này, Bắc Kinh ở cơ trên hơn hẳn Moscow.

Thạch Vũ  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.