Ngắm nút giao siêu hiện đại từ trên cao, ít người hình dung được đây chính là nút giao vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Nút giao vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài 1,5 km, tổng vốn đầu tư là hơn 400 tỷ đồng. Nút giao giúp phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của tuyến đường vành đai 3, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường Cổ Linh, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Vành đai 3 đoạn cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có vị trí quan trọng đối với giao thông TP Hà Nội.
Cầu cạn này được xây dựng dọc theo dải phân cách giữa đường Phạm Văn Đồng mở rộng, có tổng chiều dài 5,367km. Trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831km.
Công trình được thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa...
Đại lộ Thăng Long (thông xe vào năm 2010) là một trong những đại lộ dài nhất Việt Nam với tổng chiều dài 30 km, bao gồm 2 đường cao tốc với 6 làn xe và 2 đường song hành, mỗi đường 2 làn xe. Toàn tuyến có 130 cầu, 3 hầm chui quy mô lớn và 6 nút giao lập thể. Trong đó nút giao Hòa Lạc sau khi hoàn thành sẽ là nút giao lập thể lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định, đại lộ Thăng Long có vai trò đặc biệt quan trọng, chi phối định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quyết định quy mô, tính chất của đô thị vệ tinh Hoà Lạc và các đô thị vệ tinh xung quanh. Tuyến đường được coi là tiền đề cơ bản để phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc - một trong những dự án lớn, có tác động lớn tới kinh tế của đất nước.
Đại lộ Thăng Long là tuyến đường cao tốc đô thị đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam hoàn toàn do các kỹ sư và các nhà thầu trong nước tự thiết kế, thi công bằng nguồn vốn trong nước.
Đường Vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (Hà Nội), bao gồm cả tuyến đường bộ trên cao và phần mở rộng bên dưới, tổng vốn đầu tư gần 9.500 tỉ đồng dài hơn 5km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp dài trên 3km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng. Công trình nối liền ba quận trung tâm gồm Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, được khởi công từ năm 2018 vừa hoàn thành thông xe vào tháng 1 năm nay.
Việc hoàn thành tuyến đường vành đai 2 được ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thủ đô tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tuyến đường vành đai 2,5 và vành đai 3,4 và đặc biệt là vành đai 4 đang được triển khai đồng bộ, khởi công dự án.
Trong ảnh, cầu Vĩnh Tuy cũng đang mang một diện mạo mới khi có một cây cầu chạy song song sắp thông xe ở bên cạnh.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được khởi công xây dựng tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.538 tỉ đồng. Dự kiến vào dịp Quốc khánh 2/9 tới, cầu sẽ thông xe toàn tuyến.
Cùng với cầu Thăng Long, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Đông Trù thì cầu Nhật Tân cũng ghi danh là một trong 7 cây cầu huyết mạch của Thủ đô Hà Nội. Đây là cây cầu thép dây văng lớn nhất Việt Nam, được coi như một biểu tượng mới của Hà Nội.
Về ban đêm, cầu có vẻ đẹp lãng mạn
Sáng 30/6 vừa qua cầu vượt tại nút giao phố Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội) chính thức được thông xe. Công trình được đưa vào sử dụng sau 18 tháng thi công, với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng đã giúp xoá nút giao ùn tắc.
Hầm chui Lê Văn Lương được thông xe hồi tháng 10/2022 đã giúp giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc, xung đột giao thông tại đây, nhất là vào giờ cao điểm cho nút giao Lê Văn Lương - Tố Hữu - Vành đai 3 (Hà Nội).
7h ngày 6/11/2021, Bộ GTVT bàn giao dự án đường sắt Cát Linh cho Hà Nội quản lý. Tuyến tàu điện đầu tiên ở thủ đô bắt đầu vận hành thương mại. Đến nay mỗi ngày tàu phục vụ hơn 32 nghìn hành khách, đem lại cho người dân cảm giác mới khi sử dụng vận tải hành khách công cộng đi nhanh hơn xe cá nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận