Chuyện dọc đường

Ngăn bệnh vô cảm, thờ ơ

Ngày 14/12, công an đã mời anh N.Đ.Q.L (27 tuổi, ở Hà Nội) lên làm việc, liên quan đến việc anh này lái xe máy phân khối lớn gây tai nạn rồi bỏ đi, để mặc nạn nhân nằm trên đường.


Ngăn bệnh vô cảm, thờ ơ - Ảnh 1.

N.Đ.Q.L (27 tuổi, ở Hà Nội) đi xe máy gây tai nạn rồi bỏ chạy, bỏ mặc nạn nhân (ảnh cắt từ clip).

Trước đó vài hôm, anh L đi xe máy trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân và tông trúng xe máy Honda SH do một người phụ nữ điều khiển đi cùng chiều.

Sau cú va chạm, người phụ nữ lao sang làn đường bên cạnh và va chạm với ô tô con đi cùng chiều, ngã văng xuống đường ngay trước mũi ô tô. Rất may mắn là không xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Điều đáng nói là người gây tai nạn đã không dừng lại giải quyết, giúp đỡ nạn nhân mà thản nhiên phóng xe đi. Khi hình ảnh vụ tai nạn lan truyền trên mạng xã hội, dư luận tỏ ra rất phẫn nộ.

"May là nạn nhân không sao, nếu như lúc đó chiếc ô tô không phanh kịp, nạn nhân không được cứu giúp kịp thời và thiệt mạng thì sẽ thế nào?", rất nhiều người đã bức xúc đặt câu hỏi như vậy.

Tại cơ quan công an, anh L biện minh cho hành động của mình là vì "tưởng người phụ nữ không bị thương nên đã lái xe rời đi".

Lời trần tình này càng khiến dư luận thêm bức xúc và cho rằng, hành động đó là không thể chấp nhận. Bởi sau khi tai nạn xảy ra, một người đi xe máy đã lập tức xuống xe, tiến tới đỡ nạn nhân dậy, hỗ trợ kịp thời. Đáng ra, người gây tai nạn phải ý thức được rằng chính mình phải là người làm việc này.

"Vô cảm". Đó là sự diễn tả mà nhiều người dành để nhận xét về hành vi của thanh niên gây tai nạn. Có lẽ đó là sự nhìn nhận chính xác trong vụ việc này. Thậm chí, không chỉ vô cảm, mà đó còn là hành vi vi phạm cả ở góc độ đạo đức và pháp luật.

Hành vi của người thanh niên kể trên có thể coi là điển hình cho nhiều vụ việc gây bức xúc xã hội thời gian qua, đặc biệt là trong những vụ tai nạn giao thông.

Một tài xế taxi lạnh lùng bỏ đi khi gây tai nạn và người qua đường cũng chẳng ai giở điện thoại ra để gọi cơ quan chức năng. Không ít người gặp người bị nạn chẳng quan tâm họ sống chết ra sao hoặc có dừng lại thì cũng chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ, quay clip để đưa lên mạng câu view...

Thực ra, tâm lý sợ mang vạ khi cứu người gặp nạn là có. Song xét cho cùng thì đó cũng chỉ là cách biện minh cho lối sống vô cảm mà thôi.

Rồi không ít những vụ người đi đường thản nhiên hôi của, giành giật đồ đánh rơi ngoài đường, bỏ qua lời van xin của người đang gặp nạn… Đó thực sự là những tiếng chuông báo động về sự vô cảm.

Trong cuộc sống, bên cạnh những người biết đồng cảm, chia sẻ với mọi người xung quanh, với cộng đồng, vẫn còn không ít những người thờ ơ, vô cảm với người hoạn nạn. Phải chăng vì thế mà lòng trắc ẩn trước nỗi đau của người khác trở nên hiếm hoi, để rồi có khi những người làm việc tử tế theo lẽ thường tình lại được coi là "chuyện lạ"?

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất của con người ngày một đủ đầy hơn. Nhưng cuộc sống đâu chỉ là những giá trị vật chất. Nó chỉ thực sự ý nghĩa khi con người ta biết chia sẻ, quan tâm giúp đỡ tới mọi người xung quanh, nhất là những người hoạn nạn.

Bệnh vô cảm không phải là tội ác, nhưng rất có thể nó là con đường dẫn đến tội ác. Rộng hơn, nó còn có nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Và khi đó, mọi chuyện rồi sẽ thế nào?


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.