Người dân lỉnh kỉnh chở đồ đạc, valy, nhu yếu phẩm, bồng bế theo con cái… khi đi qua chốt kiểm soát dịch ở đoạn trước cổng Khu du lịch Suối Tiên, TP Thủ Đức thì bị chặn lại.
Dòng người đổ về mỗi lúc một đông, nhiều người gây sức ép để lực lượng chức năng cho qua chốt nhưng bất thành. Dù lực lượng chức năng đã cố gắng vận động, thuyết phục, song vẫn có không ít người cố tình nán lại vài tiếng đồng hồ.
Sáng 15/8, hàng trăm người dân đi xe máy ùn ùn đổ về quê sau khi hay tin TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 1 tháng nữa
Anh Hoàng Văn Trung (quê Nghệ An) cho biết, anh làm công nhân khu công nghiệp, đã vài tháng nay không có việc làm. Số tiền tích góp hiện không đủ để chi tiêu cho các nhu cầu tối thiểu hàng ngày. Anh Trung thừa nhận, việc đi cùng hội nhóm là nhằm “gây sức ép” với lực lượng chức năng để được về quê.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Hà An (quê Quảng Nam), chở theo vợ con, cho biết, hai vợ chồng đã thất nghiệp 3 tháng nay. Không có thu nhập, trong khi tiền phòng trọ vẫn phải trả hàng tháng, tiền ăn của 3 người trong gia đình cũng chưa biết trông vào đâu, trong khi rất lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch, anh đã liều lĩnh hòa vào dòng người tự phát về quê.
“Biết là đang giãn cách xã hội thì ai ở đâu phải ở yên đó, nhưng nếu ở lại tôi cũng không biết phải làm sao”, anh An lý giải về hành động của mình.
Ngay khi nhận được thông tin, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tránh gây ùn tắc giao thông, Công an thành phố Thủ Đức đã huy động lực lượng có mặt tại hiện trường, triển khai vận động, tuyên truyền để người dân bình tĩnh, tránh tập trung đông người. Đồng thời, phối hợp hướng dẫn người dân tập kết ở khu vực rộng rãi trước cổng Bến xe miền Đông mới, thay vì tập trung tại chốt kiểm soát.
Tại đây, lực lượng chức năng yêu cầu người dân trở lại nơi tạm trú, hướng dẫn người dân gọi điện và sẽ được địa phương hỗ trợ.
Trưa cùng ngày, lãnh đạo MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức đã có mặt tại hiện trường phối hợp với lực lượng chức năng bàn phương án giải quyết.
Theo đại diện Phòng CSGT Công an TP.HCM, việc người dân đi xe máy về quê tự phát, tụ tập đông người, ra đường không lý do chính đáng như vậy là vi phạm các quy định về giãn cách xã hội.
Người dân càng tự ý di chuyển thì càng gây cản trở việc kiểm soát của lực lượng chức năng, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Có thể nói, sau khi nghe tin TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách xã hội thêm 1 tháng, nhiều người vội vã tìm đường về quê là điều không khó lý giải.
Một thực tế có thật là không ít người đã cạn kiệt tích lũy sau thời gian dài giãn cách. Dù TP.HCM cũng như các địa phương đã có nhiều hỗ trợ nhưng chắc chắn chưa thể đáp ứng được đủ nhu cầu.
Tuy nhiên, việc người dân tự phát về quê như vậy sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. Trong công điện mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 phải làm nghiêm, tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách, trừ trường hợp được chính quyền cho phép.
Các tỉnh sau đó dừng đón người dân về quê tự phát bằng xe máy, thay vào đó đưa người về quê bằng máy bay, tàu lửa, ô tô.
Bởi vậy, điều cần nhất lúc này là vận động, thuyết phục người dân thực hiện nghiêm việc giãn cách, không được tự ý di chuyển. Để giúp họ an tâm “ai ở đâu, ở yên đó”, chính quyền và các đoàn thể cần tiếp tục rà soát, khẩn trương hỗ trợ để những người có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo được những nhu cầu tối thiểu hàng ngày.
Mặt khác, cần vận động các chủ nhà trọ giảm hoặc miễn tiền thuê nhà để san sẻ bớt khó khăn cho họ thời điểm này.
Ngoài ra, các địa phương có người dân đang tạm trú tại TP.HCM cũng cần phối hợp để rà soát người có nhu cầu về quê để lên kế hoạch đưa đón cụ thể, đảm bảo phương án phòng dịch an toàn.
Việc tổ chức quy củ cũng là một cách để giúp giảm tải cho TP.HCM, cũng là cách làm hiệu quả để người dân không tự ý di chuyển trong lúc này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận