Tài chính

Ngân hàng nào nhiều nợ xấu nhất?

18/07/2017, 08:02

Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý I của Top 10 NH lớn cho thấy, tổng nợ xấu lên tới 59.375 tỷ đồng...

3

Ngân hàng Sacombank đang dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng - Ảnh: Lã Anh

Nợ xấu ở Ngân hàng nào cao nhất?

Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính quý I của Top 10 NH lớn như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, VPBank, Sacombank, Eximbank... nợ xấu đã lên tới 59.375 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, dẫn đầu là NH Sacombank với tỷ lệ nợ xấu lên tới 4,89% tổng dư nợ, mặc dù con số này đã giảm so với mức 5,35% hồi đầu năm, tương đương khoảng 10.083 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn của NH là 6.602 tỷ đồng, tương đương 65,5% tổng nợ xấu.

Nợ xấu tại nhiều ngân hàng sau khi đã bán cho Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (VAMC) đã đưa về được đúng mức quy định của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên thực chất khoản nợ mà VAMC gom lại… vẫn nằm ở đó, chưa thực sự được giải quyết. Trong khi hàng năm, ngân hàng vẫn phải “nuôi” khoản nợ đã bán. Nhiều chuyên gia từng đưa ra phương án phải xin “đặc quyền” cho VAMC, nhưng đến nay việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý tài sản đảm bảo của nợ xấu vẫn không có lốt thoát thực sự.

VPBank là NH có tỷ lệ nợ xấu cao thứ hai với mức 3,5% tổng dư nợ, tăng khá mạnh so với mức 2,91% hồi đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ “gà đẻ trứng vàng” FE Credit. Đây là công ty mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho VPBank nhưng đồng thời cũng “đóng góp” tỷ trọng lớn nợ xấu cho NH. Tính đến cuối tháng 3/2017, VPBank đang có 3.361 tỷ đồng nợ xấu, tăng 47,3% so với đầu năm nhưng vẫn ở trong khoảng “an toàn” là 2,86% tổng dư nợ. Tuy nhiên, báo cáo hợp nhất lại cho thấy, nợ xấu của NH đã lên tới 5.326 tỷ đồng, tăng tới 26,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 29% lên 3.013 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 22,3% lên 1.192 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 24,9%, lên 1.120 tỷ đồng.

Đứng thứ ba về tỷ lệ nợ xấu là Eximbank. Tính đến hết quý I/2017, NH này đang có hơn 2.589 tỷ đồng nợ xấu, chỉ tăng nhẹ 1,1% so với đầu năm. Tuy nhiên, do hoạt động tín dụng tăng trưởng âm nên đẩy tỷ lệ nợ xấu của NH lên mức 3%, so với mức 2,95% hồi cuối năm 2016…

Theo các chuyên gia, nợ xấu không bao giờ hoàn toàn mất đi. Vì xử lý hết khoản nợ này, thì sẽ phát sinh khoản nợ mới. Vấn đề là đã có cơ chế thực sự để kiểm soát rủi ro nợ xấu ở mức an toàn mới là quan trọng.

Nợ xấu, tài sản thế chấp “đẹp” vẫn chịu!

Phụ trách bộ phận thu nợ của một NH TMCP tại TP.HCM cho biết, NH ông cho một doanh nghiệp (DN) sản xuất bông băng y tế, có hơn 100 lao động, vay gần 50 tỷ đồng, từ thời điểm 2008-2009. Đến hạn, DN không trả được nợ. NH buộc phải kiện ra tòa năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa đòi được đồng nào. Theo đó, tài sản thế chấp của DN là toàn bộ nhà xưởng, thiết bị máy móc. Theo phán quyết của toà, NH sẽ kê biên, bán đấu giá tài sản thế chấp, thu hồi nợ. Tuy nhiên, phía cơ quan thi hành án cho rằng không đủ điều kiện thi hành án, bởi nếu bán máy móc, nhà xưởng, hàng trăm công nhân sẽ thất nghiệp và vụ việc vẫn lùng nhùng từ đó tới nay.

Tương tự, Phó tổng giám đốc một NH TMCP tại Hà Nội, chia sẻ một tình huống vướng mắc khác khi xử lý nợ xấu. Theo đó, NH cho một DN kinh doanh bất động sản vay 400 tỷ đồng, song không trả được nợ. Khi NH tiếp cận tài sản thế chấp là miếng đất diện tích 4.000m2 tại Hà Nội thì đã có nhiều đối tượng kinh doanh đủ loại hình dịch vụ như trông giữ xe, mở lò dạy võ… trong khu vực đó, cùng với bản hợp đồng cho thuê đất (viết tay) từ chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn trước đó.

NH tố cáo ra cơ quan công an hành vi chiếm giữ tài sản trái phép, phía cơ quan công an cho rằng, hoạt động kinh doanh đó là hợp pháp vì đã có hợp đồng cho thuê và khuyên NH kiện ra tòa. Trong khi đó, phía tòa yêu cầu NH phải xác minh tên, tuổi những người NH khởi kiện?! “Chúng tôi làm sao biết họ là ai để kiện? Vậy nên, miếng đất đó vẫn bị “bỏ hoang” hơn 2 năm nay. NH mất cơ hội khai thác, kinh doanh trong khi khoản nợ xấu vẫn phải xử lý”, lãnh đạo NH nói.

Mang trường hợp này trao đổi với Chủ tịch Công ty luật Basico Trương Thanh Đức, ông Đức xác nhận, pháp luật hiện hành cho phép hợp đồng cho thuê tài sản có thể viết tay. Vậy nên trong thực tế có nhiều trường hợp thế chấp ngân hàng xong mang tài sản cho thuê tới… 100 năm và hợp đồng cho thuê đó vẫn được coi là hợp pháp, dẫn đến những tình huống như của NH kể trên.

Thậm chí, có khoản nợ, NH còn có nguy cơ mất trắng do thủ tục xử lý tài sản đảm bảo quá lâu. Như trường hợp NH cho một DN kinh doanh điện máy tại Hà Đông, Hà Nội vay 4 tỷ đồng, tài sản thế chấp là lô hàng điện tử. DN làm ăn thua lỗ, 2 bên đã thỏa thuận bán đấu giá tài sản để khấu trừ nợ. Khi tiến hành định giá, lô hàng được “chốt” hơn 1 tỷ đồng, song bên vay không chấp nhận vì cho rằng “quá rẻ”. Sau hơn 1 năm tranh cãi, lô hàng được định giá lại, song chỉ còn 600-700 triệu đồng do chất lượng giảm, mẫu mã lạc hậu. Đôi bên một lần nữa không tìm được tiếng nói chung, dù với mức giá bán này không đủ trả tiền lưu kho, thuê bảo vệ. Để rồi một ngày, kho hàng bất ngờ bị cháy, khoản vay của NH trở thành không có tài sản bảo đảm, có nguy cơ mất trắng.

Đó là những vướng mắc khá phổ biến trong quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, khiến nợ xấu không những không giảm mà còn có nguy cơ tăng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.