Tài chính

Ngân hàng Nhà nước nói gì về cho vay các dự án BT, BOT giao thông?

22/06/2021, 12:29

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng tăng cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái; Thanh khoản hệ thống dồi dào; Ngân hàng có mạnh tay cho vay BT, BOT giao thông?

img

Tín dụng 6 tháng đầu năm tăng mạnh gấp đôi cùng kỳ 2020

Tín dụng tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái

Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm được tổ chức ngày 21/6, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cam kết đáp ứng đủ nhu cầu vốn thiết yếu cho sản xuất kinh doanh, không để doanh nghiệp gặp khó.

Phó Thống đốc thông tin, thời gian gần đây tín dụng tăng mạnh, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực ưu tiên. Số liệu từ NHNN cho thấy, đến 15/6, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng mạnh 5,1% so với cuối năm 2020, gấp đôi cùng kỳ 2020 (tăng 2,26%).

NHNN cho biết cố gắng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và huy động, và sẽ giảm khi có điều kiện. Mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tháng 4 giảm khoảng 0,3%/năm so với cuối năm 2020. Từ đầu năm đến nay, lãi suất của các ngân hàng, nhất là 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục giảm. NHNN cũng khẳng định, thanh khoản ngân hàng đang rất dồi dào. Vì vậy, NHNN duy trì lãi suất hiện tại, khuyến khích giảm thêm lãi suất cho vay.

Với tốc độ trên, ông Tú cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho cả năm 2021 không có gì khó. “Nếu dịch bệnh được khống chế, thậm chí có thể mở rộng tín dụng”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thông tin, có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng chung của toàn nền kinh tế là xuất khẩu (tăng 9%), công nghiệp hỗ trợ (6,9%) và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (14,5%).

Đối lập, một số lĩnh vực có mức tăng thấp và chiếm tỷ lệ dư nợ thấp là bất động sản (tăng 5,5%), chứng khoán (tăng 3% và chiếm tỷ trọng 0,48% tổng dư nợ tín dụng), trái phiếu doanh nghiệp (chiếm 2,6% tổng dư nợ) và các dự án BT, BOT giao thông (không tăng mà giảm 1,6%).

Nếu rủi ro vẫn kiểm soát chặt

"Thanh khoản dồi dào, tín dụng tăng cao, có thể nới lỏng việc cấp vốn cho các dự án BT, BOT giao thông không khi ngành giao thông phải thực hiện mục tiêu 3.000 km đường cao tốc trong vòng 5 năm tới?"

Trả lời câu hỏi này của PV Báo Giao thông, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Với kế hoạch 5 năm tới làm thế nào để có được 3.000 km đường cao tốc, đến 2030 có được 5.000 km theo Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ đang rất quyết liệt và đang tính toán vốn nhà nước bao nhiêu, vay trong nước bao nhiêu, vay nước ngoài bao nhiêu.

Về phía NHNN, trước đây các ngân hàng đã từng cho vay các dự án BT, BOT làm đường giao thông. “Hiện nay vẫn còn vướng mắc một số chính sách về BOT, các nhà đầu tư trong đó có ngân hàng đang rất quan tâm và muốn giải quyết vướng mắc khó khăn này. Nếu giải quyết càng tích cực, càng nhanh thì sẽ giúp cho việc huy động vốn sau này dễ dàng hơn. Hiện nay vốn cứ nằm đó, không có khả năng thu hồi được thì các ngân hàng thương mại nắm giữ quyền cho vay rất quan ngại . Vấn đề này tôi đã báo cáo Chính phủ tại nhiều cuộc họp”, ông Tú nói.

Phó Thống đốc cũng cho biết, tham gia vào các dự án giao thông lớn của đất nước là trách nhiệm của cả xã hội, trong đó có các ngân hàng thương mại. “Nhưng phải đảm bảo câu chuyện an toàn vốn cho họ vì huy động thì ngắn hạn mà cho vay thì rất dài hạn, toàn 10-20 năm. Riêng vấn đề cơ cấu nguồn vốn này để đảm bảo không rủi ro đã là câu chuyện lớn cho các ngân hàng thương mại. Chưa kể các dự án đó không đạt theo phương án tài chính như các trạm thu phí, các trạm BT cứ bị xả cả trạm hay giảm giá phí… ảnh hưởng tới tài chính nhà đầu tư”, ông Tú nói.

Ông Tú cũng nhắc lại vấn đề năng lực tài chính của nhà đầu tư: “Một dự án làm đường cần huy động 100 tỷ mà lại có tới 90 tỷ là từ ngân hàng thì khó. Nhà đầu tư phải có vốn đối ứng. Vay nước ngoài còn phải có 30% vốn đối ứng nên doanh nghiệp, nhà đầu tư phải có vốn thật chứ không phải vốn đối ứng ấy lại đi vay ngân hàng khác thì không được.

“Quan điểm của NHNN là không phân biệt các dự án BT, BOT giao thông hay các dự án điện năng lượng tái tạo được được quan tâm hiện nay. Cái nào cũng quan trọng. Năng lượng sạch, năng lượng mặt trời, điện gió… cũng rất quan trọng bởi khi nền kinh tế thiếu điện thì không được. Giao thông càng quan trọng, vì phát triển giao thông mới phát triển kinh tế. Nên với ngành ngân hàng là không phân biệt vì cái gì cũng phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế”.

Ông Tú cũng rất thẳng thắn khi cho rằng, ngành ngân hàng chỉ quan tâm vốn vào các dự án đó có rủi ro hay không. Nếu rủi ro thì nhất quyết phải kiểm soát chặt chẽ. “Trong trường hợp các dự án điện, ví dụ như điện năng lượng mặt trời, đến ngưỡng có rủi ro thì cũng phải phanh lại, chứ không phải đua nhau rót vốn đến khi gặp rủi ro.

“Cũng như trong lĩnh vực giao thông, nếu không có rủi ro thì vẫn khuyến khích các ngân hàng tham gia. Tôi vẫn nói tại các cuộc họp Chính phủ là trách nhiệm của ngành ngân hàng phải tham gia. Theo hình thức hợp tác công tư (PPP) là nhà nước tối đa 50%, còn lại là của xã hội hoá, huy động của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.