Tài chính

Ngân sách bắt đầu hụt thu vì Covid-19

28/05/2021, 20:09

Do tác động của dịch Covid-19, thu ngân sách từ tháng 4 đến nay có xu hướng chững lại, có khu vực chỉ đạt 6,7% dự toán, bằng 86% cùng kỳ.

img

Do tác động của dịch Covid-19, thu ngân sách từ tháng 4 đến nay có xu hướng chững lại, có khu vực chỉ đạt 6,7% dự toán, bằng 86% cùng kỳ. Ảnh minh hoạ

Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách lũy kế đến 13/5 đạt 507.409 tỷ đồng, bằng 45,4% so với dự toán.

Đánh giá ttổng quan chung về thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý 4 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế đánh giá đạt tiến độ thu khá so với dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn, từ tháng tư đến nay thu ngân sách đã có xu hướng chững lại. Thu từ 3 khu vực kinh tế tháng 4/2021 chỉ đạt khoảng 26.500 tỷ đồng, bằng 7,8% dự toán; Có khu vực chỉ đạt 6,7% dự toán, bằng 86% cùng kỳ.

Lý giải, Tổng cục Thuế cho rằng, việc thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, khiến số thuế giá trị gia tăng gia hạn trong tháng 4 khoảng 10.500 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 16.000 tỷ đồng. Do đó, số thu hai sắc thuế này trong tháng 4/2021 chỉ đạt lần lượt là 7,1% và 8,3% dự toán.

Bên cạnh đó, số liệu khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho thấy, kết quả sản xuất của các doanh nghiệp giảm ở hầu hết các chỉ tiêu từ doanh thu đến lợi nhuận, số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước giảm so với năm 2019.

Để đảm bảo phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được giao, đồng thời tạo thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân nộp thuế, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, ngành Thuế đã và đang tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu đến 1/7/2022, 100% các thủ tục hành chính thuế tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền, thực hiện cắt giảm tiếp những thủ tục, chỉ tiêu còn có thể cắt giảm.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 23/2021 về quản lý và sử dụng tem điện tử với rượu và thuốc lá (áp dụng từ 1/7/2022). Theo đó, người nộp thuế sẽ thực hiện đăng ký sử dụng tem với cơ quan thuế bằng phương thức điện tử, trên tem có mã QR code chứa các thông tin, dữ liệu điện tử, người sử dụng có thể tra cứu, xác thực các thông tin về sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế. Điều này vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, vừa chống gian lận thương mại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh rượu, thuốc lá.

Đáng chú ý, Tổng cục Thuế cho biết sẽ làm việc với một số chủ sàn giao dịch thương mại điện tử lớn tại Hà Nội và Hồ Chí Minh như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…; Các trang mạng xã hội không có văn phòng tại Việt Nam, chưa đăng ký thuế và khai thuế tại Việt Nam, có phát sinh thu nhập tại Việt Nam như: Google, Apple, Facebook, Netflix, Youtube để triển khai việc cung cấp thông tin cho công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh thương mại điện tử…

“Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục bám sát tình hình; Phân tích, đánh giá kỹ, đúng bản chất số thu ngân sách những tháng đầu năm; Các khoản thu, sắc thuế thu đột biến; Tác động của việc thực hiện Nghị định số 52/2021 của Chính phủ đến số thu ngân sách nhà nước các tháng, từ đó kịp thời có các giải pháp điều hành thu ngân sách nhà nước hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách được giao”, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.