Xã hội

Ngân sách vay gần 284.000 tỷ đồng/năm để trả nợ gốc, bù bội chi

11/06/2019, 20:48

Quốc hội quyết tổng mức vay của ngân sách Nhà nước năm 2017 là gần 284.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi và trả nợ gốc.

img
Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết

Chiều 11/6, với 443/448 đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

Theo đó, Quốc hội phê chuẩn tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là hơn 1,68 triệu tỷ, bao gồm số thu chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2016, thu từ quỹ dự trữ tài chính.

Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là hơn 1,68 triệu tỷ, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018. Số bội chi ngân sách Nhà nước là gần 137.000 tỷ, bằng 2,74% GDP, không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Nguồn bù đắp bội chi ngân sách Trung ương gồm vay trong nước hơn 70.000 tỷ, vay ngoài nước gần 67.000 tỷ.

Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 283.981 tỷ đồng.

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết , trong năm tài khóa 2017, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng chi sai chế độ vẫn còn tồn tại, việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn chậm so với quy định…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc để lặp lại các hạn chế này trong nhiều năm thể hiện kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước còn bất cập.

Chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công

Liên quan đến việc thu hồi vốn ứng trước, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đến hết năm 2017, số tạm ứng ngân sách trung ương chưa thu hồi là 86.339 tỷ đồng, cao hơn 13.579 tỷ đồng so với số dư đầu kỳ của kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, nợ đọng xây dựng cơ bản đến 31/12/2017 của 7 bộ, ngành được kiểm toán là 1.775 tỷ đồng, 49 địa phương được kiểm toán có tổng nợ đọng các nguồn vốn là 44.198 tỷ đồng, đồng thời còn 1.814 dự án chậm phê duyệt quyết toán, 6.642 dự án quá hạn chưa nộp báo cáo quyết toán, 42.909 dự án chưa phê duyệt quyết toán chuyển sang năm 2018.

Vì vậy, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế được nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách, kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, nhất là trong việc phân bổ, giao vốn, sử dụng, quản lý, quyết toán các công trình, dự án đầu tư công và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, UBND các cấp có biện pháp quyết liệt, đồng bộ để chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục triệt để, không để tiếp diễn tình trạng tồn đọng các dự án đầu tư công đã hoàn thành nhưng chậm phê duyệt quyết toán; xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước 31/12/2014.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, giám sát và tổng hợp kết quả việc xử lý nợ đọng; cương quyết không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản và xử lý nghiêm các đơn vị, địa phương vi phạm.

“Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí và tham nhũng. Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và báo cáo Quốc hội danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước niên độ 2017 khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018”, Nghị quyết nêu rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.