Kinh tế

Ngành Công thương chủ động “vượt bão”

04/05/2020, 14:00

Khác với quý I, bước sang tháng 4, toàn bộ nền kinh tế đều chịu tác động bởi đại dịch Covid-19.

img
4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019

Khác với quý I, bước sang tháng 4, toàn bộ nền kinh tế đều chịu tác động bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự chủ động vào cuộc, cùng những giải pháp mang tính liên tục, kịp thời của Bộ Công thương trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, địa phương, tình hình sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và doanh thu bán lẻ 4 tháng đầu năm 2020 vẫn có những điểm sáng.

Linh hoạt các giải pháp

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp - thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm vừa được Bộ Công thương công bố cho thấy, diễn biến phức tạp của Covid-19 đã tác động tới nhiều ngành sản xuất. Theo đó, chỉ số toàn ngành công nghiệp tháng 4 ước tính giảm 13,3% và giảm 10,55% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm chỉ tăng 1,8%, là mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

"Sản xuất công nghiệp tăng chậm lại dẫn đến tình trạng 'khó khăn kép' thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và khó khăn ở thị trường đầu ra cho xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa", báo cáo của Bộ Công thương nêu rõ.

Dịch bệnh cũng tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu ở nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản... Do nhu cầu hàng hóa sụt giảm mạnh, hoạt động giao thương hạn chế khiến xuất khẩu tháng 4 sụt giảm mạnh nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tới 20%; nhập khẩu hàng vật liệu vì thế cũng giảm với gần 8%.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương là một trong những Bộ đầu tiên trình Chính phủ báo cáo ban đầu về tác động của dịch bệnh Covid-19 lên hoạt động của nền kinh tế.

Được biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chủ động đề xuất với Chính phủ cần có các giải pháp bảo đảm xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh sản xuất, chuyển hướng xuất khẩu khẩu trang vải phòng chống dịch, tăng cường đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu trong nước.

Kết quả, chỉ ít ngày sau đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo cần đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu, không làm gián đoạn, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở đảm bảo phòng dịch, giúp giảm thiểu thiệt hại có thể lên tới hàng trăm triệu USD qua các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai.

“Trước diễn biến dịch bệnh chưa từng có, từng đơn vị, cán bộ phải chủ động, sáng tạo, không thể thụ động chờ đợi” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị trong ngành Công thương phải có kế hoạch ứng phó.

Nhiều văn bản quan trọng đã được Bộ Công thương ban hành chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ thực hiện để vừa phòng chống dịch bệnh, vừa tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng chung.

Cùng đó, thời gian qua, các lãnh đạo Bộ Công thương, lãnh đạo các đơn vị trong ngành có nhiều chương trình công tác, làm việc trực tiếp tại các địa phương, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hiệp hội ngành hàng để nắm được thực tiễn của doanh nghiệp và các địa phương.

Nhiều biện pháp được triển khai và khá thành công như xúc tiến thương mại bằng hình thức, kết nối thông tin thị trường, triển khai nền tảng số… Bên cạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, địa phương, cũng như khai thông thị trường, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng được Bộ Công thương triển khai, thực hiện tốt, nhằm bảo đảm trật tự thị trường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Cùng đó đã tập trung kết nối hệ thống phân phối trong nước để giải phóng được khối lượng hàng hóa lớn, đặc biệt là nông sản, giảm áp lực cho xuất khẩu.

Lần đầu tiên trong bối cảnh đại dịch, các nhu yếu phẩm vẫn được bảo đảm ở mức cao nhất cho mọi vùng địa lý của cả nước. Minh chứng rõ nét đó là doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm ước tính đạt 1.224,45 nghìn tỷ đồng, tăng 0,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 4,48%.

Kết nối giao thương, mở đường cho doanh nghiệp

Không chỉ vào cuộc với tâm thế chủ động, nét nổi bật đáng chú ý trong thực tế điều hành của Bộ Công thương trong việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là tính liên tục trong các giải pháp, biện pháp được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước.

Nhờ đó hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại 4 tháng đầu năm cho dù có sự sụt giảm so với cùng kỳ song vẫn đạt mức tích cực nếu tính đến diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang lan rộng ở nhiều nước trên thế giới.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,8%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 6,5%).

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2019, ước đạt 26,45 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 56,49 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ở các mặt hàng chủ lực như: Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 10,1%; giày dép các loại tăng 1,3%...

Trong khi dịch Covid-19 khiến các quốc gia thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại, ảnh hưởng tới hoạt động xúc tiến thương mại thì kết nối trực tuyến là phương thức hiệu quả giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh giao thương với doanh nghiệp nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đơn cử như lần đầu tiên Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây tổ chức giao thương trực tuyến hàng hóa, với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp hai nước.

Hay, mới đây, Hội nghị giao thương trực tuyến với chủ đề “Xúc tiến Thương mại Việt Nam - Ấn Độ: Cơ hội & Thách thức hậu Covid 19” với sự phối hợp của Cục Xúc tiến Thương mại, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD và Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã tổ chức thành công, được cộng đồng doanh nghiệp hai bên đánh giá cao.

Với kết quả đạt được, ngày 7/5 tới đây, Cục xúc tiến thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Phòng Thương mại và công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ tiếp tục tổ chức hội thảo trực tuyến “Việt Nam - Ấn Độ: Xúc tiến thương mại nông sản và thực phẩm chế biến”, từ đó, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai bên.

Dự báo nhu cầu tiêu dùng thế giới sẽ tăng trưởng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ Công thương cho rằng đây là cơ hội cho Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với nhiều thị trường để mở đường cho doanh nghiệp.

Đối với sản xuất công nghiệp, Bộ Công thương khuyến khích các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày, tăng cường sản xuất, kết nối với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh (đặc biệt là các DN FDI) để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thu hút các dự án dệt nhuộm lớn để sản xuất sợi, vải đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.