Tài chính

Ngành giao thông là điển hình vượt khó

04/01/2024, 10:00

Năm 2023, GTVT là một trong những ngành có quyết tâm rất cao trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Từ kết quả giải ngân đạt mức cao trong một năm "không bình thường" của Bộ GTVT chính là kinh nghiệm giải quyết khó khăn.

"Kết quả nổi bật của Bộ GTVT trong năm 2023, nhất là việc giải ngân đạt mức cao đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đối nghịch với sự sa thải hàng loạt diễn ra ở nhiều ngành nghề", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính chia sẻ về những đóng góp của ngành GTVT vào kinh tế Việt Nam trong một năm qua.

Ngành giao thông là điển hình vượt khó- Ảnh 1.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Chạy nước rút ngay từ đầu năm

Kinh tế toàn cầu năm qua chứng kiến sự tăng trưởng chậm. Theo ông, đâu là những nỗ lực giúp Việt Nam giữ tăng trưởng Top 20 thế giới?

Ngay từ cuối năm 2022, những cảnh báo về "cơn gió ngược" luôn được các tổ chức nước ngoài báo động cho năm 2023. Các nhà lãnh đạo nước ta cũng nhấn mạnh nhiều lần trong các cuộc họp và chỉ đạo các giải pháp kịp thời.

Ngành giao thông là điển hình vượt khó- Ảnh 2.

Việc khánh thành và đưa vào khai thác nhiều tuyến cao tốc đã giúp việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, giao thương giữa các tỉnh được rút ngắn cả thời gian và chi phí. Ảnh: Tạ Hải.

Năm qua, Chính phủ đã triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, giảm 10-50% với 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối 2023…

Thực tế, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) ước tăng khoảng 3,5%. Thặng dư thương mại ở mức kỷ lục, ước xuất siêu cả năm khoảng 26 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước vượt 3-4% so với dự toán.

Một điểm nhấn rõ nét trong năm qua chính là sự quyết tâm cao từ Chính phủ khi định hướng giải ngân đầu tư công là động lực phát triển và phục hồi kinh tế, giúp Việt Nam giữ tăng trưởng.

Năm 2023, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn đầu tư công lớn nhất cả nước - khoảng 95.000 tỷ đồng. Đây là số vốn rất lớn, chiếm khoảng 1/4 dự toán chi đầu tư phát triển của cả nước. Ông đánh giá thế nào về những đóng góp của ngành GTVT vào kinh tế nước ta trong năm qua?

Tôi rất ấn tượng với kết quả của Bộ GTVT. Năm 2023, GTVT là một trong những ngành có quyết tâm rất cao trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Không những thế, tôi còn thấy sự vào cuộc rất mạnh mẽ của Bộ ngay từ đầu năm 2023, không phải một hình ảnh chạy nước rút vào cuối năm như chúng ta vẫn thường thấy ở một số bộ, ngành khác.

Ngày đầu năm 2023, Bộ GTVT đã tổ chức khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam. Hình ảnh đó đã mang lại một ấn tượng tốt đẹp, một niềm hy vọng đất nước khoác lên mình "chiếc áo mới" trong một bầu không khí ảm đạm của kinh tế năm 2023. Đến nay, niềm tin đó đã thành hiện thực khi Bộ GTVT là đơn vị liên tiếp đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Một điều dễ thấy là việc đi lại hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều. Giao thương giữa các tỉnh được rút ngắn cả thời gian và chi phí. Nhưng niềm vui khác đáng quý hơn tôi thấy được là "cao tốc mang niềm vui về nhà". Nhiều người quen của tôi thường hay khoe rằng, họ thường xuyên về thăm quê hơn từ khi có cao tốc. Họ lấy cao tốc là niềm tự hào.

Về góc độ kinh tế, cao tốc đã góp phần tháo điểm nghẽn giao thông, khơi thông logistics. Vận chuyển hàng hoá giữa các vùng, nhất là vùng kinh tế phía nam được đánh giá là khởi sắc hơn sau khi có nhiều tuyến cao tốc được hoàn thành. Đây là thắng lợi lớn không chỉ của ngành GTVT, mà của cả đất nước trong năm qua.

Điều quan trọng nữa chúng ta cũng nhìn thấy từ kết quả giải ngân đạt mức cao trong một năm "không bình thường" của Bộ GTVT chính là kinh nghiệm giải quyết khó khăn. Một năm biến động về giá các loại nguyên, nhiên vật liệu, nhưng Bộ GTVT đã giải quyết nhanh chóng, quyết liệt, không chần chừ.

Những điều đó xứng đáng là bài học để chúng ta giải quyết các khó khăn sau này. Bởi việc tháo gỡ được khó khăn đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đối nghịch với sự sa thải hàng loạt của nhiều ngành nghề khác trong năm qua.

Xứng đáng là điển hình

Với kết quả đã đạt được, ông có cho rằng giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục trở thành động lực trong năm 2024?

Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 6 - 6,5%, tương tự như năm 2023. Như vậy, vai trò của đầu tư càng được coi trọng.

Năm 2024, tôi hy vọng bài học từ giải ngân đầu tư công của Bộ GTVT sẽ là điển hình lan toả đến nhiều bộ ngành khác, hướng đến kết quả tốt hơn.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, đầu tư hạ tầng sẽ được thúc đẩy mạnh với nhiệm vụ "giao thông đi trước đón đầu". Đầu tư vào hạ tầng là cơ sở nền cung cấp các điều kiện cơ bản hỗ trợ hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ, đồng thời thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy phát triển kinh doanh. Do đó, nhiệm vụ của giải ngân đầu tư công và của ngành GTVT càng đóng vai trò quan trọng.

Thành quả năm qua của Bộ GTVT đã được Thủ tướng biểu dương, được coi là điểm sáng kinh tế của năm 2023, giúp bức tranh giải ngân đầu tư công trở nên tích cực hơn, khi cả năm đạt 95%.

Tôi cho rằng, kết quả đó xứng đáng là điển hình, cho thấy hiệu quả hoạt động giám sát của 6 đoàn giám sát giải ngân của Chính phủ, cũng như thể hiện rõ sự quyết tâm từ chính bộ, ngành trong việc giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc và vai trò đầu tàu của người đứng đầu bộ, ngành.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia, theo ông, ngành GTVT cần làm gì để bứt phá mạnh mẽ hơn trong năm tới?

Rõ ràng, chúng ta đã thấy hiệu quả từ việc phân cấp, phân quyền trong giải quyết các công việc của Bộ GTVT. Năm qua, Bộ GTVT phân cấp cho địa phương thực hiện một số tuyến quốc lộ, cao tốc và giao địa phương làm chủ đầu tư một số dự án qua các địa phương khác… Đây là đột phá lớn về chính sách giúp Bộ GTVT tăng tốc được giải ngân và hoàn thành kế hoạch.

Vì vậy, tôi mong từ kết quả đó, cần tiếp tục nắm bắt, giải quyết những kiến nghị từ địa phương, dư luận. Ví dụ như việc mở rộng làn đường cao tốc và xây dựng trạm dừng nghỉ; tập trung làm những con đường kết nối liên vùng…

Tôi cũng kỳ vọng ngành GTVT chủ động, sáng tạo để kiến tạo nên những dự án vươn tầm quốc tế, nâng cao năng lực khả năng của doanh nghiệp xây dựng và chủ đầu tư, có chiến lược rõ ràng để đưa giao thông xanh đi sâu vào thực tiễn.

Cảm ơn ông!

Cả nước có gần 1.900km cao tốc

Năm 2023 có nhiều dự án cao tốc hoàn thành và khởi công nhất trong hơn một thập kỷ qua. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 729km đường bộ cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.892km; đang thi công khoảng 1.700km, phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu cả nước có khoảng 3.000km cao tốc vào năm 2025; 5.000km cao tốc vào năm 2030.

Về hàng không, nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đã được khởi công...


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.