Thói háo danh đã được nhiều bậc thức giả bàn đến, thậm chí có người còn coi đó là “quốc nạn”. Nhưng bây giờ, khi ma túy các loại tràn ngập, sinh ra muôn vàn người ngáo đá thì từ “háo” đã được “thăng” lên một bậc, thành ngáo.
Ngáo đá, ngáo quyền lực, ngáo bằng cấp, ngáo danh…
Từ năm 1936, Vũ Trọng Phụng đã viết in báo, sau đó in thành tiểu thuyết “Số đỏ”. Xuân tóc đỏ, từ một kẻ hạ lưu nhìn trộm cô đầm thay đồ, được bà Phó Đoan bảo lãnh. Nhờ thuộc lòng những bài quảng cáo thuốc lậu, hắn được vợ chồng Văn Minh gọi là "sinh viên trường thuốc", "đốc tờ Xuân".
Gia nhập xã hội thượng lưu, quen với những người giàu và có thế lực, Xuân hùng hồn diễn thuyết cho đám đông dân chúng, được mời vào hội Khai trí tiến đức, được nhận huân chương Bắc Đẩu bội tinh…
Câu chuyện cách đây 73 năm tưởng đã lỗi thời, không ngờ nay vẫn còn nguyên giá trị. "Xuân tóc đỏ" nhân phiên bản của mình ra như nấm.
Nhiều năm nay, người đời biết đến một “viện sĩ- thơ thần ứng viên Nobel văn chương”, từ một người không được như bình thường, bỗng nhiên anh ta xuất hiện trong nhiều bức ảnh với các vị chức cao vọng trọng. Nhà anh treo cả một bộ sưu tập ảnh không thiếu vị nào. Nhưng nghề chính của anh là gì biết không? Nghề “chạy”. Anh ta có thể chạy bất kỳ thứ gì từ chạy án, chạy ghế, chạy dự án, chạy… linh tinh. Ai cũng mất tiền mà ai cũng “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nỏi ra sợ thiên hạ chê ngu. Và vì thế người khác tiếp tục bị lừa.
Một vị đại gia lúc đó (đã vào tù) vì tin tưởng đã đưa anh ta cầm phong bì đi “quan hệ”, sau mới vỡ lẽ đến ai, anh ta cũng “ngắt” một nửa.
Nhiều ngày nay, báo chí và cư dân mạng nóng lên vì chuyện “nhà báo quốc tế”, một người bị nhiều người và tổ chức tố lừa đảo, bằng cấp nhôm nhoam, “bỗng dưng” thành gương sáng cho học sinh noi theo vì sự bảo chứng của nhiều vị có danh phận.
Từ vụ việc này, người ta tiếp tục lôi ra ánh sáng nhiều “nhà quốc tế” khác mà đọc danh thiếp họ chúng ta đã nổi da gà.
Chuyện xưa, Chu Thuấn Thủy trình diện quan lại Đàng Trong, được hỏi: “Cống sĩ với cử nhân và tiến sĩ, bên nào hơn?” để khích bác ông chỉ là cống sĩ, không đáng gì với các vị khoa bảng. Sau đó, ông bỏ sang Nhật và trở thành một trí thức tầm cỡ hữu ích cho việc cải cách ở Nhật Bản.
Vậy mà ngày nay, chúng ta lặp lại y như thế. Tức là đánh giá con người không qua thực lực mà qua bằng cấp. Mà bằng cấp được xác định trên một nền tảng giáo dục chạy theo thành tích, chữa điểm thi từ 1 điểm lên thành thủ khoa thì nguy hại đến mức nào?
Thói háo danh ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn nhận, đánh giá con người của xã hội.
Người ở quê khi được hỏi đến người nhà mình làm gì ở thành phố đều nói ông ấy chức này, tước nọ. Đến người gọi là làm khoa học, thậm chí là báo chí, cũng trích dẫn lời ông nọ bà kia với một dãy bằng cấp, chức tước nhưng nội hàm câu nói thì chỉ là số không. Khổ là, nhiều chức, nhiều bằng làm nhiều người tin.
Những kẻ háo danh, ngáo danh hiện nay đều dùng một chiêu bài mua “hàng dởm” ở nước ngoài về bám càng các vị có danh phận để lòe trong nước. Mục đích cuối cùng là gì? Là tiền!
Các vị bị lợi dụng có biết không? Thừa biết. Nhưng cũng vì ngáo danh, thậm chí trong nhiều trường hợp là vì ngáo tiền mà thôi.
Chúng ta, những người bình thường, vì sao thấy khó chịu với lớp người háo danh này? Đơn giản thôi, vì ta nhận thấy họ ấu trĩ, thực chất họ thấp hơn cái vị thế mà họ chiếm được, không xứng với những gì họ mang ra khoe.
Họ thật tội nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận