Đã 15 năm trôi qua, kể từ ngày bộ phim tài liệu “Ngày cuối cùng của chiến tranh” ra mắt (2005). Đến nay, những thước phim vẫn giữ nguyên giá trị mỗi dịp kỷ niệm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.
Báo Giao thông đã có dịp trò chuyện với đạo diễn, NSND Nguyễn Thước về kỷ niệm làm bộ phim ý nghĩa này.
Thông điệp chính ở nhóm người sinh ngày 30/4
Thưa đạo diễn, NSND Nguyễn Thước, ông là một người đã có mặt ngay trong những ngày chiến thắng vẻ vang của dân tộc Giải phóng miền Nam 30/4/1975. Có điều gì đặc biệt ông có thể chia sẻ về những ngày tháng trọng đại ấy?
Mặc dù không được trực tiếp chứng kiến ngày đặc biệt, trọng đại này ở Sài Gòn, nhưng một không khí hân hoan, đặc biệt đã lan toả ra khắp đất nước. Đã 45 năm trôi qua, nhưng cảm xúc đó dường như vẫn còn nguyên vẹn trong tôi, và có lẽ cũng như rất nhiều người dân Việt Nam lúc đó.
Ông là một đạo diễn thành công với đề tài về phim chiến tranh cách mạng, trong đó có phim tài liệu “Ngày cuối cùng của chiến tranh” (2005). Ông có thể chia sẻ đôi nét về sự gặp gỡ đầy “duyên nợ” để làm nên tác phẩm điện ảnh này?
Thời điểm đó, tôi được giao nhiệm vụ làm một bộ phim để kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam. Quả thực, đó cũng là một sức ép vì đã có quá nhiều bộ phim về cuộc chiến kéo dài 20 năm này. Những bộ phim đó cũng rất thành công, thậm chí còn có nguồn tư liệu đồ sộ được quay trong chính cuộc chiến đó.
Khi cố đạo diễn Đào Thanh Tùng viết kịch bản “Ngày cuối cùng của chiến tranh”- đề tài anh ấp ủ từ lâu, tung ra đúng thời điểm kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, đọc kịch bản, tôi đã rất hào hứng vì toàn bộ tứ của bộ phim đã bật ra ngay từ cái tên: “Ngày cuối cùng của chiến tranh”.
Lúc đó, tôi đã hình dung rằng phim sẽ được thực hiện với tất cả những nhân chứng đã có mặt với tất cả cảm xúc và sự kiện trong những ngày cuối cùng đó. Tôi cho rằng đó là một tứ rất hay, là một góc nhìn khác mà chưa có bộ phim chiến tranh nào làm như thế.
Sau khi đề xuất, dự án lập tức được Hãng Phim tài liệu và Khoa học Trung ương (nay là Công ty TNHH MTV Hãng Phim tài liệu và Khoa học Trung ương) đồng ý đưa vào sản xuất. Đúng ngày 30/4/2005, đoàn làm phim chúng tôi đã vào TP Hồ Chí Minh gặp gỡ các nhân chứng. Chúng tôi mất 3 tuần thực hiện trong TP Hồ Chí Minh và một vài ngày ở ngoài Hà Nội.
Đến nay, đã 15 năm trôi qua, tôi rất vui khi bộ phim được chiếu đi chiếu lại nhiều lần, đặc biệt mỗi dịp 30/4 hàng năm. Ngoài ra, “Ngày cuối cùng của chiến tranh” vẫn là dẫn chứng cho bài học làm phim chiến tranh tôi giảng dạy cho học sinh trên giảng đường đại học.
Với “Ngày cuối cùng của chiến tranh” ông muốn đưa lại thông điệp gì, thưa đạo diễn?
Thông điệp lớn nhất đó là nhóm các bạn sinh đúng ngày 30/4. Họ là những người trẻ sinh ra trong ngày 30/4/1975, tại Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Họ gặp gỡ và reo vui trong sáng ngày kỷ niệm 30 năm Sài Gòn giải phóng. Chúng tôi gặp những bạn trẻ và thú vị khi biết họ thành lập nên câu lạc bộ những người sinh ra đúng ngày giải phóng, hỗ trợ, giúp đỡ nhau học tập, làm việc, nên hầu hết họ đều thành đạt.
Có rất nhiều điều đặc biệt
Ngoài nhóm những người sinh đúng vào ngày đặc biệt, còn câu chuyện của nhân vật nào khiến ông trăn trở?
Đó là câu chuyện của cựu phó tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ và tâm tư của người lính, sau này là nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Tôi may mắn khi được gặp ông Nguyễn Cao Kỳ đúng dịp ông về nước để lên kế hoạch đưa các nhà đầu tư Mỹ tới Việt Nam, tiếp cận đầu tư kinh doanh. Trong quá trình trò chuyện, ông ấy rất cởi mở, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi của chúng tôi. Điều mà tôi cảm nhận được từ ông ấy chính là sự chân thành của một người con nước Việt.
Tôi nhớ nhất khi ông nói rằng, là một người lính, ông gần như không khóc, nhưng trong đời đã phải rơi nước mắt hai lần. Lần thứ nhất là lần ông rời Việt Nam, khi bước lên chiến hạm của Mỹ chiều 29/4/1975, người hạm trưởng ra đón có nói đang đeo huân chương được ông tặng trước đó. Câu nói ấy đã làm ông Nguyễn Cao Kỳ chảy nước mắt, bởi nghĩ rằng chẳng có gì còn giá trị nữa. Lần thứ hai sau gần 30 năm ở nước ngoài, lần đầu tiên trở về Việt Nam, khi máy bay báo đã vào tới không phận Việt Nam, nước mắt của ông tự nhiên ứa ra.
Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Văn Thọ lại có những ký ức vô cùng thú vị. Tôi vô cùng ấn tượng là câu chuyện, khi anh dẫn đồng đội đi trên đường vào Sài Gòn, đến cầu Bông, lính của anh bị thương rất nhiều. Khi chiếm được đồn, anh và đồng đội gặp được một người sĩ quan nguỵ với đôi chân đẫm máu, một chiến sĩ trong đơn vị giương súng định bắn. Nhưng, đúng lúc ấy tiếng loa của Tổng thống Dương Văn Minh, lệnh cho toàn bộ Việt Nam cộng hoà đầu hàng, dường như có một điều gì đó “ập” đến trong đầu người lính Nguyễn Văn Thọ.
Chiến tranh đã dừng rồi, tất cả đều đã chấm dứt. Chúng ta không nên làm việc vô nghĩa cuối cùng này nữa. Anh đã ngăn hành động của người lính và rút hai gói bông băng của mình đưa cho viên sĩ quan ngụy và bảo tự băng bó rồi cho chiến sĩ đơn vị dẫn viên sĩ quan giao cho quân quản.
Một câu chuyện khác của anh, đó là khoảnh khắc bất ngờ nhưng vô cùng chân thật khi Sài Gòn được giải phóng. Trên đường chạy về Sài Gòn, trong khi người dân đổ xô ra hai bên đường hoà cùng niềm vui với bộ đội. Anh cũng trong niềm xúc động ấy, nhưng đột nhiên anh ấy sững lại: “Ngày mai mình sẽ làm gì đây?”.
10 năm trong quân ngũ, anh có bao nhiêu kinh nghiệm là làm thế nào để nhóm một ngọn nửa để đun một nồi cơm mà máy bay địch không phát hiện; nằm trên võng nghe tiếng máy bay rít như thế nào thì sẽ phải nhảy xuống hầm ngay, nghe tiếng như thế nào thì cứ yên tâm nằm trên võng. Tất cả những kinh nghiệm để người lính tồn tại trong cuộc chiến thì ngày mai chẳng để làm gì nữa. Chưa có một nghề gì trong tay cả. Một câu hỏi đến vô cùng bất ngờ nhưng lại vô cùng chân thật.
Tôi rất may mắn khi gặp lại được nguyên phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ - đúng khoảng thời gian ông ở Sài Gòn. Với những cảm xúc rất đặc biệt của một ông tướng ở phía bên kia nhưng ông đã trải lòng với tôi rất thành thực.
Trong vai trò là đạo diễn, với những hình ảnh quay phim đã thu được, ông đã lựa chọn như thế nào để truyền tải tinh thần đó?
“Ngày cuối cùng của chiến tranh” có rất nhiều điều đặc biệt. Trước hết, đó là việc chúng tôi đã đưa được thông tin có khoảng 5.000 chiến sĩ hy sinh ở cửa ngõ Sài Gòn trước ngày thống nhất. Đến khi hoà bình lập lại, những người lính lại trở về với gia đình. Trong phim, có nhân vật khá đặc biệt, đó là ông Năm Tào (Đại tá Nguyễn Văn Tào, nguyên Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động Miền). Nhà ông ở ngay sát cầu Thị Nghè, khi lên căn cứ, con gái ông vẫn đang nằm trong bụng mẹ, đến khi trở về, ông đã có cháu ngoại.
Hay, câu chuyện của phi công Nguyễn Thành Trung; Trung tướng Phạm Xuân Thệ; Đại tá, nhà văn Chu Lai; cựu trung tướng quân lực Sài Gòn Nguyễn Hữu Có... cũng được chúng tôi ghi lại trong phim. 30 năm sau, họ có thể thành công hoặc đầy bươn chải nhưng họ vẫn đầy nhiệt huyết, hân hoan khi nhớ lại những ngày cuối cùng của chiến tranh và ngày đầu tiên của độc lập ấy.
Xin cảm ơn ông!
Bộ phim tài liệu "Ngày cuối cùng của chiến tranh", do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương được làm vào thời điểm tròn 30 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2005). Phim do Đào Thanh Tùng viết kịch bản và lời bình cùng với đạo diễn Nguyễn Thước và quay phim Hoàng Dũng và cộng sự thực hiện. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận