Quản lý

Ngày mai Quy chuẩn biển báo mới có hiệu lực, tài xế cần lưu ý gì?

30/06/2020, 16:01

Từ ngày mai (1/7), Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 chính thức có hiệu lực với nhiều thay đổi...

img
Quy chuẩn mới có thay đổi đáng chú ý về biển báo khu đông dân cư - Ảnh minh họa

Quy chuẩn biển báo hiệu đường bộ 41:2019 chính thức có hiệu lực từ ngày mai (1/7) với rất nhiều điểm mới đáng chú ý. Quy chuẩn này gồm 4 phần: Quy định chung; Quy định kỹ thuật; Quy định về quản lý; Tổ chức thực hiện.

Đáng chú ý của Quy chuẩn này là những quy định về biển báo hiệu. Một trong những điểm mới nhất là việc trước đây, nhiều tài xế bị xử lý lỗi chạy quá tốc độ vì nhầm tưởng là đã hết khu đông dân cư sau khi đi cả một quãng đường dài không có biển báo. Trên quốc lộ đi qua thành phố, đô thị có nhiều ngã ba, ngã tư, việc cắm nhắc lại biển này vẫn khiến nhiều người thắc mắc, thậm chí tranh cãi.

Quy chuẩn biển báo hiệu đường bộ 41:2019 quy định cụ thể về biển báo "bắt đầu khu đông dân cư" (R.420) và biển báo "hết khu đông dân cư" (R.421).

Theo đó biển R.420 bắt đầu khu đông dân cư không cần nhắc lại sau đường giao nhau và hiệu lực của nó đến R.421 hết khu đông dân cư. Trong phạm vi này tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trong khu vực đông dân cư tại đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên được chạy với tốc độ tối đa 60 km/h. Tại đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới: tối đa 50 km/h. Xe máy chuyên dùng, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự: tối đa 40 km/h.

Cụ thể: Mục D.17 Phụ lục D Quy chuẩn 41:2019 cũng nêu rõ: “Biển báo số R.420 có hiệu lực khu đông dân cư đối với tất cả các tuyến đường nằm trong khu vực đô thị cho đến vị trí đặt biển báo số R.421”.

Giải thích về quy định này, đại diện Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, do trong đô thị có rất nhiều nút giao, không thể mỗi nút giao lại đặt biển nhắc lại nên người tham gia giao thông khi gặp biển R.420 phải chú ý tuân thủ tốc độ cho phép trong khu đông dân cư và chỉ khi nào nhìn thấy biển R.421 thì biển R.420 mới hết hiệu lực, lúc đó mới có thể tăng tốc”, ông đại diện này nói.

Một điểm đáng chú ý khác, Quy chuẩn mới cũng quy định: Xe bán tải, xe VAN có khối lượng chuyên chở từ 950kg trở lên hoá thành không được coi là xe con trong tổ chức giao thông. Bên cạnh đó, xe (có kết cấu chở hàng) dưới 1,5 tấn vốn được coi là xe con trong Quy chuẩn hiện hành, đến quy chuẩn mới, loại xe này không được coi là xe con mà sẽ được quy định thành xe tải.

Đối với biển báo hiệu cũng có một số thay đổi, biển P.111A cấm xe máy và xe gắn máy sẽ thay đổi thành cấm xe gắn máy. Bên cạnh đó, biển cấm phương tiện không cần phải có biển chỉ dẫn như quy chuẩn trước đây. Biển báo không cần thiết phải đặt trên giá long môn, cột cần vươn hay nhắc lại bên trái. Quy chuẩn cũng quy định biển báo làn đường riêng cho xe buýt BRT và làn dành riêng cho thu phí không dừng (ETC) tại các trạm thu phí. Biển không nhất thiết phải sơn phản quang.

Đối với tín hiệu đèn vàng, Quy chuẩn mới bỏ khái niệm tiến sát đến vạch dừng, thay bằng và thay bằng đến quá gần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.