Khám phá

Ngày xuân kể chuyện dân miệt Bảy Núi thuần phục và “ông Cọp” trả ơn

01/02/2022, 06:30

Miệt Bảy Núi nói riêng còn có nhiều cách ứng xử độc đáo với ông Cọp, thể hiện rõ triết lý nhân sinh của người dân bản địa.

Miền Tây Nam Bộ địa hình chủ yếu là đồng bằng phù sa, chỉ có vùng Bảy Núi (Thất Sơn) tỉnh An Giang là thuộc loại “bán sơn địa”, đồng bằng xen lẫn với những dãy núi điệp trùng. Chính vì thế nơi đây cũng là “lãnh địa” của những loài thú dữ, mà cọp là điển hình.

img

Một miếu thờ ông Cọp ở miền Tây.

Cũng như các vùng miền khác, người dân khu vực Tây Nam Bộ có nhiều cách để gọi loài hổ, có thể kể đến những định danh quen thuộc như “cọp/ông Cọp”, “hổ/ông Hổ”, “ông Ba Mươi”, “chúa tể sơn lâm”…

Bên cạnh đó, vùng Tây Nam Bộ nói chung và miệt Bảy Núi nói riêng còn có nhiều cách ứng xử độc đáo với ông Cọp, thể hiện rõ triết lý nhân sinh của người dân bản địa. Những điều này được lưu lại trong các huyền thoại về cọp trong văn hóa đất phương Nam.

Trước tiên, phải kể đến nhóm truyện nói về việc con người ra tay cứu giúp cọp, sau đó cọp báo đáp công ơn.

Các vị cao niên ở An Giang kể rằng, cù lao Mỹ Hòa Hưng trước kia là một khu đất hoang vu.

Những đoàn người từ phía Long Xuyên đã chặt cây rừng kết bè vượt sông Hậu sang khai phá rừng hoang, mở đất làm ăn. Dần dần hình thành cái xóm nhỏ cỡ chục nóc nhà bên cù lao này.

Có hai vợ chồng nhà ở cù lao làm nghề hạ bạc trên sông Hậu, trong đêm mưa gió bỗng phát hiện một con thú đang kiệt sức cố bám vào dề trấp.

Ban đầu hai ông bà tưởng là chú mèo con sảy chân trôi dạt tới đây, nên động lòng thương vớt về nuôi. Ai ngờ, nuôi được một thời gian con thú bỗng lớn bất thường, ông bà coi kỹ lại thì không phải mèo mà là một con hổ.

Hai vợ chồng già sợ quá, vừa muốn đuổi hoặc giết con vật, vừa thấy thương vì nó hiền khô, lại quen chân mến tay với hai ông bà.

Có điều, sự hiện diện của vị “chúa tể sơn lâm” ở cái cù lao nhỏ xíu này khiến dân làng bất an. Nhiều người nói xa nói gần để ông bà già đuổi con hổ đi, nếu không dân làng đành bỏ xứ cù lao trở qua Long Xuyên sinh sống.

Có lẽ con hổ hiểu được tâm tư của chủ, nên trong một đêm trăng sáng, nó đã rời bỏ cù lao, vượt sông Hậu trở về Bảy Núi. Nhiều năm trôi qua, không còn ai nhắc gì tới nó nữa. Hai vợ chồng già cũng qua đời trong một tai nạn trên sông.

Có điều lạ là, khi dân làng chôn cất ông bà xong, đêm đó con hổ cũng tìm về. Nó ngồi lặng lẽ trước hai ngôi mộ, đến gần sáng thì đi.

Chưa kể, hàng năm cứ vào những ngày giỗ của hai vợ chồng người hạ bạc, ông Hổ lại cõng về một con thú rừng để “cúng”.

Cho đến một lần, ông Hổ dù đã già yếu nhưng vẫn cố vật chết một con heo rừng để đem về cúng giỗ cho vị ân nhân. Để xác con heo bên mộ của vợ chồng người hạ bạc, ông Hổ đi ngược về phía đầu cù lao định vượt sông trở lại Thất Sơn thì kiệt sức, gục chết ở đầu cồn.

Sáng hôm sau dân làng phát hiện, đã chôn cất “ông” thật cẩn trọng rồi lập miếu thờ. Ngày nay, cù lao Mỹ Hòa Hưng vẫn được dân gian gọi với tên khác là cù lao Ông Hổ.

Một câu chuyện khác cũng khá phổ biến trong văn hóa dân gian Nam Bộ, đó là chuyện ông Hổ trả ơn.

Số là, một hôm hổ cái trở dạ nhưng không sinh con được, lại tỏ ra vô cùng đau đớn. Hổ đực đã chạy đến tìm một bà mụ ở ven rừng.

Bà mụ vừa thấy hổ là xỉu ngang. Hổ đực tha bà mụ về chỗ hổ cái, tìm cách làm bà tỉnh dậy.

Khi tỉnh, bà mụ rất hoảng sợ nhưng thấy hai con hổ to lớn chẳng làm gì mình, lại nhìn sang con hổ cái, thấy bụng to và tỏ ra đau đớn nên bà hiểu chuyện.

Bà mụ liền nhanh tay đỡ đẻ cho hổ cái, giúp nó “mẹ tròn con vuông”. Để trả ơn, hổ đực sau khi vác bà mụ về, nó đã vào rừng vật chết một con heo đem đến để trước cửa nhà bà.

Khi bà mụ qua đời, nửa đêm người dân trong làng thấy có hai con hổ đi từ phía rừng đi về, đến dập đầu bái lạy vị ân nhân rồi quay đi, khuất dạng vào đêm.

Những câu chuyện như thế phần nào cho ta thấy, trong tâm thức người dân Nam Bộ, con người và mãnh thú vẫn có thể sống chan hòa nhân ái với nhau, loài vật cũng trọng tình trọng nghĩa chẳng thua kém gì con người.

Cũng có những huyền thoại dân gian kể về cuộc đụng độ nảy lửa giữa người và cọp, như mẩu chuyện kể một pháp sư ở núi Ba Thê đánh nhau với “ông Ba Mươi”.

Khu vực núi Ba Thê trước đây rất hoang vắng, cây cối rậm rạp, đất rộng người thưa. Trên núi có một hang lớn, là nơi trú ngụ của cọp dữ.

Con cọp này thường bắt, ăn thịt những người dân đi rừng hoặc làm ruộng rẫy gần đó, khiến cho người dân rất lo sợ.

Một hôm, có vị đạo sĩ không biết từ đâu xuất hiện, miệng đọc thần chú, chân bước thẳng lên hang cọp. Cọp gầm lên những tiếng vang trời rồi xông ra nghênh chiến.

Hai bên đấu với nhau long trời lở đất, đến ba ngày ba đêm thì cọp dữ thua trận, cúi đầu quy phục. Vị pháp sư không giết cọp, mà chỉ khuyên nó hãy quay về núi lo tu hành, từ đây không được làm hại bá tánh.

Cọp nghe lời, cúi lạy pháp sư rồi trở về núi. Từ đó, vùng này trở nên yên bình, không còn bị mãnh thú quấy phá nữa.

Ở vùng Tịnh Biên cũng có những chuyện tương tự, nhưng thường gắn với nhân vật đức Phật Thầy Tây An, người được cho là đã sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Những lần cứu cọp hay quy phục được cọp dữ, Phật Thầy thường khuyên nó quay về núi, lo tu hành chớ đừng hại lương dân.

Co thể thấy rằng, cọp và người cũng đối đầu nhau nhưng không giao chiến một mất một còn, mà con người thường dùng chân tâm của mình để cảm hóa cọp, rồi sau đó thì khuyên cọp “hướng thiện”.

Có lẽ đây cũng là triết lý nhân sinh mà lưu dân đây muốn truyền tải, rằng con người và thiên nhiên vẫn có thể tồn tại song hành, không nhất thiết phải triệt tiêu nhau. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện những dấu ấn về tôn giáo của vùng đất Tây Nam Bộ.

Khi vào phương Nam khai hoang mở cõi, lưu dân phải đối mặt với bao nỗi khiếp sợ, “chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma”.

Họ phải gan góc, bản lĩnh lắm mới trụ nổi ở vùng đất này. Trong cuộc mở đất, cảnh “nhất phá sơn lâm nhì đâm hà bá” cũng thường xuyên xảy ra.

Thế nhưng, điểm lại một số câu chuyện dân gian về hổ ở miệt Bảy Núi, ta lại thấy con người và muôn loài luôn khát khao sống chan hòa với nhau, không ai làm hại ai.

Ngày nay, khi môi trường sinh thái bị đe dọa, khi nhiều loài vật đứng trước nguy cơ tiệt chủng, chúng ta mới kêu gọi phải bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ muông thú. Hóa ra, những điều này cha ông ta đã làm hàng trăm năm trước rồi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.