Xã hội

Nghệ An: Nhà xưởng hoạt động chục năm chưa thuê được đất

24/04/2024, 07:42

Hàng chục xưởng chế biến khoáng sản trong các cụm công nghiệp ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã hoạt động nhiều năm nhưng chưa hoàn tất thủ tục thuê đất.

Việc tháo gỡ để giúp doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ theo quy định, yên tâm sản xuất gặp không ít vướng mắc.

Doanh nghiệp "đứng ngồi không yên"

Huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An được mệnh danh là "thủ phủ" khoáng sản của khu vực miền Trung. Tuy nhiên, có mặt tại đây những ngày giữa tháng 4, PV Báo Giao thông ghi nhận hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh rất ảm đạm, hầu như chỉ cầm chừng, duy trì là chính.

Nghệ An: Nhà xưởng hoạt động chục năm chưa thuê được đất- Ảnh 1.

Dù đã hoạt động hàng chục năm nhưng hiện vẫn có 43 cơ sở chế biến khoáng sản ở Quỳ Hợp chưa hoàn tất thủ tục thuê đất.

Trong khi đó, thủ tục pháp lý thuê đất của các nhà xưởng trong các cụm công nghiệp, khu chế biến chưa hoàn tất khiến nhiều doanh nghiệp "đứng ngồi không yên". Nhất là khi chính quyền huyện Quỳ Hợp đang yêu cầu những doanh nghiệp chưa hoàn tất thủ tục thuê đất phải tạm dừng sản xuất.

Một doanh nghiệp (xin được giấu tên) cho biết, các xưởng chế biến khoáng sản được xây dựng và hoạt động từ những năm 2000. Nguồn gốc đất phần lớn được thuê lại của người dân. Lúc đó, chính quyền kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư nhưng chưa có quy hoạch.

"Hằng năm, chúng tôi đều trả tiền thuế đất đầy đủ. Mãi sau này, khi có quy hoạch cụm công nghiệp, khu chế biến, doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục. Nhưng khi làm hồ sơ thì vướng phải rất nhiều khó khăn như: Khoảng cách an toàn đến khu dân cư, quy hoạch nông thôn mới… Chúng tôi đã làm hồ sơ nhiều lần nhưng không thể hoàn tất. Ngoài ra, doanh nghiệp muốn đầu tư mở rộng sản xuất cũng không dám", vị đại diện doanh nghiệp này nói.

Ông Nguyễn Sỹ Tùng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp cho biết, trên địa bàn có 43 xưởng chế biến khoáng sản thuộc 22 tổ chức và 21 hộ cá thể chưa có thủ tục thuê đất theo quy định. Các xưởng này đã xây dựng và hoạt động sản xuất ổn định từ năm 2004 đến nay. Trong đó có 25 nhà xưởng tại các cụm công nghiệp, khu chế biến đá tập trung.

Cũng theo ông Tùng, nhiều doanh nghiệp dù đã có giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản và đã lập hồ sơ xin thuê đất trong nhiều năm nhưng vẫn chưa được. "Có doanh nghiệp đã 5-7 năm, thậm chí có doanh nghiệp gần 10 năm vừa sản xuất vừa làm hồ sơ thuê đất nhưng đến nay vẫn chưa có", ông Tùng nói.

 Cần sớm tháo gỡ

Theo tìm hiểu, trong các cụm công nghiệp ở huyện Quỳ Hợp, cụm công nghiệp Thung Khuộc được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch chi tiết sớm nhất (năm 2007). Còn lại, các cụm công nghiệp: Thọ Sơn 1, Thọ Sơn 2, Châu Lộc, Châu Quang đều được tỉnh này phê duyệt vào năm 2015.

Nghệ An: Nhà xưởng hoạt động chục năm chưa thuê được đất- Ảnh 2.

Việc chưa hoàn tất thủ tục thuê đất khiến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro.

Nguồn gốc đất đai trong phạm vi các cụm công nghiệp ở đây chủ yếu là đất nông nghiệp, các doanh nghiệp nhận chuyển nhượng lại từ các hộ dân trên địa bàn để xây dựng nhà xưởng chế biến, trước khi các cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết.

"Việc doanh nghiệp chưa hoàn tất thủ tục thuê đất là do lịch sử để lại. Thế nhưng, theo thông báo của chính quyền địa phương, doanh nghiệp nào không hoàn tất thủ tục thuê đất phải tạm đình chỉ sản xuất, tháo dỡ cơ sở vật chất. Trong khi nhiều doanh nghiệp đã đầu tư tiền tỷ. Điều này kéo theo nguồn thu ngân sách địa phương, thu nhập của hàng ngàn người lao động cũng bị ảnh hưởng theo", ông Nguyễn Sỹ Tùng cho hay.

Theo ông Tùng, các doanh nghiệp rất mong huyện Quỳ Hợp và tỉnh Nghệ An sớm có giải pháp hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn tất thủ tục thuê đất để ổn định sản xuất lâu dài.

Ông Phạm Văn Đình, Phó chủ tịch xã Thọ Hợp (địa phương có đến hơn 10 xưởng chế biến chưa hoàn tất thủ tục thuê đất) cho biết: Việc chưa thể hoàn tất thủ tục không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà cũng khiến công tác quản lý Nhà nước ở địa phương gặp không ít khó khăn.

"Xã không thể cắt cử cán bộ giám sát 24/24h. Chưa kể, nếu kiên quyết đình chỉ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp và người lao động địa phương", ông Đình nói.

Ông Lê Sỹ Hào, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường (TN&MT) huyện Quỳ Hợp cho biết, địa phương đã nắm được vấn đề này. Từ năm 2022, huyện đã báo cáo Sở TN&MT tỉnh Nghệ An. Hiện, huyện đang báo cáo chi tiết theo hướng dẫn của Sở để có cơ sở kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết cho doanh nghiệp.

"Vừa qua, huyện Quỳ Hợp đã có báo cáo nhưng chưa đầy đủ, hiện Phòng đang giục huyện sớm hoàn tất báo cáo để trình UBND tỉnh, từ đó tìm phương án tháo gỡ cho doanh nghiệp. Trong số 43 cơ sở này, nguồn gốc đất và lịch sử hình thành, sản xuất cũng khác nhau nên việc xử lý cũng phải khác nhau", ông Hòa thông tin.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.