Thanh tra đường thủy có vai trò quan trọng trong công tác giữ gìn trật tự ATGT đường thủy |
Chẳng ở yên một chỗ bao giờ
Sau mấy lần hẹn nhưng không gặp được tại trụ sở vì bận đi kiểm tra đột xuất, Đội trưởng Đội Thanh tra - An toàn số 2, Trần Văn Khiết (trực thuộc Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc) hẹn tôi gần cầu Long Biên, Hà Nội, nơi lực lượng thanh tra có kế hoạch kiểm tra một bến thủy chở khách. “Ngay từ đầu năm, Cục trưởng và lãnh đạo Chi cục chỉ đạo thanh tra đường thủy phải xử lý nghiêm, nhất là phương tiện chở khách. Lại thêm việc đảm bảo an toàn các lễ hội xuân nữa nên ngày nào cũng bận rộn. Hết tháng 3 âm lịch mới hết lễ hội rước nước, anh em chúng tôi vừa tập trung kiểm tra bến khách vừa lên kế hoạch bảo đảm các lễ hội rước nước trên sông Hồng, sông Đuống nên đi suốt”, ông Khiết thanh minh.
"Khi thanh tra đường thủy đến bến thủy không phép chỉ gặp được người làm thuê, nếu đang hoạt động thì họ không bốc xếp hàng hóa nữa, chờ đến khi chúng tôi đi khỏi lại hoạt động”. Đội trưởng Trần Văn Khiết |
Theo chân thanh tra đường thủy, chúng tôi đến một điểm tàu du lịch sông Hồng thường neo đậu, đưa khách tới các điểm tâm linh dọc hai bên sông. Đội tàu du lịch này có ba chiếc và cũng là duy nhất chuyên chở khách du lịch sông Hồng. Vì thế, lần kiểm tra này do liên lực lượng Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Hà Nội (trực thuộc Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II), Sở GTVT Hà Nội, Cảnh sát giao thông tiến hành. Theo ông Phạm Thắng, Trưởng đại diện Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II tại Hà Nội, sở dĩ có cuộc kiểm tra này do đơn vị vận tải neo đậu, đón trả khách tại vùng nước chưa có giấy phép, cần có sự vào cuộc của liên ngành để giải quyết triệt để vi phạm. Sau khi nghe phân tích và hướng dẫn của đoàn công tác, đại diện đơn vị chủ tàu nhất trí ký vào biên bản và cam kết dừng hoạt động phương tiện để báo cáo đơn vị cấp trên chấp hành quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ. Đại diện lực lượng thanh tra cũng khuyến cáo đơn vị không nên chỉ “ký cho xong việc”, vì hậu quả có thể sẽ khôn lường nếu chủ quan. Xong việc khi đã quá giờ nghỉ trưa, mấy anh em thanh tra đường thủy lại được lệnh chuẩn bị cho chuyến kiểm tra tàu hút cát trên luồng, cách đó gần 50 km. Thanh tra viên (tên gọi đúng theo chức danh là công chức thanh tra) Phí Văn Minh cho biết, Đội có ba tổ, được giao phụ trách gần 700 km sông, nên anh em di chuyển liên tục, mỗi lúc một nơi, có khi một ngày chạy lại cả trăm cây số. Đi lại liên tục, tiện sông nước thì đi xuồng, không thì xe máy, có khi cần kíp mượn, thuê ô tô đi cho kịp.
“Sáng hôm kia, mấy anh em đi xuồng mất gần bốn tiếng đến sông Lục Nam (Lục Nam, Bắc Giang) để tham gia khắc phục hậu quả vụ một phương tiện tự đắm, bảo đảm giao thông. Hôm sau, gần 6h sáng lại có mặt ở bến phà Hồng Vân (sông Hồng, Thường Tín, Hà Nội) để bí mật giám sát xem phà có chở quá tải trong giờ cao điểm như tin chuyển đến đơn vị không”, ông Minh chia sẻ.
Bí kíp thi… gan
Kể chuyện nghề, mấy anh em thanh tra bảo được việc luôn như lần này là “gặp may”, chứ chuyện phải đi lại nhiều lần mới xử lý được một trường hợp là “chuyện thường ngày” của thanh tra đường thủy. Ông Khiết kể, mấy tháng trước, Đội của ông mất hai lần đi hơn trăm cây số đường bộ đến “phục” một bến thủy không phép chuyên bốc xếp gỗ dăm nhưng đều không có kết quả. Sau đó, phải “ém quân”, khi có tàu vào nhận hàng, tức tốc đưa xuồng cao tốc và ô tô chặn cả trên bờ, dưới nước. Dưới nước, tàu công tác của thanh tra buộc neo vào tàu hàng. Lực lượng trên bờ yêu cầu làm việc với chủ bến và không cho xếp hàng xuống tàu.
“Gần hết một ngày nhưng chủ bến, chủ tàu đến lúc đó vẫn không chịu lộ diện. Những người khác thì chỉ nhận là người làm thuê. Trước tình hình đó, chúng tôi phải cử 3 cán bộ thanh tra ở lại tàu, “ăn cùng, ngủ cùng” để đợi chủ tàu. Qua một đêm, lại tiếp tục “thi gan”, đợi đến khi nào chủ tàu, chủ bến đến làm việc mới thôi. Cuối cùng, cả chủ bến, chủ tàu đành phải ra làm việc và chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính”, ông Khiết kể.
Cũng chuyện “thi gan”, Thanh tra viên Phí Văn Minh nhớ mãi lần cùng một đội phó và thanh tra viên khác mất gần nửa ngày canh tàu, rồi mời công an xã thuộc huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đến bàn giao, mới ép được một chủ tàu khai thác cát trái phép nộp phạt vi phạm hành chính. “Khổ công thế rồi vẫn hoàn thành công việc được giao. Hơn chục năm trước, tôi đi kiểm tra, xử phạt một đò ngang trên sông Cầu vì không có phao cứu sinh, đò không đăng ký, đăng kiểm. Phiếu phạt viết xong rồi, chủ đò lục tung túi vẫn thiếu một ít tiền, nên bảo về nhà… chặt buồng chuối mang ra gán. Chẳng biết nói thế nào, anh em đành bấm bụng đi về, sau bỏ tiền bù vào cho đủ theo phiếu phạt”, thanh tra đường thủy kỳ cựu Nguyễn Đức Thảo kể tình huống “dở khóc, dở cười”.
Những câu chuyện về nghề thanh tra đường thủy nêu trên không thật sự phức tạp nhưng phần nào nói lên thực tế của lĩnh vực giao thông đường thủy và sự nỗ lực, trách nhiệm của những người mang sắc phục xanh trong nhiệm vụ giữ gìn bình yên sông nước, phát huy truyền thống và thi đua lập thành tích chào mừng 60 năm thành lập ngành ĐTNĐ (11/8/1956 - 11/8/2016).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận