Hoa hậu Hòa bình Myanmar Han Lay đang phải tá túc ở Thái Lan sau bài phát biểu kêu gọi thế giới ủng hộ người dân quê mình
Đời sống văn hóa, nghệ thuật tê liệt. Bóng đen từ cuộc khủng hoảng chính trị vẫn bao trùm ở đất nước của những ngọn tháp vàng này.
Nghệ sĩ truyền thông điệp khắp mọi nơi
Myanmar vẫn chìm trong những ngày tháng bất ổn chính trị, hàng loạt lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm cả văn hóa, nghệ thuật.
Trên khắp các mặt báo, những nghệ sĩ, người nổi tiếng Myanmar không xuất hiện trong những bộ trang phục lộng lẫy, ánh đèn xa hoa hay trên những thước phim hoành tráng, những MV ca nhạc đắt đỏ… Hàng nghìn nghệ sĩ rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc phải lưu lạc ở nước ngoài. Không ít người xuống đường kêu gọi vì hòa bình.
CNN cho biết, nữ diễn viên Paing Phyo Thu, một trong những ngôi sao được trả lương cao nhất của Myanmar đã tuyên bố xuống đường phản đối chính quyền. Thậm chí, cô còn không ngại rút hầu bao hỗ trợ những người phải bỏ việc để tham gia biểu tình. Hiện, chồng của cô, đạo diễn Na Gyi cũng đang phải trốn chạy sau khi bị liệt vào danh sách truy nã.
“Chúng tôi muốn khán giả biết rằng, chúng tôi luôn ở bên họ. Biết rằng, việc nói ra như thế này là rất nguy hiểm, nhưng hiện chúng tôi đã không còn đường lui. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Cho dù lệnh đã được ban hành hay chưa, miễn là tôi còn sống, tôi sẽ phản đối chính quyền quân sự đang bắt nạt và giết hại người dân”, Paing Phyo Thu quả quyết.
Nữ diễn viên Phyoe Thu thường xuyên tham gia các cuộc tuần hành ở TP Yangon sau khi cuộc chính biến diễn ra
Hiện, rất nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng phải rời xa gia đình để tránh khỏi bị truy nã từ chính quyền như: Nam diễn viên Payeti Oo, đạo diễn Ko Pauk, diễn viên Lu Min, đạo diễn Wine, ca sĩ Anatga…
Trường hợp của Hoa hậu Hòa bình Myanmar Han Lay là một điển hình. Trên sân khấu cuộc thi cấp thế giới, Han Lay đưa ra những lời kêu gọi thiết thực mong cộng đồng quốc tế quan tâm đến vấn đề bất ổn ở quê hương mình và cùng chung tay giúp đỡ họ vượt qua giai đoạn đen tối.
Ít ngày sau, cô lập tức bị đưa vào danh sách truy nã. May mắn, 9x được Trưởng BTC cuộc thi hỗ trợ chi phí và cơ hội việc làm tại Thái Lan. Tuy vậy, Han Lay vẫn không ngừng lo lắng cho người thân ở quê nhà.
Hẩm hiu hơn, nhiều nghệ sĩ bị quân đội bắt giữ, hiện vẫn chưa rõ tung tích. Người mẫu kiêm diễn viên nổi tiếng Paing Takhon đã bị bắt giữ hôm 8/4 vì lên tiếng phản đối cuộc đảo chính. Chị gái Takhon kể với hãng tin Reuters, quân đội bắt giữ em trai cô lúc 4h30 sáng tại nhà cha mẹ của họ ở Yangon. Lực lượng an ninh điều 8 xe tải quân sự và khoảng 50 binh sĩ tới bắt Takhon, không rõ đưa nam diễn viên đi đâu. Trước đó, ngày 6/4, diễn viên hài nổi tiếng nhất nước là Zarganar cũng bị bắt.
Cảm hứng sáng tác phản đối đảo chính
Nam diễn viên Paing Takhon đã bị chính quyền bắt giữ
Trang tin Coda Story cho biết, trong khi nhiều nghệ sĩ, người dân xuống đường kêu gọi chấm dứt bạo lực, làn sóng biểu tình vẫn len lỏi trong các sản phẩm nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc.
Hàng loạt rapper ngày đêm sản xuất những ca khúc phản đối đảo chính. “Hàng chục bản nhạc của các nghệ sĩ hip-hop sống ở Myanmar và nước ngoài đã được tải lên các nền tảng truyền thông xã hội và các trang web phát trực tuyến, bao gồm Facebook, YouTube và Soundcloud. Âm nhạc đánh dấu một mặt trận mới trong cuộc chiến thông tin đang diễn ra chống lại chính quyền quân sự”, cây bút Burhan Wazir bình luận.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất là “End Game” của Nay Ye Khant, Adjustor, Yung Hugo, GRACEe, D-Vision, Young Yair và EilliE. Tác phẩm hiện có hơn 200.000 lượt xem trên YouTube. Nội dung ca khúc mô tả cuộc đàn áp độc tài hiện tại của Myanmar - giai đoạn cai trị quân sự thứ ba của đất nước kể từ khi giành được độc lập từ Anh vào năm 1948 - như một cuộc chiến cho tự do và dân chủ.
Coda Story bày tỏ sự khả quan với hình thức kêu gọi này. Bởi, trong nhiều năm qua, rap hip-hop đã đi đầu trong các cuộc biểu tình trên toàn cầu. Tại Mỹ, “Black Lives Matter” đã kêu gọi hàng chục MC, bao gồm Run The Jewels, Meek Mill và Ty Dolla Sign, phát hành các bài hát nêu bật sự tàn bạo của cảnh sát, phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng.
Trong một diễn biến khác, các rapper người Anh đã phản ứng với cuộc khủng hoảng tội phạm bằng dao tại đất nước mình. Các nghệ sĩ ở Hồng Kông đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với phong trào ủng hộ dân chủ.
Tiến sĩ Jane M. Ferguson, một giảng viên về lịch sử và nhân chủng học Đông Nam Á tại Đại học Quốc gia Australia ở Canberra tin rằng, sự lan tỏa của nhạc rap chống đảo chính đóng vai trò quan trọng trong phong trào biểu tình của Myanmar.
Cô giải thích: “Nó mang đến một gói sáng tạo và thú vị thu hút sự chú ý của người nghe, nhưng nó cũng có thể kích động sự ủng hộ qua nhiều thế hệ.
Không chỉ âm nhạc, nghệ sĩ graffiti Si Thu Aung, đến từ Mandalay, đã miệt mài vẽ các mảng tường ở khắp các thị trấn và thành phố trong 6 tuần qua. “Chúng tôi không có vũ khí, chúng tôi chỉ có nghệ thuật, vì vậy chúng tôi sẽ nổi dậy với nghệ thuật của mình, cho đến khi mọi người biết đến tiếng nói của chúng tôi trên toàn thế giới”, Si Thu Aung nói với Coda Story.
Khin Myat Myat Naing - một blogger du lịch với hơn 750.000 người theo dõi nằm trong danh sách truy nã, cho biết, nhà chức trách lo lắng về các bài đăng ủng hộ chính phủ dân sự bị lật đổ. “Tôi sẽ chạy và sẽ làm hết sức mình cho cả những người đã bị bắt”, Khin Myat Myat Naing tuyên bố trên trang cá nhân của mình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận