Văn hóa - Giải Trí

Nghệ sĩ thương tiếc tiễn biệt "ông trùm chèo" NSND Trần Bảng

20/07/2023, 09:36

Ông là người có công lớn trong việc dẫn dắt, định hướng cho cả ngành chèo, giữ gìn bảo tồn chèo.

Người thầy đức độ đã về với mây trời

Qua đời ở tuổi 97, "ông trùm chèo" NSND Trần Bảng để lại một sự nghiệp nghệ thuật đồ sộ. Với nhiều thế hệ học trò, ông là vị "thuyền trưởng" vừa tận tụy, vừa yêu thương, vừa hài hước.

img

NSND Trần Bảng (ở giữa) và các thế hệ học trò của sân khấu chèo.

Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát không giấu được nỗi buồn khi hay tin người thầy của mình đã về với mây trời.

Nữ biên kịch cho biết, khi còn làm diễn viên Nhà hát Chèo Việt Nam (năm 1965), chính NSND Trần Bảng là người phát hiện ra khả năng viết lách và khuyên bà học biên kịch.

Nghe lời thầy nói, làm diễn viên chỉ có thời thanh xuân, còn biên kịch làm cả đời nên bà quyết định nghe theo.

Trong nhiều năm gắn bó ở Nhà hát Chèo Việt Nam, được nhiều thế hệ thầy cô mẫu mực chỉ dạy, nhưng biên kịch Hồng Ngát cho rằng: "Người thầy là rường cột, là xương sống để chúng tôi bám chặt vào nhất, cho chúng tôi hiểu sâu sắc nhất về nghệ thuật chèo chính là thầy Tràn Bảng.

Ông là người vừa có lý luận lại có cả thực tiễn - ông đã và đang là đạo diễn nổi tiếng nhất sau một loạt vở phục dựng lại các vở chèo cổ "Quan Âm Thị Kính", "Suý Vân", "Lọ nước thần", "Từ Thức gặp tiên"...

Thời điểm đó, dù là Giám đốc Nhà hát bận trăm công nghìn việc, nhưng ông vẫn là thầy trực tiếp giảng dạy chúng tôi. Ông không chỉ dạy về lý luận cơ bản mà còn dạy diễn xuất, bằng cách ra bài cho chúng tôi tự làm tiểu phẩm để học diễn xuất, từ diễn xuất không lời thoại tiến tới diễn xuất có thoại…

Mỗi khi chúng tôi diễn - dù còn ngây thơ, ông vẫn xem với sự chăm chú, say mê… Vậy mới thấy ông kỳ vọng và chăm chút cho thế hệ mầm non của sân khấu chèo Việt Nam như thế nào", biên kịch Hồng Ngát tâm sự.

img

Biên kịch Hồng Ngát trong một lần đến thăm NSND Trần Bảng.

Không chỉ tận tụy, hòa nhã trong công việc, trong mắt biên kịch Hồng Ngát, NSND Trần Bảng là người sống rất lạc quan, yêu đời.

Theo lời kể của nữ biên kịch, ông vào viện thường xuyên, vào rồi lại ra, ra rồi lại vào. Sức khỏe cũng không có gì trầm trọng ngoài bệnh thường gặp ở người già, ít ăn, ít ngủ, lúc thấy đau chỗ này, lúc chỗ kia.

Lần nào vào thăm ông cũng hài hước bảo: “Ông tưởng chết, vào viện có bao nhiêu vốn liếng giao hết cho con. Giờ về, phải góp lại từ đầu”.

Vĩnh biệt một nhân cách lớn, đạo diễn hàng đầu

Theo thông tin mới nhất từ NSND Trịnh Thuý Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, gia đình sẽ phối hợp với hội, Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức tang lễ NSND Trần Bảng vào sáng 24/7.

img

NSND Trần Bảng - người được mệnh danh "ông trùm chèo" đã qua đời sáng 19/7 vì tuổi cao, bệnh trọng.

Cùng với thông báo, NSND Trịnh Thuý Mùi cũng bày tỏ niềm thương tiếc khi phải tiễn biệt một một nhân cách lớn, đạo diễn hàng đầu của nghệ thuật chèo.

"NSND Trần Bảng có công lớn trong việc dẫn dắt, định hướng cho cả ngành chèo giữ gìn bảo tồn chèo trong suốt giai đoạn đất nước và ngành đầy những khó khăn gian khổ.

Ông đã thổi hồn cho chèo phát huy được những giá trị tinh hoa riêng. Bằng tâm huyết tài năng của mình ông gây dựng Nhà hát Chèo Việt Nam thành một trong những nhát hát quốc gia mạnh trong nhiều thập niên, ông cũng đã đào tạo ra nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên.

Đặc biệt tâm huyết và trí tuệ của ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu nghệ thuật chèo có giá trị và tầm ảnh hưởng rộng lớn cho nghành. Bây giờ nhiều học trò của ông đã và đang là những nhà quản lý, là NSND, Nhà giáo Nhân dân, đạt Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Vẫn biết là quy luật không thể tránh, nhưng cả làng chèo vẫn bàng hoàng không muốn tin là ông đã rời cõi tạm, rời xa những người thân trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật và các thế hệ học trò thân yêu để bay về miền mây trắng", NSND Trịnh Thuý Mùi bày tỏ.

NSND Trần Bảng sinh năm 1926, quê ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, là con trai nhà văn Trần Tiêu, cháu ruột nhà văn Khái Hưng. Vợ ông là nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân, bà đã qua đời năm 2016.

Hai người con của ông là diễn viên, đạo diễn Trần Lực và họa sĩ, kiến trúc sư Trần Thị Mây.

Ông được mệnh danh là "trùm chèo", bởi ông thuộc thế hệ đầu tiên khôi phục nghệ thuật chèo dần mai một trước phong trào Âu hóa những năm 1950. Ông vừa là đạo diễn, nhà soạn giả, vừa là nhà nghiên cứu, lý luận chèo.

Ông đã cải biên, xây dựng lại nhiều vở chèo cổ như: "Quan Âm Thị Kính", "Súy Vân" (từ vở "Kim Nham"), "Nàng Thiệt Thê" (từ vở "Chu Mãi Thần")... Riêng với vở "Quan Âm Thị Kính" đã được ông dàn dựng lại 3 lần (1956, 1968, 1985).

Nghệ sĩ gạo cội từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hóa - Thông tin, Phó tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa 1 (1957).

Ông được nhận học hàm Giáo sư và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001 và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2007.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.