Chất lượng sống

Nghi vấn Vinaca dùng tiền mua giải thưởng

04/05/2018, 07:03

Tháng 10/2017, Công ty TNHH Vinaca được vinh danh “Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam 2017”.

12

Từ vụ Vinaca được vinh danh Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, VATAP bị tố "bán" giải thưởng cho doanh nghiệp

Đáng nói, chứng nhận này do Viện Công nghệ chống làm giả thuộc Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) trao tặng.

Trước thông tin này, không ít ý kiến bức xúc cho rằng với việc xét tặng, cấp chứng nhận thương hiệu quá dễ dãi, đơn vị thành viên của VATAP đang tiếp tay cho hàng kém chất lượng tràn ra thị trường. Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công thương nhận định: “Hiện nay có quá nhiều hiệp hội và các đơn vị thành viên được thành lập. Không ít trường hợp lợi dụng tên tuổi để quảng bá, tôn vinh các DN và thương hiệu. Đáng lên án, việc tôn vinh những sản phẩm hàng giả không trực tiếp thì cũng gián tiếp tạo điều kiện cho đối tượng lợi dụng lừa đảo người tiêu dùng. Cơ quan điều tra cần vào cuộc xác định rõ và xử lý nghiêm nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Mới đây, Báo Giao thông cũng nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Thành Tuân, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu, về hành vi thu tiền của các đơn vị trực thuộc VATAP khi tổ chức tôn vinh, cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm cho hàng trăm DN. “Hoạt động thu tiền này đều không được lập phiếu thu, trong khi đó mỗi DN được cấp giấy chứng nhận ít nhất cũng tài trợ 10 triệu đồng, có đơn vị tài trợ đến 50 triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng”, ông Tuân nói và nhận định: “Cứ có tiền là cấp. Không cần thẩm định, không cần đánh giá chất lượng sản phẩm, chỉ cần muốn tham gia và có nhu cầu, tùy thuộc mức tiền đóng vào chương trình, kể cả DN không đủ điều kiện cũng sẽ được tôn vinh và truyền thông rộng rãi”, ông Tuân viết.

Theo điều tra của PV Báo Giao thông, không ít DN đã nhận được thư ngỏ mời “hỗ trợ” cho Lễ vinh danh: “Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam” và “Gương mặt Doanh nhân tiêu biểu”. Đáng chú ý, đi kèm thư mời này , Ban tổ chức Chương trình cũng gửi kèm “bảng báo giá” mang tên “Thông tin về tài trợ, hỗ trợ truyền thông”. Theo bảng báo giá được phát đi năm 2017, tùy vào số tiền tài trợ, DN sẽ được hưởng quyền lợi ở các mức khác nhau.

Cụ thể nếu góp 300 triệu đồng, DN sẽ được hưởng quyền lợi của nhà tài trợ vàng; đồng tài trợ là 100 triệu đồng; lọt top 10 là 50 triệu đồng; lọt top 50 là 30 triệu đồng; top 100 là 20 triệu đồng; gương mặt doanh nhân tiêu biểu là 20 triệu đồng. Với mức cao nhất, nhà tài trợ vàng sẽ được hưởng hàng loạt quyền lợi như: Được trao cúp vàng và chứng nhận thương hiệu trong lễ vinh danh; Được MC giới thiệu về những hoạt động, thành tích tiêu biểu khi đại diện DN lên nhận chứng nhân; logo thương hiệu của DN được sản xuất hiện trên màn hình; được toàn quyền sử dụng dấu hiệu chương trình trong việc quảng bá, in ấn trên bao bì sản phẩm kể từ ngày được cấp; được quay clip phóng sự; đại diện DN được phát biểu trong chương trình, được sắp xếp ngồi hàng ghế VIP cùng với các vị lãnh đạo, đại biểu tham dự chương trình…

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, một chủ DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cho biết, rất nhiều lần nhận được email chào “bán” giải thưởng của các chương trình tôn vinh thương hiệu. “Không những gửi mail, họ còn gọi điện suốt ngày thúc ép khiến DN như tôi rất mệt khi nói lời từ chối”, vị chủ DN than thở và cho biết: “Cũng có lần tôi buộc phải đóng 20 triệu đồng cho xong chứ không hề đến nhận giải”.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Thiên Thanh, việc huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét vinh danh hay trao danh hiệu là một trong những hành vi bị cấm trong quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho DN. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.