Thiếu trầm trọng bãi đỗ xe
Sáng 7/12, trước khi chất vấn về nhóm vấn đề lĩnh vực giao thông đô thị trên địa bàn thành phố, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã phản ánh tình trạng giao thông đô thị trên địa bàn qua đợt giám sát tháng 11, 12.
Hà Nội là đô thị đặc biệt, đầu mối giao thông quan trọng của quốc gia nói chung và của vùng châu thổ sông Hồng nói riêng. Thời gian qua, nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung giao thông đã được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng, góp phần nâng cao năng lực giao thông Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, thời gian qua, áp lực giao thông vẫn gia tăng. Dù Hà Nội đã đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng nhiều công trình kết cấu hạ tầng khung giao thông, nhưng thực trạng hệ thống giao thông đô thị vẫn còn nhiều bất cập.
Hiện tượng ùn tắc giao thông tại các khu vực nội đô xảy ra thường xuyên trong giờ cao điểm; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ; ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế.
Giám sát của HĐND TP Hà Nội cho biết, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519, thì tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20-26%.
Nhưng thực tế hiện nay tỷ lệ này mới đạt khoảng trên 12,1%. Quy hoạch mục tiêu diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3-4%, nhưng tỷ lệ này hiện chưa đến 1%. Quy hoạch tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt từ 50-55%, hiện nay mới đạt khoảng 19%.
Loạt các điển hình được nêu rõ như: đường sắt đô thị quy hoạch 10 tuyến với 413km, hiện nay kết quả mới thực hiện được hai đoạn tuyến với 27km, đạt khoảng 6,5% quy hoạch. Hệ thống xe buýt nhanh quy hoạch 11 tuyến với 316km, hiện nay mới thực hiện được một tuyến Cát Linh - Yên Nghĩa với 14km, đạt 4,4% quy hoạch.
Nhiều dự án giao thông, tuyến vành đai, đường xuyên tâm trên địa bàn thành phố chậm triển khai theo quy hoạch; Dự án cải tạo quốc lộ 1A thời gian qua triển khai rất khó khăn, nhiều thời điểm buộc phải tạm ngừng và đầu tư thiếu đồng bộ.
Dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm có chiều dài 3,7km do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố làm chủ đầu tư, nguồn vốn 815 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần bốn năm triển khai, dự án vẫn ngổn ngang, hiện đã chậm tiến độ hai năm so với dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Giao thông qua khu vực này thường xuyên ùn tắc. Các hộ dân xung quanh sống trong cảnh bụi bẩn, ô nhiễm tiếng ồn.
Ngoài ra, có một nghịch lý là thiếu bãi đỗ xe theo quy hoạch nhưng lại tràn lan bãi đỗ xe tự phát, không chính thức. Điều này không chỉ làm mất trật tự, mỹ quan đô thị mà còn làm nảy sinh nhiều tiêu cực khác.
Tại khu vực Bệnh viện Việt Đức, một bệnh viện lớn nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, phía mặt phố Phủ Doãn, hầu hết diện tích vỉa hè đều được sử dụng cho việc trông giữ xe. Dù nhiều điểm trông giữ xe ngoài cổng bệnh viện này đã được cấp phép, lực lượng chức năng thường xuyên đi kiểm tra nhưng giá gửi xe rất khó kiểm soát.
Tại nhiều khu đô thị trên địa bàn thành phố, thiếu bãi đỗ xe là vấn đề đã được nói nhiều, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Khu đô thị Thành phố Giao lưu (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm), toàn bộ vỉa hè đều được chiếm dụng để đỗ xe và kinh doanh hàng quán. Không những thế, 1/3 lòng đường cũng được kẻ ô, chia vạch rõ ràng để cho thuê đỗ xe.
Ô đất được quy hoạch với chức năng là bãi đỗ xe tĩnh trên địa bàn phường Gia Thụy, quận Long Biên có quy mô hơn 11.000m2, tổng mức đầu tư hơn 28 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Tuy nhiên, sau 12 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đến nay, dự án vẫn nằm trên giấy.
Phân cấp quản lý lòng đường vỉa hè còn bất cập
Theo HĐND thành phố, việc phân làn, phân luồng, phân tuyến và quy định thời gian đi lại cho người và phương tiện tham giao thông ở Hà Nội cũng còn nhiều bất cập. Đường Nguyễn Trãi (đoạn từ hầm chui Thanh Xuân tới cầu vượt Ngã Tư Sở) được Sở GTVT Hà Nội thí điểm phân làn xe máy và ô tô bằng dải phân cách cứng.
Tuy nhiên, do việc phân làn không hợp lý, dẫn tới người tham gia giao thông khó tiếp cận lề đường, việc có nhiều đường ngang ngõ tắt dẫn tới việc nhập làn khó khăn, đi lại lộn xộn, không tuân thủ theo biển báo, hướng dẫn.
Việc phân cấp quản lý lòng đường vỉa hè thời gian qua cũng có nhiều bất cập. Theo mặt cắt đường và tuyến phố có tên thì do thành phố quản lý đầu tư, quận huyện thì quản lý vỉa hè, đang tạo sự không đồng bộ trong việc quản lý, chỉnh trang đô thị.
Đơn cử xung quanh khu vực hồ Tây, quận Tây Hồ, có 11 tuyến đường có tên, theo phân cấp đều do Sở GTVT quản lý, trong khi đó hồ và vỉa hè quanh hồ do quận quản lý, vì vậy việc quản lý hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ.
Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng đã ra quân tuyên truyền với rất nhiều hình thức, vận động hướng dẫn cùng với xử phạt răn đe, nhưng cứ hết chiến dịch, không kiên quyết kiểm tra xử lý, là đâu lại vào đó.
Một bộ phận không nhỏ người dân ý thức kém, chưa tuân thủ luật giao thông đường bộ, chưa hình thành văn hóa giao thông.
Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã xác định: xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
"Vì vậy, Thủ đô rất cần một tầm nhìn dài hạn với những giải pháp căn cơ hơn, chính sách sát thực tế hơn, để từng bước hiện thực hóa quan điểm, mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị", giám sát của HĐND thành phố nêu rõ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận