Kinh tế

Nghịch lý xin trả lại vốn đầu tư công

27/07/2020, 10:00

Lý do gì mà một số bộ, ngành, đơn vị xin trả lại vốn đầu tư công? Câu chuyện này sẽ ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch giải ngân?

img
Ngày 21/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Đồng Nai, yêu cầu tỉnh bàn giao 1.800ha mặt bằng cho giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành vào tháng 10/2020 và giải ngân vốn đầu tư công đối với 266 dự án của tỉnh đạt trên 95% (Trong ảnh: Thủ tướng kiểm tra thực địa dự án sân bay Long Thành)

Thông tin một số bộ, ngành, đơn vị xin trả lại vốn đầu tư công khiến dư luận không khỏi bất ngờ, bởi công tác lập kế hoạch vốn được yêu cầu tính toán kỹ theo trình tự “dưới trình lên, trên bổ xuống”.

Lý do gì khiến cho việc có tiền không tiêu được, không muốn tiêu và câu chuyện này sẽ ảnh hưởng thế nào đến kế hoạch giải ngân 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm nay?

Trả lại vốn, không ai “dám” nhận?

Trước thông tin Bộ NN&PTNT “không tiêu hết”, phải trả lại hơn 1.800 tỷ đồng vốn ODA dành cho đầu tư công, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho hay, không phải tới thời điểm giữa năm Bộ mới có quyết định trên.

“Năm 2020, Bộ NN&PTNT được giao hơn 3.638 tỷ đồng, nguồn vốn này chỉ được sử dụng cho các dự án ODA. Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm, sau khi rà soát tiến độ cụ thể của từng dự án và kế hoạch triển khai thực hiện của các chủ đầu tư để phân bổ vốn, cho thấy nhu cầu thực hiện chỉ là 1.830 tỷ đồng, các dự án kết thúc năm 2020 đều đã được bố trí đủ vốn để thực hiện.

Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã chủ động báo cáo Bộ KH&ĐT về việc không có nhu cầu sử dụng 1.808 tỷ đồng vốn ODA còn lại. Tới nay, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ KH&ĐT tổng hợp, rà soát để báo cáo Chính phủ điều chuyển kế hoạch vốn ODA năm 2020 giữa các Bộ, ngành, địa phương”, ông Việt lý giải.

Mặt khác, ông Việt cũng khẳng định, việc trả lại 1.808 tỷ đồng vốn ODA thuộc kế hoạch năm 2020 của Bộ NN&PTNT không ảnh hưởng đến kế hoạch các năm sau đối với các dự án ODA, vì các dự án còn lại đều chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 và vẫn còn đủ thời gian thực hiện, giải ngân theo hiệp định đã ký.

“Bộ NN&PTNT luôn xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm trong năm 2020. Bộ đã và đang chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp của Thủ tướng Chính phủ trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; Đồng thời, thường xuyên đôn đốc kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan trong việc giải ngân vốn đầu tư công nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đối với từng dự án cụ thể”, ông Việt nói.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, nguồn vốn mà Bộ NN&PTNT xin trả lại từ đầu năm tới nay vẫn chưa có đơn vị bộ ngành, địa phương nào đứng ra nhận về.

Cũng trong thời gian qua, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT đề nghị hoàn trả ngân sách Nhà nước 1,6 tỷ đồng vốn kế hoạch được giao, do không có nhu cầu.

Không loại trừ trường hợp sợ trách nhiệm!

Chia sẻ về câu chuyện trả lại vốn ODA, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng: “Cực chẳng đã bộ, ngành mới phải xin trả lại. Bởi lẽ, nếu nhìn vào số liệu giải ngân trong nhiều năm qua, tỷ lệ giải ngân ODA đều nằm trong nhóm thấp, dưới 50%. Có lẽ năm nay Chính phủ làm quyết liệt, quy trách nhiệm cho người đứng đầu nên mới có chuyện như vậy”.

Trong văn bản vừa báo cáo Thủ tướng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã nêu rõ ước tính đến hết tháng 6, có tới 34 bộ, ngành và 7 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công quá thấp.

Trong danh sách các bộ, ngành có tỉ lệ giải ngân dưới 15% có Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước... Một trong số nguyên nhân theo Bộ Tài chính là do phân bổ vốn chậm. Điển hình, đến nay dù đã hết 6 tháng nhưng có đơn vị chưa phân bổ vốn kế hoạch năm 2020.

Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT có văn bản đề nghị Thủ tướng điều chuyển số vốn hơn 1.800 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài đã giao cho Bộ sang các bộ, ngành và địa phương khác có khối lượng thực hiện và đảm bảo đủ điều kiện giải ngân.


Theo ông Hưng, không thể khẳng định, việc trả lại vốn ODA nằm trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 không ảnh hưởng tới giai đoạn tiếp theo.

“Vốn ODA phụ thuộc cam kết của nhà tài trợ, có thể năm nay họ thu xếp được nhưng sang năm có hay không thì lại là câu chuyện khác. Đáng nói, vốn ODA chỉ dành cho những nước có thu nhập thấp.

Kể từ năm 2021, khi Việt Nam bước vào nhóm thành nước có thu nhập trung bình cũng có nghĩa là “tốt nghiệp lớp ODA”, nguồn vốn này sẽ không còn nữa.

Do đó, việc không triển khai vốn đã phân bổ không chỉ gây lãng phí về thời gian mà còn cả nguồn lực do mình không tận dụng được hết cơ hội cuối cùng sử dụng vốn ODA.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác ODA cũng là vốn vay, nếu vay về mà làm không hiệu quả thì còn tệ hơn là trả lại”, ông Hưng phân tích.

Nói về trách nhiệm liên quan, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính đặt vấn đề: Số vốn của Bộ NN&PTNT trả lại khá lớn chứ không phải nhỏ.

Do đó, cần kiểm tra lại thông tin cụ thể. Trong trường hợp không giải trình được nguyên nhân xác đáng, chứng tỏ công tác xây dựng kế hoạch vốn 2020 và năng lực thực hiện có vấn đề.

Tại sao giao vốn dự án rồi mà lại không tiêu được? Khi đó, trách nhiệm thuộc về cả đơn vị đề xuất lẫn cơ quan thẩm tra phê duyệt phương án.

“Nhiều trường hợp xây dựng kế hoạch vốn khi còn đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ thủ tục dự án. Tuy nhiên, không ngờ lại vướng mắc thủ tục, tới khi quay lại thì kế hoạch vốn lại được giao rồi, nên không thực hiện được là chuyện đương nhiên.

Đặc biệt các dự án ODA không chỉ phải tuân thủ thủ tục trong nước mà còn thủ tục nước ngoài. Mỗi nhà tài trợ lại có quy định riêng, nếu xảy ra vấn đề xung đột với pháp luật trong nước thì lại phải tốn công sức, thời gian để xử lý”, vị này nói và phân tích: “Trường hợp người đứng đầu nghiêm túc đánh giá thực tiễn không thể làm được, cần trả lại vốn sớm để điều chuyển sang những nơi cần, đó là biểu hiện tích cực. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp sợ trách nhiệm, không quyết liệt làm để cho an toàn”.

Cần phải điều chỉnh công tác phân tích, dự báo

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định: “Giữa công tác lập kế hoạch vốn và thực tế triển khai thực hiện luôn có độ vênh nhất định, phụ thuộc vào năng lực và mức độ chính xác của công tác dự báo tiến độ, ước lượng thời gian hoàn thiện các thủ tục, khối lượng thực hiện khả thi trong kỳ kế hoạch...

Làm sao để độ vênh này ở mức nhỏ nhất cũng là điều khó nhất của người làm kế hoạch. Trong một số trường hợp, người làm kế hoạch tốt cũng khó lường trước được những yếu tố bất ngờ, khách quan có thể xảy ra trong quá trình thực hiện như: Thiên tai, dịch bệnh, biến động kinh tế...”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phương cũng thừa nhận việc trả lại số vốn lớn lên tới cả nghìn tỷ đồng, là hệ quả của việc không lường hết khó khăn trong thực tiễn khi xây dựng kế hoạch vốn.

“Theo quy định, việc lập kế hoạch vốn cho năm sau được triển khai trong tháng 8 của năm trước năm kế hoạch. Trong khi đó, tới lúc triển khai lại vướng nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt các dự án ODA, như giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, đấu thầu, xây dựng, đất đai, các điều kiện ràng buộc từ đối tác cho vay...

Do đó, trong quá trình triển khai kế hoạch vốn đầu tư công, việc điều chỉnh kịp thời, linh hoạt nhưng không phá vỡ cân đối tổng thể chung để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn là rất cần thiết”.

Trước câu hỏi liệu có hay không tình trạng phía dưới “mạnh mồm xin dự án” không tính kỹ khả năng thực hiện, vị Thứ trưởng thừa nhận: “Khi lập kế hoạch ở dưới gửi lên thì dự án nào cũng nói cấp thiết, mà không mấy khi nhắc tới khó khăn.

Qua đây cho thấy cần phải điều chỉnh công tác phân tích, dự báo để làm chính xác hơn trong kế hoạch phân bổ vốn trung hạn tiếp theo.

Đồng thời, theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, các cơ quan, đơn vị, địa phương mặc dù có rất nhiều nhu cầu đầu tư nhưng điều đầu tiên phải làm là xem xét khả năng cân đối vốn của mình có được bao nhiêu, tiêu trong thời gian nào... trước khi lựa chọn dự án để quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án”.

Đối với những đơn vị không hoàn thành kế hoạch giải ngân, phải trả lại vốn, ông Phương cho biết: trước đây, kế hoạch vốn đầu tư công được thực hiện và giải ngân trong 2 năm, nên các đơn vị thường không trả lại kế hoạch vốn mà sẽ tiếp tục thực hiện trong năm tiếp theo, tùy từng trường hợp đặc biệt, có thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện trong phạm vi thời hạn của Kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành.

Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Đầu tư công năm 2019, thời hạn thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm chỉ đến hết ngày 31/1 (tức là 1 năm theo niên độ ngân sách), số vốn không thực hiện hết sau khi đã làm tất cả các hoạt động điều chuyển nội bộ, điều chuyển giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương thì sẽ bị hủy dự toán và bị khấu trừ vào kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành. Nói theo cách đơn giản là nếu đơn vị nào không giải ngân hết kế hoạch vốn sẽ bị mất vốn.

“Nếu như trước đây các cơ quan, đơn vị, địa phương thường có tâm lý xin được càng nhiều vốn càng tốt, không dùng hết thì giữ lại, xin gia hạn thì nay quy định gia hạn là rất chặt chẽ, chỉ có những trường hợp bất khả kháng, nghĩa là lý do phải thật khách quan và thuyết phục.

Đây được coi là một quy định mang tính tăng cường kỷ luật tài chính, kỷ luật đầu tư công và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập kế hoạch đầu tư công chính xác, sát với thực tế hơn”, ông Phương nhấn mạnh.

ĐB Đỗ Văn Sinh (Thường trực ủy ban Kinh tế):
Phải có người chịu trách nhiệm cụ thể

img

Với việc giải ngân 6 tháng đầu năm là gần 160.00 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch, thì việc giải ngân hết kế hoạch 700.000 tỷ đồng trong năm nay là một thách thức.

Tuy nhiên, với việc Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2020 và Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật vào ngày 6/4/2020, công tác giải ngân có thể phần nào được đẩy nhanh hơn.

Bên cạnh đó, có thể hy vọng đây là năm cuối, các công trình đều đã sẵn sàng về thủ tục, hoàn thành các yêu cầu, chỉ còn chờ tiến hành triển khai hoặc hoàn thành nốt phần dở dang.

Điều quan trọng là phải làm rõ từng khâu, từng công việc phải hoàn thành với thời gian cụ thể, với người chịu trách nhiệm cụ thể. Tôi cho rằng với một số việc thuộc thẩm quyền Quốc hội liên quan đến đầu tư công có thể giao lại cho Chính phủ chủ động điều hành.

Chẳng hạn như việc điều chuyển nguồn vốn giữa bộ, ngành này, địa phương này sang bộ, ngành khác, địa phương khác nên giao cho lại cho Chính phủ, tạo điều kiện hết mức để Chính phủ điều hành linh hoạt, để tăng tốc độ giải ngân trong thời gian này.

ĐB Lê Thanh Vân (Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách:
Còn hiện tượng đùn đẩy, đổ lỗi cho cơ chế

img

Chậm giải ngân đầu tư công, trong đó dẫn đến thực trạng có đơn vị, bộ ngành xin trả lại vốn đầu tư công có nhiều lý do. Đó là, thủ tục giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều khâu chưa thực sự thuận lợi cho các tổ chức, cơ quan.

Năng lực bộ máy ở không ít nơi còn chưa đáp ứng yêu cầu, còn hiện tượng chây ì, đùn đẩy, né tránh và đổ lỗi cho cơ chế. Hoặc cũng có thể do những người đứng đầu không đốc thúc được vì họ không biết cách, không có giải pháp, hoàn toàn phó thác cho cấp dưới, trong khi có thể cấp dưới lại trì trệ.

Chỉ đạo quyết liệt vừa qua của Thủ tướng chắc chắn sẽ tạo ra sự chuyển động, thúc đẩy trách nhiệm người đứng đầu.

ĐB Trần Hoàng Ngân:
Tập trung vốn cho các dự án trọng điểm

img

Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, theo tôi, Chính phủ nên có một cơ chế linh hoạt, chẳng hạn nguồn vốn từ khu vực này nếu gặp khó khăn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thì chuyển hướng sang khu vực khác.

Cần tập trung vào những dự án lớn, trọng điểm như các dự án đầu tư công liên quan đến các hạ tầng trọng yếu như sân bay, đường cao tốc. Với các dự án này, có thể đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, rút ngắn quy trình để đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Phùng Đô (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.