Trịnh Thu Trang - nhà sáng lập dự án với khát khao lưu giữ, truyền bá họa tiết tinh tế của tranh Hàng Trống vào các sản phẩm thương mại thông dụng…
Phong thái điềm đạm, chất giọng Hà Nội nhẹ, Trịnh Thu Trang, sinh năm 1984, hiện là giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội cho hay, chính cuộc gặp tình cờ với nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Đông Hồ Lê Đình Nghiên là bước ngoặt của cuộc đời cô: Thành lập Công ty S-River, chuyên làm sản phẩm thương mại ứng dụng các họa tiết của tranh dân gian.
Sau gần một năm thành lập, các bạn đã có nhiều đối tác chưa?
Đến nay, S-River đã có nhiều khách hàng lớn nhỏ như Công ty Lụa Nha Xá (ứng dụng họa tiết trên khăn lụa), Công ty Monosketch (in lên bìa sổ khâu tay, túi tote phụ nữ), mỹ phẩm thiên nhiên Cỏ Mềm (in trên vỏ hộp mỹ phẩm tinh dầu thơm, xà phòng tắm, dầu gội đầu, kem dưỡng da…), vỏ bao đựng chè Từ Vân, túi quà Tết The Bloom, The Pizza Company... Ngoài ra, S-River cũng có khách hàng thuê thiết kế mẫu mã thông thường như một số công ty dược...
The Pizza Company là đơn vị làm bánh pizza đậm bản sắc và văn hóa phương Tây, có gì mâu thuẫn khi kết hợp với họa tiết văn hóa truyền thống Việt Nam không?
Với The Pizza, mình rất bất ngờ vì nó là thương hiệu và sản phẩm hoàn toàn ngoại quốc, không liên quan tới yếu tố truyền thống. Nhưng đây lại là một dự án rất thú vị. Họ xem trên TV rồi chủ động tìm tới bọn mình. Họ chia sẻ muốn làm một loại bánh pizza cho người Việt theo hình dáng đồng tiền xu trước kia với nguyên liệu được biến tấu để phù hợp với khẩu vị người Việt như dùng gạo tẻ làm bột rắc bánh... Để Việt hóa chiếc pizza họ muốn sử dụng những họa tiết cổ trên tranh dân gian Việt Nam để trang trí lên bao bì và bánh. Điều này có rất ít người nghĩ đến và cũng là điều thú vị và rất ý nghĩa trong dịp Tết Kỷ Hợi năm nay.
Dự án này cũng cho thấy một điều là không phải cứ truyền thống mới đưa những yếu tố truyền thống vào được mà còn có thể kết hợp những sự đối lập hay những yếu tố hiện đại kết hợp với truyền thống.
Nghe nói Tết Kỷ Hợi vừa rồi, các bạn cũng có một dự án rất thú vị mang đậm chất tuổi thơ?
(Cười) Đúng như vậy! Đó là dự án với The Bloom. Họ làm mứt Tết từ bỏng gạo hay mứt chuối, mứt dứa, mứt xoài... là thứ quà quê bình thường, rẻ tiền nhưng rất tinh tế. Chính vì thế, bọn mình cũng rất công phu, từ cách chọn bao bì tới họa tiết nói về hoạt động làm nông trong bức tranh cổ “canh nông vi bản”. Đây là một sản phẩm thương mại tiêu biểu chứa đựng “câu chuyện” về giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam - tiêu chí quan trọng mà S-River luôn hướng tới khi sáng tạo sản phẩm đồ họa lấy cảm hứng từ họa tiết và bảng màu của tranh Hàng Trống…
Làm thế nào các bạn có những ý tưởng thiết kế độc đáo như vậy. Thường mất bao lâu để hoàn thành một dự án?
Mình là người trong ngành thiết kế lâu năm nhưng không phải ý tưởng bật ngay ra được. Ví dụ như với dự án trà Từ Vân. Nhóm phải lên thăm đồi chè trên Thái Nguyên. Tìm hiểu cách trồng chè, nghe các cô bác chia sẻ nhiều về cách sản xuất, sản phẩm. Phải nắm được giá trị của sản phẩm từ đó mới nghĩ cách chuyển tải nó tới người tiêu dùng. Bọn mình giống như những người thay doanh nghiệp kể câu chuyện của họ theo nét riêng.
Dự án này nhóm làm việc liên tục khoảng 3 tuần, gấp rưỡi các dự án khác bởi thời gian chủ yếu là tìm hiểu thông tin, cách thức sản xuất và mong muốn của doanh nghiệp. Ví dụ với trà Từ Vân, doanh nghiệp muốn toát lên cảm giác gần gũi nên phải lên phương án thân thiện, thân quen.
Mỗi dự án, doanh thu có đủ trang trải chi phí và có mang lại lợi nhuận không?
Hiện tại, công ty vừa bán sách vừa làm các dự án thiết kế. Sách thì chi phí đầu vào rất cao. 6 năm vừa rồi dù được hỗ trợ nhiều nhưng vẫn lỗ. Mảng thiết kế thì với mỗi sản phẩm nhóm đều đầu tư rất nhiều so với làm các sản phẩm có tính công nghiệp khác. Cho nên tới hiện tại, sách cũng lỗ, dự án thiết kế cũng lỗ. Hai đồng sáng lập vẫn đang cùng nhau chịu lỗ. Cho tới thời điểm này cả hai đều hai năm không lương mà trước kia lương và thu nhập đều rất tốt, toàn bộ các khoản dành dụm trước đó tính tới thời điểm này đã hết. Nhưng chính vì thế mà phải tính toán phát triển làm sao để có lợi nhuận nuôi tiếp, và ai cũng có con nhỏ, bố mẹ già.
Hiện nay, S-river có 4 thành viên. Ngoài hai đồng sáng lập còn có một nhân viên gia nhập từ sau Tết Nguyên đán sau khi bỏ vị trí trưởng phòng thiết kế của một ngân hàng thương mại cổ phần và 1 nhân viên thiết kế trẻ vừa tốt nghiệp thủ khoa Đại học Kiến trúc Hà Nội 2018. Ngoài ra, nhóm còn có 1 cộng tác viên học 3 năm chuyên ngành thời trang tại Anh với chuyên môn giỏi, tố chất thông minh và cá tính…
Đều là những người có bằng cấp, có năng lực và đã từng làm tại các doanh nghiệp lớn, bạn trả lương cho nhân viên ra sao?
(Cười) Nói về lương thì rất thấp so với mặt bằng chung của thị trường. Mọi người về làm cùng vì chung đam mê nhưng tình trạng này chỉ được phép duy trì trong năm đầu thôi. Còn năm thứ hai phải khác, không thể để mọi người thu nhập thấp như thế.
Trước kia, khi bắt tay vào kinh doanh, bạn có hình dung ra những khó khăn hiện nay không?
Có người kinh doanh vì họ có nguồn lực và quá dũng cảm nhưng trường hợp của mình nghĩ lại thì thấy chủ yếu là liều.
Trước đây mình và người đồng sáng lập S-River ổn định với nghề giảng viên và thiết kế tự do, tài chính rất vững, sống rất tốt không phải nghĩ nhiều. Trong thâm tâm không muốn thành lập doanh nghiệp nhưng nếu chỉ là nhóm tự phát thì rồi sẽ tự vỡ. Trong khi có nhiều thứ phải làm nên nếu không thành lập doanh nghiệp thì không bài bản, không chính danh, khách hàng không yên tâm.
Kinh nghiệm về thiết kế, quản lý hệ thống thì không lo nhưng riêng mảng kế toán rất khó khăn. Năm nay, chúng tôi phải tính toán lại, xây dựng ổn định. Sang tháng sẽ có thêm một người về lo mảng này. Người này hiện cũng đang làm cho một tập đoàn lớn nhưng chấp nhận về đây với mức lương chỉ bằng 1/3 vì có niềm tin vào sự phát triển của S-River. Tăng thu nhập cho nhân viên là mục tiêu hàng đầu trong năm 2019.
Trong chuyến đi làng Vác (Thanh Oai, Hà Nội) mình tìm hiểu về châm quạt thì biết nghệ nhân cuối cùng vừa mất nên nghề coi như thất truyền rồi. Mất mà không ai biết. Như tranh Hàng Trống, nếu một ngày bác Nghiên không còn thì cũng rơi vào tình trạng ấy. Nên mình phải làm, làm được gì thì phải làm ngay.
Trịnh Thu Trang
Vậy, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là gì?
Là tài chính! Chúng tôi đã định hướng hình thành và phát triển một hệ sinh thái gồm mảng sách về tranh Hàng Trống, Đông Hồ, về các làng nghề, các nghệ nhân... thành lập Viện phát triển văn hóa dân gian truyền thống vừa là nơi trưng bày, giao lưu, tìm hiểu, học tập về tranh Hàng Trống, Đông Hồ... là nơi tổ chức các hội thảo, thuyết trình về văn hóa dân gian. Dự tính, chi phí để thực hiện ít nhất là 1 tỷ đồng, chưa kể lương của nhân viên.
Công ty đã tiếp cận quỹ hay nguồn tài chính nào chưa?
Ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia phát triển, Chính phủ hỗ trợ rất tốt cho các dự án bảo tồn văn hóa, họ thẩm định và mua lại các dự án để cho người dân khai thác miễn phí. Tuy nhiên ở Việt Nam, chúng tôi không biết gõ cửa cơ quan, bộ ngành nào. Rất mong những người có trách nhiệm về văn hóa dân gian quan tâm, thẩm định nếu được có thể hỗ trợ dự án về định hướng và tài chính.
Khởi nghiệp rất khó khăn, vận hành một doanh nghiệp càng không dễ, tỷ lệ thành công của các dự án khởi nghiệp chưa tới 10%, bạn có sợ thất bại?
(Cười) Tự tin thì có! Mình có giá trị cốt lõi và định hướng. Mình tự tin có sản phẩm có chất lượng, ý tưởng mới, sản phẩm tốt mang lại giá trị cho đối tác và sẵn sàng chịu thiệt để mang lại giá trị cho sản phẩm của đối tác.
Còn khó khăn, lo lắng thì rất nhiều, quan trọng người đứng đầu cần có đầu óc kinh doanh tốt để cân bằng. Chúng tôi sẽ cố gắng hơn vì hiện tại sản phẩm, chất lượng đang làm rất tốt. Đó là viên gạch quan trọng cho sự tồn tại của doanh nghiệp. Cái quan trọng mình nghĩ ở doanh nghiệp là con người. Từng người giỏi, làm việc tốt và có trách nhiệm thì cả doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt. Con người tốt, sản phẩm tốt thì không có lý gì sẽ khó khăn mãi.
Cảm ơn những chia sẻ của Trang!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận