Khi đi hết vùng sa mạc ở phía bắc nước Úc, du khách sẽ được đặt chân tới Uluru, vùng đất được ví như là nơi linh thiêng bậc nhất đối với người bản địa. Di sản thế giới đặc biệt này có những sự thật rất bất ngờ mà nhiều người chưa được biết đến.
Uluru được đưa vào danh sách những di sản thế giới độc đáo nhất được UNESCO công nhận. Nhìn từ xa, núi đá Uluru này trông có vẻ trơn tru nhưng khi nhìn kỹ hơn, chúng trông rất ghồ ghề với những sườn dốc, rãnh, hẻm, hang động trải dài khắp bề mặt. Những người thổ dân ở đây tin rằng chính sự không hoàn hảo trong kết cấu bề mặt đã biểu hiện hành trình sinh sống của tổ tiên họ trước đây.
Uluru cao 349 mét nhưng trong các bức ảnh và bưu thiếp, nó dường như lúc nào cũng bị cô lập trong môi trường xung quanh. Thế nhưng, trên thực tế, có một khối đá nguyên khối tên là Kata Tjuta cũng được đặt gần đó.
Mặc dù trong mắt nhiều người Uluru là một khối đá to lớn màu đỏ rực, nhưng thực tế nó có màu xám. Màu xám này được cấu thành từ đá sa thạch Arkose, khác xa với màu cam cháy liên quan tới sự hình thành trên bề mặt qua nhiều năm. Màu sắc đặc biệt của Uluru là do bị oxy hóa trên bề mặt khối đá. Được biết, tùy vào từng thời điểm trong ngày mà khối đá này biến chuyển từ đỏ cá hồi sang màu rỉ sét.
Giống như một tảng băng trôi, phần lớn của Uluru nằm bên dưới bề mặt đất, sau hàng triệu năm bị xói mòn thì nó chỉ nổi lên 1 phần cao 349 mét. Sự thật là Uluru kéo dài thêm 2.5km dưới lòng đất và các chuyên gia ước tính nó có thể kéo dài lên tới 6km.
Người ta tin rằng Uluru là nơi hình thành sa thạch lớn nhất ở Úc. Tuy nhiên, danh hiệu này đã thuộc về núi Augustus ở Tây Úc.
Khi nghiên cứu kỹ hơn về Uluru, người ta phát hiện có rất nhiều địa điểm nghệ thuật nằm rải rác trên bề mặt, nó giống như là một câu chuyện cổ xưa được khắc lại trên bề mặt đá. Các biểu tượng này ước tính có niên đại lên tới 5.000 năm, bao gồm các vòng tròn đồng tâm và dấu vết động vật.
Mặc dù là một địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng Uluru có những hạn chế trong việc chụp ảnh do liên quan tới tín ngưỡng Tjukurpa truyền thống. Người Anangu yêu cầu du khách không được chụp ảnh một số khu vực nhất định, có liên quan tới giới tính và những người không phải là dân Anangu. Nhiếp ảnh gia thương mại cũng được kiểm soát cao và cần phải mua giấy phép.
Tuy nhiên, vào tháng 10 năm 2019 này, Ủy ban quản lý công viên quốc gia Uluru Kada sẽ đóng cửa hoàn toàn những con đường leo núi và cấm du khách leo vào bên trong. Nguyên nhân được cho là muốn trả lại vẻ đẹp và sự linh thiêng của khối đá Uluru cổ xưa, giúp nơi này phần nào trở về sự yên tĩnh thanh bình vốn có.
Việc leo núi Ulura rất nguy hiểm, kể từ khi khởi động du lịch tại đây vào năm 1940 đã có hơn 35 người chết, việc giải cứu cũng rất rủi ro và tốn nhiều chi phí. Năm ngoái, 3 du khách Úc đã bị ngã vào một khe hở trong núi và việc giải cứu rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều du khách không ý thức đã vứt chai nhựa vào các kẽ hở hay hàng loạt đế giày leo núi vứt tứ tung trên đường đi, điều này ảnh hưởng rất lớn tới cảnh quan và môi trường của Uluru.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận