Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc dắt tôi đi ngược về không gian Huế xưa bằng bộ sưu tập ảnh của anh. Mỗi tấm ảnh gợi lên niềm xúc động, và nhắc nhở ai đó phải dừng lại, tĩnh tâm để suy tư về phận người.
Đi lạc vào lịch sử
Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thống Nhất (Đồng Nai) có đam mê sưu tập ảnh. Anh tự bạch rằng mình người Huế, từ nhỏ thường đi thăm các lăng vua, thành nội, nên được gợi mở những suy tư về lịch sử, về quá khứ, về những điều đã mất mát qua thời gian.
Cán bộ hôm nay phải tìm hiểu lịch sử thật kỹ lưỡng, không đơn giản chỉ để hiểu biết, mà để sống, làm việc có trách nhiệm với dân, với nước. Bởi vì lịch sử lạnh lùng ghi lại tất cả.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc
Nguồn ảnh từ Thư viện Pháp, Bảo tàng Pháp, Bộ Văn hóa Pháp, Kho lưu trữ hình ảnh ngoài quốc gia Pháp, rồi bưu thiếp, tem và hình ảnh của các nhiếp ảnh gia Việt Nam hơn 100 năm về trước. Chỉ riêng tên tác giả của kho ảnh đó cũng khiến cho người xem phải kính nể. Qua đó, tôi hiểu thêm rằng, nhờ có những người lao động nghệ thuật dày công và tài năng năm xưa, hôm nay chúng ta mới có thể mở cánh cửa để đi ngược về quá khứ.
Xem kho tư liệu ảnh của Nguyễn Văn Phúc, tôi hiểu được vì sao anh có thể tổ chức được nhiều cuộc triển lãm ảnh và sách ảnh về các địa phương như: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Gia Định. Cuốn sách đầu tiên ra mắt vào năm 2014, với tựa đề Địa chí tỉnh Biên Hòa của M. Robert, tiếp theo là Địa chí tỉnh Thủ Dầu Một và tỉnh Bà Rịa của Hội Nghiên cứu Đông Dương và Lê Thanh Tường ra mắt năm 2015, Địa chí tỉnh Gia Định của Hội Nghiên cứu Đông Dương ra mắt năm 2017. Hiện, Nguyễn Văn Phúc đang hoàn thiện bản thảo cuốn Hình ảnh tỉnh Biên Hòa xưa trong dịp kỷ niệm sự kiện 320 năm thành lập vùng đất tỉnh Đồng Nai với nhiều tác giả khác ở Biên Hòa cùng tham gia.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc chia sẻ rằng, anh thích lịch sử nên mới sưu tập hình ảnh lịch sử, nhưng chính quá trình sưu tập này, anh được học hỏi nhiều hơn, có điều kiện đào sâu thêm lịch sử của đất nước. Đã ở cái tuổi 53, dùng 8 năm ăn ở với kho ảnh, Nguyễn Văn Phúc chưa chán và coi sưu tập ảnh lịch sử là “nỗi đam mê kiếp người”. Anh tìm hiểu chi li từng nội dung ảnh, trả lời các câu hỏi: Ai, cái gì, ở đâu, khi nào, vì sao... cho từng bức ảnh. Anh cam đoan, chỉ cần nhìn ảnh là anh có thể biết tác giả, nói ngay nội dung của nó. Nếu như chỉ vài chục tấm ảnh thì chuyện đó là bình thường, nhưng 5 - 7 nghìn tấm lại là chuyện rất không bình thường.
Đi về phía Huế xưa
Qua hình ảnh, bác sĩ Nguyễn Văn Phúc dẫn tôi đi thăm nhiều miền đất nước của hai thế kỷ trước và giữ chân tôi ở Huế. Anh cho tôi xem kho ảnh tư liệu về Huế, nếu chỉ nói đẹp thôi chưa đủ mà quá xúc động. Vì cũng cây cầu đó, con sông đó, bến nước đó, nhưng của hai thế kỷ trước, đến nay biết bao đổi thay, trong đó có những mất mát, những xót xa, những nỗi buồn về thân phận con người, những hồi ức đớn đau của chiến tranh. Đời sống, sinh hoạt, văn hóa Huế và cả tâm hồn người Huế được cất giấu trong những tấm ảnh đen trắng. Xem ảnh như đọc sách, nhưng thông tin từ ảnh luôn sống động hơn những con chữ. Tất cả là nguồn tư liệu để bác sĩ Nguyễn Văn Phúc chuẩn bị cuốn sách Địa chí hình ảnh về Huế xưa gồm 6 chương: 1/ Kinh thành Huế. 2/ 8 lăng vua Huế. 3/ Sông Hương núi Ngự - Cầu Tràng Tiền - Chợ Đông Ba. 4/ Các lễ hội. 5/Trang phục và cuộc sống đời thường của Huế xưa. 6/ Kiến trúc đô thị Huế gồm công sở, đình chùa, miếu, phủ đệ. Riêng về Huế, Nguyễn Văn Phúc sưu tầm được khoảng 2.000 tấm ảnh, anh tuyển chọn 500 tấm cho cuốn sách sắp xuất bản. Một số tác giả Việt Nam như: Hương Ký, Thanh Ba, Vạn Xuân, Vũ Văn Tuấn và 20 tác giả người Pháp như: Nadal, Dieulefils, Morin, Peslissier…
Cũng là cầu Tràng Tiền, cửa Thượng Tứ, lăng tẩm, đền đài, nhưng tạo cho người xem sự xúc động bởi khi xem ảnh, tự nhiên liên tưởng đến thời gian, đến quá khứ, đến lịch sử, đến sự ngắn ngủi của đời người, sự vô thường của quyền lực, của các vương triều.
Thật thú vị khi xem những tấm ảnh về đời sống, sinh hoạt của người Huế từ hai thế kỷ trước. Những chiếc xe lôi, khách bộ hành trang phục áo the, khăn đóng qua cổng thành nội. Rồi chợ Đông Ba trên bến dưới thuyền, khác xa với chợ bây giờ, cũng phải thôi, có gì không thay đổi trên thế gian này.
Tôi thực sự xúc động khi xem những tấm ảnh về sông An Cựu, đoạn đi qua Phú Cam, đơn giản vì “phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà tôi ở đó”. Hồi trẻ con tôi với bạn bè hay bơi trên con sông này, “bạn bè tôi tụm năm tụm bảy, bầy chim non bơi lội trên sông” (Tế Hanh). Bến nước mà mạ tôi hay giặt áo, qua ảnh biết được năm xưa là bến đò, hình như là nơi khách buôn bán đường sông ghé qua. Hồi đó không có ôtô nhiều, nên ghe thuyền là lựa chọn phù hợp để vận chuyển hàng hóa từ vùng này sang vùng khác.
Những bức ảnh về hai ngôi trường nổi tiếng là Quốc Học và Đồng Khánh khiến cho bất cứ ai từng học ở hai ngôi trường này đều tự hào. Thời đó, những ai vào học được Quốc Học hay Đồng Khánh phải là con nhà quan, dòng dõi “trâm anh thế phiệt” hoặc phải học thật giỏi. Ngày xưa, trường Quốc Học và Đồng Khánh rất danh giá, vì thời đó trường học quá ít, thứ nữa là vì hai ngôi trường này có kiến trúc tuyệt vời và dạy dỗ cũng xuất sắc.
Những bức ảnh tư liệu quý giá về Huế giúp cho đời sau hiểu về cha ông xưa, giúp phục dựng những công trình kiến trúc, trang phục cung đình, văn hóa dân gian, đó là điều quá rõ. Nhưng đi ngược về Huế xưa, còn thấy những điều đau lòng, đó là nhiều công trình đã bị phá hủy hoàn toàn, do chiến tranh, do bàn tay nhám nhúa và tàn bạo của chính con người.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc triết lý về sự đi lạc vào lịch sử của anh rằng, đó là cơ duyên như người có căn tu và khi hiểu biết về quá khứ với thân phận của những vùng đất, những con người, để ta tự thấy ta nhỏ bé. Cái hữu hạn của một triều đại, một vương quyền, một nhân vật lịch sử là thông điệp cho bất cứ ai muốn tìm về sự an nhiên tự tại. Thấy được kiếp người ngắn ngủi đôi khi không phải dễ, mà cần có một đối tượng để so sánh, gợi mở và những trang lịch sử bao giờ cũng có giá trị cho con người chiêm nghiệm về sự hữu hạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận