Ảnh minh họa. |
Cả tháng nay, tôi nằm bẹp trên chiếc giường lạnh ngắt trong cái gác xép bị bỏ quên. Bụi phủ lên đồ đạc một màu xám ảm đạm. Lũ nhện mặc nhiên giăng tơ ở chỗ cửa kính vỡ, có cái to bằng vành nia, sợi tơ to như sợi cước. Từ trên trần nhà xám ngoét, một con mắt đỏ lòm dương dương nhìn tôi. Thỉnh thoảng hắn ngoác mồm ra ngáp, một hang tối hun hút nghe được cả tiếng gió hú, chực sẵn để kéo tôi xuống 18 tầng địa ngục. Cả người tôi nặng trịch, không nói được, không thở được, muốn khóc không khóc được. Tôi nghe tiếng guốc lên cầu thang lộp cộp. Mẹ mang cơm. Không biết là cơm trưa, cơm tối hay cơm cả ngày. Có người đến, con quái vật trốn đi. Người tôi nhẹ bẫng. Chân tay rã rời.
- Thanh ơi dậy đi. Có người
đến thăm.
Lạ nhỉ, ai đến thăm tôi? Thằng “Ết” sắp chết như tôi mà có người đến thăm à! Tôi không ngoảnh mặt lại. Tôi sợ đó là tiếng nói trong giấc mơ.
- Anh Thanh, anh thấy trong người thế nào?
Một giọng nói ngọt lọt đến tận xương tủy tôi. Không phải giọng của Hà Mi, cô người mẫu bức tranh cuối cùng của tôi. Con mèo con sau chót của tôi. Cũng không phải giọng Nguyệt. Người tôi vẫn hằng yêu. Tôi không thưa. Tôi sợ giấc mộng này tan biến.
- Anh dậy ăn bát cháo cho nóng. Cháo thịt em nấu ngon lắm.
Vẫn giọng nói ấy, nghe gần hơn. Tôi quay người lại. Hai gương mặt một nam, một nữ tôi chưa quen. Tôi chớp mắt vài lần. Họ vẫn đứng đấy, không hề biến mất. Người con gái kéo cao cái gối, dựa vào thành giường. Tôi nhỏm dậy. Cô chực đỡ tôi. Tôi xua tay:
- Để kệ tôi.
Cô ân cần đặt vào tay tôi bát cháo vẫn ấm hơi lửa.
- Anh ăn đi. Anh ăn hết bát này, em lấy bát khác, trong cặp lồng còn nhiều lắm. Anh ăn đi cho nóng…
- Đồ ngu. Đồ chó cái. Mẹ tôi trả cô bao nhiêu tiền?
- Không gì cả.
Một câu trả lời nhã nhặn tôi không ngờ tới.
- Cô không biết tôi bị AIDS sắp chết à? Về quê mà chăm chồng nuôi con. Ở đây chăm tôi dính AIDS thì xong đời. Tôi sẽ bảo mẹ tôi thanh toán đầy đủ cho cô.
Một giọng nói nghẹn như khóc đến nơi.
- Giá mà… nhà em với cháu vẫn còn để em chăm sóc.
Cô đưa tay gạt nước mắt đã nhòe mi. Cánh mũi cô đỏ lên, sụt sịt. Nhìn cô khóc thật tội nghiệp. Một thằng AIDS thân tàn ma dại như tôi lại thương người khác ư? Tức cười thật. Nhưng nhìn cô khóc tôi thật sự bối rối. Tôi không biết làm gì để cô nín. Khoản dỗ dành này ngày xưa tôi giỏi lắm cơ mà. Bạn gái tôi khóc, tôi chỉ cần kéo vào lòng, chìa ra một xấp tiền, cô ta nín bặt, mặt tươi rói. Còn bây giờ tôi thật vụng về. Tôi không biết phải làm sao.
Cô nhìn tôi nói giọng thủ thỉ:
- Em tên là Hoa. Nhà em ở cuối phố. Năm ngoái chồng em mất vì AIDS. Ba tháng sau con em cũng theo bố.
Cô ngừng nói, nuốt nước mắt. Anh đi cùng nói giọng ấm áp:
- Anh chị em mình cùng cảnh ngộ với nhau. Đến thăm nhau thế này có gì từ từ nói.
Cô tiếp lời:
- Chồng em là công an, được cả phố quý trọng. Một đêm anh về nhà áo bê bết máu. Nghĩ anh ấy làm án bị thương, em sợ hết hồn. Anh ấy giải thích: Trên đường đi làm về, gặp vụ tai nạn giao thông. Người gây tai nạn đã bỏ trốn. Anh bế nạn nhân đến bệnh viện, làm mọi thủ tục nhập viện, liên lạc với người nhà. Ba ngày sau, bác sĩ mời chồng em đến nói chuyện. Người đó đã qua đời trong cô quạnh. Không một người thân đến thăm nuôi. Không ai nhận xác. Bệnh viện xét nghiệm thấy máu có HIV…
Sau đó mấy tháng, em có thai. Em sinh bé trai kháu khỉnh, ai cũng yêu. Được một năm, cháu liên tục sút cân. Vợ chồng em đưa cháu đi khám. Kết quả xét nghiệm máu là HIV dương tính. Chồng em gục xuống khóc. Cả một thời gian dài, em đờ đẫn như người mất hồn.
Những giọt nước mắt nóng hổi rỏ lã chã xuống tay tôi. Con HIV nhiễm vào tôi đã đành một nhẽ. Nó lại còn ăn sống cả những người tốt như anh chị, cả người trong sáng như cháu bé.
Tôi ngậm ngùi kể lại đời mình...
- Em là một cậu ấm lắm tài nhiều tật. Tranh em vẽ được nhiều giải thưởng mỹ thuật. Thơ, nhạc vào loại tài hoa. Con gái theo em ôm không xuể. Em ăn nói có duyên. Em đẹp trai. Em nhiều tiền. Em đưa họ lên tranh cho người ta treo. Ma túy ban đầu làm em thăng hoa. Về sau, nó hành hạ em như một thằng nô lệ. Giá mà em bản lĩnh hơn. Giá mà mẹ em yêu em đúng cách. Ngày xưa em muốn gì mẹ em chỉ mắng đổng thôi, xong lại đâu có đó, khéo nài mẹ còn cho thêm. Bây giờ em bị bỏ quên. Em nằm đây một mình. Chỉ đến bữa cơm mẹ mang lên, để xuống đầu giường. Mẹ không cho bố biết, em bị AIDS nằm ở đây. Bố bị áp huyết cao. Vả lại, ông cụ cũng quen sự vắng mặt của em ở nhà rồi. Mẹ không cho ai lên đây thăm em chị ạ! Khi em đòi hỏi thì mẹ nói ráo: “Gặp mà làm gì? Mày còn muốn để tao mặt mo ra ngoài nữa à? Nhà có một thằng “Ết” khác nào có mả hủi. Nhục, nhục lắm con ạ…”. Con Herô, con chó cưng của em. Mẹ bán cho hàng đặc sản.
- Em hiểu tâm trạng anh. Em cũng đã gặp những người đồng cảnh. Giờ chúng em đã thành lập một nhóm cùng nhau mở một cửa hàng bán hoa tươi và cùng đến động viên những người nhiễm HIV. Anh cứ nghỉ ngơi, ngày một, ngày hai anh chị em sẽ đến với anh.
Cậu thanh niên vui vẻ nói chuyện về hoạt động của nhóm. Cậu nói như thể nhóm là một gia đình thực sự cậu có được sau bao năm không biết đến tình cảm gia đình. Câu chuyện phần nào khiến tôi vui hơn chút đỉnh.
Lần thứ hai chị Hoa đến, tôi chỉ có thể lắc và gật. Những vết lở loét rộng hơn. Trên người có thêm nhiều nốt. Nặng mùi hôi tanh. Tôi không dám nhìn mình trong gương nữa. Con quái vật xuất hiện thường xuyên hơn. Đầu nó mọc thêm vài cái sừng, trông càng gớm ghiếc. Nó dữ dằn, động cựa như sẵn sàng vồ tôi. Tôi câm lặng nhìn trân trân lên trần nhà, không khóc, không thốt nên lời.
Ngày hôm sau, nhận được lời nhắn của tôi, chị Hoa vội vàng đóng cửa hàng, phóng xe tới. Nằm trên gác tôi nghe được tiếng mấy bà hàng xóm kháo nhau:
- Thằng đấy giờ sống cũng như chết. Nó mất sớm ngày nào nhà nó đỡ khổ, nó đỡ khổ ngày ấy.
- Đám ma nó bà đi không?
- Ừ thì đến cho phải đạo.
- Thế bà không sợ…
Tôi chỉ còn thoi thóp thở. Nghe tiếng chị Hoa, tôi hé mắt chớp chớp tỏ ý bảo chị ghé tai xuống. Tôi thều thào:
- Chị… cố gắng… đến liệm cho em.
Tôi nghe tiếng gió ù ù bên ngoài qua cửa kính vỡ. Cảm nhận cường độ của gió qua đám mạng nhện. Nghe được cả tiếng người nói lao xao từ khu chợ gần nhà vọng lại. Những âm thanh rất đời thường mà đến giờ tôi mới nhận ra nó thân thương, yêu mến biết nhường nào. Tôi nhớ đến người họa sĩ già trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của nhà văn O.Henry. Tôi cố lê khỏi giường đến chỗ chiếc giá vẽ, pha màu sơn dầu và bắt đầu phết lên toan những hình ảnh sống trong trí tưởng của mình là những chiếc lá đang rơi, đang rơi.
Không gian phủ một màu xám bàng bạc. Những chiếc lá cũng màu xám đen óng lên đang nối nhau mải miết rơi, mải miết rơi. Hư vô. Hư vô. Tôi nghe tiếng tụng kinh gõ mõ, không phải tiếng của mẹ tôi. Tiếng đều đều, xa thẳm. Tôi thấy mình nhẹ bẫng không còn cô độc, không còn hối tiếc, không còn sầu não. Một chiếc lá rụng vào thinh không. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt lặng lẽ của mẹ khi xem bức tranh cuối cùng của mình. Chị Hoa vuốt mắt cho tôi cũng lặng lẽ như thế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận