Quản lý

Người dân Bà Rịa - Vũng Tàu ngóng đường lớn để đón du khách, nhà đầu tư

29/03/2024, 11:56

Ngày mai (30/3), UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Đây là sự kiện đang được người dân không chỉ trong tỉnh rất quan tâm.

Dân vui mừng vì tỉnh quan tâm phát triển giao thông

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, trước thông tin ngày mai 30/3, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, nhiều người dân tại địa phương háo hức với sự kiện này.

Người dân Bà Rịa - Vũng Tàu ngóng đường lớn để đón du khách, nhà đầu tư- Ảnh 1.

Bà Rịa - Vũng Tàu từng bước nâng tầm địa phương, thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Văn Tánh, người dân thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết gia đình ông đã an cư lạc nghiệp ở thị xã Phú Mỹ hơn 40 năm. Cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển đi lên theo từng giai đoạn. Tuy nhiên đối với quy hoạch tỉnh lần này, điều ông quan tâm nhất chính là hạ tầng giao thông và phát triển thị xã Phú Mỹ. 

Theo ông Tánh, rất nhiều năm qua bà con ở địa phương đã "khát" đường lớn, bởi trục đường chính để kết nối với TP.HCM và các địa phương lân cận chủ yếu QL51. Nhưng thực tế khoảng 5 năm trở lại đây, QL51 ngày càng quá tải, nặng nhất là đoạn qua thị xã Phú Mỹ và tỉnh Đồng Nai. Do đó người dân đi lại không thuận lợi, ách tắc, thường xuyên xảy ra va chạm giao thông.

Người dân Bà Rịa - Vũng Tàu ngóng đường lớn để đón du khách, nhà đầu tư- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Tánh (phải) không những luôn mong chờ đường, ông còn là người tiên phong nhường đất làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với mong muốn địa phương sớm có nhiều đường lớn.

"Ở đây bà con chỉ mong mở đường lớn, nâng cấp nhiều tuyến đường hiện hữu nên khi thấy quy hoạch tỉnh quan tâm nhiều đến giao thông, chúng tôi rất vui. Đó chính là điều người dân mong chờ. Thực tế đôi khi chúng tôi lỡ có đau ốm, muốn về TP.HCM thăm khám, có đường rộng thênh thang đi cũng sướng, nhanh, đỡ phải dậy đi từ 2h - 3h sáng, rất vất vả", ông Tánh nói.

Bà Hoàng Thị Hương, người kinh doanh tại bãi sau Vũng Tàu thì quan tâm nhiều đến nội dung phát triển địa phương trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, phát triển du lịch đẳng cấp quốc tế... Đồng thời, còn quan tâm đến việc địa phương nâng cấp mở rộng đường lớn và đầu tư sân bay. 

"Tôi thấy nếu đi đúng hướng như quy hoạch thì không lâu nữa du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển mạnh. Nếu du lịch phát triển thì người kinh doanh ẩm thực ven biển như gia đình tôi cũng được hưởng lợi", bà Hương nói.

Người dân Bà Rịa - Vũng Tàu ngóng đường lớn để đón du khách, nhà đầu tư- Ảnh 3.

Cầu Phước An, một dự án giao thông kết nối liên vùng từ Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang được thi công.

Về phát triển giao thông, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, ngoài hoàn thiện mạng lưới giao thông nội tỉnh, địa phương cũng xác định giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng cũng rất cần thiết để phát huy, khai thác được các tiềm năng của tỉnh nhà.

Năm 2023, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng loạt khởi công 3 dự án lớn để kết vùng gồm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An và cải tạo, mở rộng đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận. Đặc biệt thời gian này, địa phương cũng đang nghiên cứu triển khai dự án đường Vành đai 4 TP.HCM. Các dự án này sẽ giúp giảm tải cho QL51, kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...

Người dân Bà Rịa - Vũng Tàu ngóng đường lớn để đón du khách, nhà đầu tư- Ảnh 4.

Hàng loạt công trình giao thông lớn sẽ được triển khai lần lượt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

"Mục tiêu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong nhiệm kỳ 2020-2025 là hoàn thành tuyến giao thông trọng điểm. Như vậy hệ thống giao thông kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ được khơi thông, tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ của cụm cảng. Ngoài ra tạo được hệ thống giao thông kết nối thuận lợi nội tỉnh, liên vùng, liên khu vực", ông Trần Thượng Chí cho hay.

Quy hoạch hàng loạt dự án giao thông lớn

Được biết, trước đó vào ngày 16/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1629/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Theo quy hoạch, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối giữa giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt.

Người dân Bà Rịa - Vũng Tàu ngóng đường lớn để đón du khách, nhà đầu tư- Ảnh 5.

Bà Rịa - Vũng Tàu đang ưu tiên làm nhanh cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Hiện nay giao thông qua Bà Rịa - Vũng Tàu đã có các tuyến đường lớn như QL55, 56, 51, 51C. Bên cạnh đó địa phương cũng đang triển khai dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP.HCM. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng các đoạn tuyến tránh như: tuyến tránh QL51 qua thành phố Bà Rịa, tuyến tránh QL55 qua thị trấn Phước Bửu và thị trấn Đất Đỏ.

Theo quy hoạch, phương án phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh, đến năm 2030, Bà Rịa Vũng Tàu có 22 tuyến đường tỉnh, trong đó có 12 tuyến hiện hữu và 10 tuyến bổ sung theo quy hoạch.

Người dân Bà Rịa - Vũng Tàu ngóng đường lớn để đón du khách, nhà đầu tư- Ảnh 6.

Một góc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi đang được hoàn thiện dần hạ tầng giao thông.

Trong đó, 12 tuyến đường tỉnh hiện hữu sẽ được đầu tư nâng cấp, điều chỉnh hướng tuyến một số đoạn và xây dựng nối dài các đoạn tuyến chưa hình thành, giúp người dân giao thông, giao thương ngày càng thuận lợi hơn. 

Còn 10 tuyến đường tỉnh bổ sung sẽ tiếp tục điều chỉnh nâng cấp và mở mới gồm các đường: ĐT992B (đường Phước Hòa - Cái Mép); ĐT992C (đường 965); ĐT994B (đường trục chính Bà Rịa - Vũng Tàu); ĐT994C (một đoạn đường QL51 chuyển thành đường địa phương); ĐT994D (đường 30/4); ĐT994E (đường Hoàng Sa); ĐT995C (đường Nghĩa Thành - Cù Bị); ĐT996D (Châu Đức-Long Điền); ĐT999B (Hồ Cốc - Hòa Hiệp); đường vòng huyện Côn Đảo.

Có thêm đường sắt, nâng cấp, xây mới sân bay

Cũng theo quy hoạch, ngoài các tuyến đường bộ, sẽ xây dựng thêm tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Như vậy giao thông qua Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ ngày càng đa dạng.

Người dân Bà Rịa - Vũng Tàu ngóng đường lớn để đón du khách, nhà đầu tư- Ảnh 7.

Tương lai Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có thêm tuyến đường sắt kết nối với địa phương.

Đối với tuyến đường sắt, tỉnh sẽ bổ sung quy hoạch hai nhánh kết nối tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu với hệ thống cảng biển. Trong đó nhánh 1 dài 5,3km kết nối vào khu cảng biển Thị Vải, còn nhánh 2 dài 9,1km kết nối vào khu cảng biển Cái Mép và trung tâm logistics Cái Mép Hạ.

Sau năm 2030 tiếp tục nghiên cứu xây dựng thêm 3 tuyến đường sắt đô thị. Tuyến số 1 hoạt động chính trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của thành phố Vũng Tàu. Còn tuyến số 2 sẽ kết nối các đô thị ven biển Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu. Riêng tuyến số 3 sẽ kết nối với các sân bay.

Để phát triển mạnh du lịch, giao thông giao thương thuận lợi, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ quan tâm, đầu tư về hàng không, đặc biệt đầu tư phát triển sân bay Côn Đảo. Đồng thời còn quy hoạch hai sân bay chuyên dùng.

Thứ nhất sẽ dần đưa sân bay Gò Găng thay thế sân bay Vũng Tàu để chuyển sang mục đích phát triển thương mại dịch vụ. Đây sẽ là sân bay cấp 3C, diện tích đất dự kiến khoảng 248,5ha.

Người dân Bà Rịa - Vũng Tàu ngóng đường lớn để đón du khách, nhà đầu tư- Ảnh 8.

Sân bay Côn Đảo sẽ được ưu tiên đầu tư nâng cấp, phát triển.

Tương tự, quy hoạch thêm sân bay Đất Đỏ là sân bay cấp 4C, diện tích đất dự kiến khoảng 244,3ha. Đây là sân bay do Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm đề xuất.

Theo đề xuất, sân bay Đất Đỏ sẽ xây dựng tại xã Lộc An và xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vị trí này cách trung tâm huyện Đất Đỏ khoảng 8,5km và cách trung tâm hành chính tỉnh khoảng 22km.

Sân bay này đảm bảo khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ. Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 3.305 tỷ đồng và thời gian hoạt động 70 năm.

Bên cạnh các dự án về giao thông, dự kiến đến năm 2030, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng sẽ có 20 bến xe, gồm: Thành phố Vũng Tàu có 2 bến, thành phố Bà Rịa 3 bến, thị xã Phú Mỹ 2 bến, huyện Châu Đức 4 bến, huyện Long Điền và Đất Đỏ 6 bến, huyện Xuyên Mộc 3 bến. Đặc biệt địa phương sẽ chủ động xây dựng mới các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc và các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh bảo đảm phục vụ thuận lợi cho hoạt động vận tải và nhu cầu của người dân.

Mô hình mới huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thôngMô hình mới huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông

"PPP++" là một khái niệm mới chỉ việc huy động nguồn lực mạnh để cùng thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước, nhà đầu tư, ngân hàng tài trợ chưa đủ đáp ứng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.