Người dân vẫn phải khai báo y tế bằng tờ khai giấy khi đi qua các chốt kiểm soát dịch Covid-19. Ảnh minh họa: Tạ Hải
Từ đầu đại dịch Covid-19 đến nay, tôi thường xuyên phải khai báo y tế khi đến bệnh viện, bưu điện, ngân hàng, cơ sở tập gym, đi máy bay…
Một ngày tôi đi nhiều nơi thì phải khai báo y tế nhiều lần. Đặt grab, lái xe cũng yêu cầu khai báo trên tờ khai y tế xong mới chịu chở đi.
Chúng ta đang sống giữa một đại dịch lớn nhất trên phạm vi toàn thế giới trong 100 năm trở lại đây, nên việc khai báo y tế phục vụ phòng chống dịch là dễ hiểu.
Điều khó hiểu là chúng ta chống dịch trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0, với hàng loạt các công cụ như: Dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, blockchain… nhưng người dân vẫn phải dùng giấy bút để khai báo y tế.
Thậm chí có người đi từ vùng có nguy cơ lây nhiễm về lại tự giác chạy lên tận trung tâm y tế phường, quận… để nộp tờ khai y tế.
Ngay khi đi xe khách, máy bay, khai báo y tế trực tuyến trên trang tokhaiyte.vn cũng không dễ dàng đối với những người ít thạo công nghệ.
Việc khai báo y tế và kiểm tra khai báo y tế đối với hành khách đi máy bay đã không ít lần gây tắc nghẽn cả khu vực kiểm soát an ninh sân bay Tân Sơn Nhất, đến mức có lúc phải tạm ngừng thực hiện thủ tục này.
Người Singapore không hề dùng đến giấy bút để khai báo y tế.
Họ có 3 cách để làm việc này với sự trợ giúp của công nghệ: (1) Sử dụng app truy vết TraceTogether trên điện thoại thông minh khi app được kích hoạt gần máy quét tự động thông qua kết nối Bluetooth; (2) Quẹt căn cước công dân hoặc bất kỳ loại thẻ nhận dạng nào có mã vạch vào máy đọc ở cổng vào/ra; (3) Dùng thẻ (token) chuyên dụng và đầu đọc thẻ ở cửa vào/ra khu vực kiểm soát. Một quẹt khi vào (check-in), một quẹt khi ra (check-out), thông tin được chuyển đến các cơ quan quản lý để lưu trữ tập trung và sử dụng khi phát sinh nhu cầu.
Con gái chúng tôi cài app truy vết trên điện thoại, đi qua một tòa nhà mà sau đó phát hiện có ca Covid-19, ngay lập tức cháu nhận được thông báo để biết và thực hiện tự cách ly tại gia theo đúng quy định đã được công bố rõ ràng đến tất cả mọi người ở Singapore.
Còn ở Trung Quốc, từ giữa năm 2020 khi đại dịch mới xuất hiện mấy tháng, họ đã triển khai hệ thống mã QR code trên điện thoại thông minh. Mỗi người dân được quản lý bằng 3 màu trên mã QR: “Xanh” là an toàn, “Vàng” là có nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc gần với ca dương tính và phải cách ly tại gia, “Đỏ” là đã đến mức nguy hiểm, phải đi cách ly tập trung hoặc nhập viện.
Đến đâu thì dùng mã QR của mình mà khai báo y tế bằng một click hoặc xuất trình cho người kiểm soát xem. QR code màu xanh là một loại “giấy thông hành”, chủ nhân của nó được đi lại tự do ở địa phương mình và đi đến các địa phương khác.
Với việc tích hợp các thông tin về kết quả xét nghiệm Covid-19 và tiêm vaccine vào mã QR code, nó sẽ trở thành một bản “hộ chiếu Covid số” đầy đủ thông tin nhất, hiện đại nhất và tiện ích nhất cho cả người quản lý và người dân.
Chúng ta đã và đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh và công tác truy vết chủ yếu bằng sức người của cả hệ thống chính trị.
Nhưng đã đến lúc cần đầu tư phát triển và đưa các công cụ công nghệ hiện đại vào thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 để vừa tiện lợi hơn cho người dân, vừa mang lại hiệu quả cao hơn (nhanh hơn, ít bỏ sót hơn).
Cũng là cách để thế giới thấy nước ta thực sự có năng lực phát triển các loại công nghệ hiện đại, chứ không phải chỉ biết nói về Cách mạng 4.0.
Hãy bắt đầu từ một việc cụ thể là hiện đại hóa công việc khai báo y tế.
Lương Hoài Nam - Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận