Ảnh minh họa
Nửa đêm, ông Tôn (60 tuổi) ở Trung Quốc được gia đình gọi xe cấp cứu nhưng vẫn không qua khỏi trước khi đến bệnh viện.
Cái chết của ông Tôn khiến cho mọi người vô cùng ngạc nhiên. Hàng xóm nói rằng, sáng nào cũng thấy ông tập thể dục ở công viên gần nhà. Họ cho biết, ông đặc biệt thích tập luyện trên các thanh xà ngang, sức khỏe tốt như vậy sao có thể bị nhồi máu cơ tim được.
Sau này, mọi người mới biết được rằng, ông Tôn bị cao huyết áp nhiều năm, nhưng vì thường xuyên vận động nên không có nhiều khó chịu trong người. Gia đình thường thuyết phục ông nên uống thuốc hạ huyết áp, nhưng ông cười và luôn bảo không sao.
Ông Tôn luôn nghĩ rằng, sức khỏe của mình tốt như thanh niên, vẫn hút thuốc, uống rượu, ăn thịt bình thường. Với một người tuổi cao như ông, những thói quen này chắc chắn sẽ dẫn tới tình trạng xơ vữa động mạch, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch vành trong thời gian dài.
Thực ra, một tuần trước khi xảy ra nhồi máu cơ tim, ông Tôn thường xuyên cảm thấy đau lưng nhưng chủ quan nghĩ rằng, do cột sống không tốt nên đã không đến bệnh viện kiểm tra.
Đến 3 giờ sáng, ông Tôn đi vệ sinh thì đột nhiên đau lưng không chịu nổi, vã mồ hôi, tức ngực và ngạt thở, vội vàng gọi người thân. Khi xe cấp cứu đến, ông được chẩn đoán nhồi máu cơ tim và được đưa vào trung tâm cấp cứu.
Trên đường đi, tim của ông Tôn ngừng đập, mặc dù được bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản và hồi sức tim phổi nhưng vẫn không thể cứu được.
Tại sao tăng huyết áp gây nhồi máu cơ tim?
Khi mắc bệnh cao huyết áp, trong giai đoạn đầu thường không có nhiều triệu chứng rõ ràng, cũng như không gây ra những tác hại rõ ràng cho cơ thể.
Thế nhưng, khi huyết áp tăng cao trong thời gian dài, nó sẽ khiến các động mạch nhỏ cứng dần, dễ gây xơ vữa động mạch, cụ thể là động mạch vành rồi từ từ phát triển thành bệnh mạch vành tim.
Sau đó, nếu có mảng bám trong mạch máu sẽ tiếp tục phát triển, hình thành các cục máu đông, làm tắc nghẽn mạch máu, gây nhồi máu cơ tim.
Thực chất những cơn đau lưng là gì?
Đau lưng thực chất là những cơn đau thắt ngực, cơn đau thắt ngực tấn công là cảnh báo trước nhồi máu cơ tim.
Hầu hết các trường hợp nhồi máu cơ tim sẽ có những cơn đau thắt ngực trước khi bắt đầu xuất hiện nhồi máu cơ tim. Thế nhưng, nhiều người nghĩ rằng, đó chỉ là cơn đau tim bình thường, không nghiêm trọng nên đã trì hoãn thời điểm chữa trị tốt nhất.
Trên thực tế, có nhiều bộ phận liên quan đến cơn đau thắt ngực như răng, đầu, ngực, bụng, vai, lưng. Thậm chí, một số cơn đau thắt ngực không có cảm giác đau rõ ràng, chỉ có cảm giác tức ngực, khó thở, hồi hộp, đổ mồ hôi...
Khi cơn đau thắt ngực xảy ra, thời gian thường từ 2 phút đến 10 phút. Đặc biệt là sau khi vận động mạnh hoặc tập thể dục, các cơn co thắt ngực sẽ càng nặng hơn.
Nếu cảm thấy tình trạng trên, bạn nên nghĩ đến khả năng bị đau thắt ngực và đến bệnh viện khám kịp thời. Nếu cảm thấy cơn “co giật” kéo dài hơn 15 phút, rất có thể bạn đang bị nhồi máu cơ tim.
Cách phòng tránh nhồi máu cơ tim
Huyết áp ổn định là cách tốt nhất để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, nếu tình trạng tăng huyết áp tiếp tục xảy ra, nó dễ dàng dẫn tới nhồi máu cơ tim.
Vì vậy, bạn cần kiểm tra huyết áp của mình thường xuyên, nếu gặp các triệu chứng trên trước đó, cần phải điều trị huyết áp kịp thời. Một cuộc sống lành mạnh sẽ giúp ích rất nhiều để điều hòa huyết áp và tim mạch.
Nói tóm lại, nếu không kiểm soát được bệnh tăng huyết áp, nguy cơ những căn bệnh nguy hiểm sẽ xuất hiện, khả năng tử vong cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận