Quản lý

Người dân sẽ trả phí đi lại bằng một tài khoản giao thông

02/01/2021, 07:19

Giao dịch giao thông bằng một tài khoản giao thông thanh toán cho tất cả các hoạt động liên quan đến vận tải.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông

“Người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin của ngành GTVT một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời, mọi lúc, mọi nơi; thực hiện các thủ tục hành chính thuận tiện, dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trao đổi với Báo Giao thông về chương trình chuyển đổi số mà Bộ GTVT vừa ban hành, trong đó đặt người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ.

Thay đổi căn bản các phương thức quản lý, điều hành

Xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là chủ trương lớn của Chính phủ. Việc này đang được Bộ GTVT triển khai thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thời gian qua, Bộ GTVT đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới môi trường làm việc trực tuyến thay cho môi trường làm việc truyền thống dựa trên hồ sơ, giấy tờ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến để tạo điều kiện, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp (DN).

Bộ GTVT cũng đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để quản lý điều hành dựa trên dữ liệu số. Tuy nhiên, giai đoạn này, chủ yếu số hóa thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý nhanh, thuận tiện hơn, nhưng bản chất chúng ta vẫn làm trên nền tảng cũ, chủ yếu là phương thức thủ công.

Chuyển đổi số ở Bộ GTVT có gì khác với quá trình ứng dụng CNTT đã thực hiện trong giai đoạn trước đây?

Theo Quyết định 749/2020 của Thủ tướng Chính phủ, GTVT và Logistics là 2 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số. Chuyển đổi số ở Bộ GTVT khác biệt với quá trình ứng dụng CNTT đã thực hiện trong giai đoạn trước đây ở điểm cơ bản là việc ứng dụng công nghệ mang tính thay đổi căn bản phương thức quản lý, không đơn giản là hiện đại hóa phương thức quản lý cũ. Đây là một quá trình lâu dài và phải được thực hiện thường xuyên.

Trong quá trình chuyển đổi số có thể thúc đẩy, hình thành các mô hình quản lý, kinh doanh vận tải mới, chưa có tiền lệ và có thể chưa có hệ thống chính sách pháp luật để điều chỉnh.

Do đó, cần thay đổi nhận thức của cơ quan quản lý Nhà nước về GTVT là phải chấp nhận những mô hình mới và tìm cách quản lý, thúc đẩy sự phát triển thay vì ngăn cản và chấp nhận những mô hình thử nghiệm để tìm ra biện pháp quản lý.

Chính vì vậy, với chương trình chuyển đổi số Bộ GTVT đặt ra tầm nhìn đến năm 2030: “GTVT là ngành tiên phong về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số toàn diện để thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ các hoạt động quản lý để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ nhân dân”.

Sẽ giảm đáng kể chi phí, nguồn lực xã hội

Vậy, mục tiêu cụ thể chương trình chuyển đổi số được Bộ GTVT đưa ra là gì, thưa Thứ trưởng?

Trước tiên là nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách sâu rộng trong toàn ngành GTVT; đưa chuyển đổi số trở thành thành phần hữu cơ trong mọi hoạt động quản lý của Bộ GTVT, đồng hành với DN hoạt động trong lĩnh vực GTVT trong mọi hoạt động chuyển đổi số.

Đối với phát triển Chính phủ số, mục tiêu là xây dựng cơ sở dữ liệu cho mọi hoạt động nghiệp vụ, sử dụng dữ liệu số cho việc tự động hóa ra quyết định và hỗ trợ ra quyết định.

Tập trung xây dựng các hệ thống phục vụ người dân và DN theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí, nguồn lực xã hội.

Đối với mục tiêu phát triển kinh tế số, chúng tôi đặt mục tiêu thông qua cải cách phương thức quản lý, ứng dụng các công nghệ số để tạo thuận lợi cho người dân và DN trong việc sử dụng dịch vụ vận tải và giảm chi phí logistics.

Cụ thể là chuyển đổi số thành công các DN lớn hoạt động trong lĩnh vực GTVT để thay đổi phương thức cung cấp sản phẩm dịch vụ từ truyền thống sang phương thức số và tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức, xây dựng chuỗi cung ứng logistics được làm chủ bởi DN của Việt Nam.

Việc chuyển đổi từ truyền thống sang phương thức số chắc chắn không hề đơn giản, tới đây, Bộ GTVT sẽ tổ chức triển khai thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Chuyển đổi số Bộ GTVT không phải là một chương trình độc lập với các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử hay chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật… đang được triển khai, mà nó có quan hệ lẫn nhau.

Chương trình đưa ra 7 nhiệm vụ giải pháp để thực hiện gồm: Chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế; Phát triển hạ tầng số; Phát triển dữ liệu số; Xây dựng nền tảng số; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng và Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Liên thông vé tàu xe, máy bay

img

Nhiều thủ tục hành chính của Bộ GTVT đã được thực hiện qua mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Trong nền kinh tế số có từ khóa là “xóa bỏ” tiền mặt trong giao dịch và phát triển chuỗi cung ứng logistics. Bộ GTVT triển khai nội dung này thế nào?

Bộ GTVT đặt mục tiêu “xóa bỏ” tiền mặt trong hoạt động của nền kinh tế số GTVT bằng việc ứng dụng và thúc đẩy hoạt động thanh toán điện tử và liên thông thanh toán các dịch vụ GTVT.

Giao dịch giao thông bằng một tài khoản giao thông thanh toán cho tất cả các hoạt động liên quan đến vận tải.

Hiện, các bước đang triển khai như thu phí điện tử không dừng. Bên cạnh đó, sẽ liên thông các tài khoản như vé tàu, vé xe, vé máy bay... Bộ GTVT cũng khuyến khích các mô hình nền tảng kết nối trong nền kinh tế chia sẻ và đẩy mạnh kết nối trong vận tải đa phương thức.

Với việc phát triển chuỗi cung ứng logistics, Bộ GTVT sẽ thúc đẩy phát triển các nền tảng số kết nối giữa các chủ hàng, các nhà giao vận và khách hàng để phát triển thành một hệ thống một cửa cho phép chủ hàng có thể tìm ra phương tiện tối ưu để vận chuyển hàng hóa và tìm các kho bãi chính xác cũng như hỗ trợ việc đóng gói và hỗ trợ đăng ký, hoàn thiện các quá trình xử lý các văn bản hành chính liên quan.

Ngoài hai nội dung trên, Bộ GTVT cũng sẽ cung cấp các loại dữ liệu mở giao thông như: Vản đồ, số liệu đo, số liệu thống kê... để thúc đẩy các DN khởi nghiệp, sáng tạo dịch vụ dựa trên dữ liệu với mục đích mang lại các lợi ích cho xã hội như giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí di chuyển.

Theo Thứ trưởng đâu là yếu tố quyết định việc chuyển đổi số thành công ở Bộ GTVT?

Thách thức lớn nhất để thực hiện chương trình chuyển đổi số ngành GTVT là vấn đề nhận thức của các cán bộ quản lý trong ngành.

Chuyển đổi số chỉ có thể thành công từng bước nếu nhận thức của các cán bộ quản lý phải ứng dụng công nghệ số trong những công việc hàng ngày, hoạch định chiến lược và thực hiện quyết liệt, dám chấp nhận những mô hình kinh doanh mới của xã hội theo hướng thúc đẩy phát triển thay vì tạo rào cản về tư duy quản lý.

Bên cạnh đó, cộng đồng các DN cũng phải tích cực tham gia trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu trên cơ sở thiết kế khung của Bộ GTVT đã xây dựng.

Nguồn vốn để thực hiện các kế hoạch chuyển đổi số chưa tương xứng với cơ hội hiện có. Chúng ta cần huy động nhiều hình thức để có thể có kinh phí cho các ứng dụng chuyển đổi số trong phạm vi toàn ngành.

Tư duy cát cứ dữ liệu trong từng cơ quan đơn vị cần phải được xóa bỏ với tinh thần dữ liệu phải được chia sẻ, sử dụng chung cho tất cả các cơ quan quản lý và cho phép xã hội khai thác theo quy định, đảm bảo tính pháp lý, tôn trọng quyền riêng tư để phát triển.

Vậy, người dân và DN sẽ được lợi gì từ chuyển đổi số của Bộ GTVT, thưa Thứ trưởng?

Đầu tiên là người dân, DN có thể tiếp cận thông tin của ngành GTVT một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời, mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao giúp cho người dân, DN thực hiện các thủ tục hành chính thuận tiện, dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí. Đồng thời, việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân nhanh chóng, kịp thời hơn.

Ngoài ra, việc sử dụng nguồn dữ liệu số được Bộ GTVT công bố dưới hình thức dữ liệu mở giúp người dân, DN ứng dụng trong việc phát triển các mô hình kinh doanh mới, phát triển kinh tế số.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Dữ liệu là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số

Bộ GTVT sẽ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành với các nguồn dữ liệu được cập nhật thường xuyên, đầy đủ và chính xác. Ngoài việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý nội bộ, Bộ GTVT cũng xác định tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số.

Trong giai đoạn đến năm 2025 sẽ tập trung hoàn thiện các bộ cơ sở dữ liệu nền tảng về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT; Chia sẻ các dữ liệu này với các bộ, ngành, địa phương khác cũng như cung cấp dữ liệu mở để phát triển Chính phủ số, kinh tế số.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.