Đường bộ

Người dân Sóc Trăng náo nức chờ ngày khởi công cây cầu trong mơ

07/10/2023, 14:30

Công tác giải phóng mặt bằng ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã hoàn tất từ lâu vì người dân quá mong đợi dự án cầu Đại Ngãi.

Hân hoan với chủ trương xây cầu

Có trên 13.000m2 đất ảnh hưởng trực tiếp đến dự án xây dựng cầu, nhưng bà Phạm Thị Đào (65 tuổi), ấp An Lạc, xã An Thạnh Tây không băn khoăn gì, sẵn sàng giao đất cho Nhà nước phục vụ việc xây cầu.

Náo nức chờ ngày khởi công cây cầu trong mơ - Ảnh 1.

Phối cảnh cầu Đại Ngãi.

"Nói thật với mấy chú, tôi sống ở đây hết cả đời, chưa bao giờ tin, chưa bao giờ dám mơ chuyện xây cầu Đại Ngãi vì Cù Lao Dung là hòn đảo nằm bơ vơ giữa sông Hậu, lại gần cửa biển.

Dòng sông rộng mênh mông nên chưa ai nghĩ đến việc xây cầu. Mấy ngày qua, nghe tin chuẩn bị khởi công xây dựng cầu, tôi mới dám tin đó là sự thật", bà Đào nói.

Bà Đào và nhiều bà con đang chờ ngày trọng đại đó. Có cầu, cuộc sống của nhân dân vùng cù lao sẽ thay đổi nhiều hơn khi giao thông đi lại thuận lợi, hàng hóa nông sản sẽ dễ dàng mua bán hơn, được giá hơn, không lo bị ế, bị ép giá như trước đây.

Những ngày đầu tháng 10/2023, đến huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng), từ trung tâm huyện cho đến các xã vùng xa như: An Thạnh Nam, An Thạnh Ba, Đại Ân 1… đều nghe nhiều người dân ở đây bàn rất nhiều về cây cầu Đại Ngãi với tâm trạng háo hức chờ ngày diễn ra lễ khởi công.

Đến xã An Thạnh Tây (huyện Cù Lao Dung), chúng tôi được ông Lâm Văn Đặc, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: "Từ khi có dự án xây dựng cầu Đại Ngãi, người dân ở địa phương cũng như ở các xã khác trong huyện đều rất vui mừng vì có cầu sẽ giúp quê hương đổi thay, ngày càng phát triển.

Chính vì thế, khi tiến hành công tác kiểm đếm, đo đạc giải phóng mặt bằng, bà con ủng hộ tối đa, không thắc mắc hay phàn nàn gì.

Chỉ trong vòng hai tuần, công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành.

Toàn xã có 73 hộ ảnh hưởng dự án xây dựng cầu, bốn hộ ảnh hưởng do thu hồi đất phục vụ xây dựng khu tái định cư cho các hộ ảnh hưởng dự án thì cả 77 hộ đã nhận tiền xong và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư".

Ông Nguyễn Hữu Thắng, công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng - Môi trường xã An Thạnh Đông cho biết: "Thậm chí, có hộ ông Bùi Văn Hận ở ấp Đặng Trung Tiến còn tích cực hỗ trợ những công nhân khoan thăm dò địa chất ở vị trí xây cầu bằng việc cho họ ở miễn phí trong nhà.

Náo nức chờ ngày khởi công cây cầu trong mơ - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Hận thăm, động viên công nhân khoan thăm dò địa chất phục vụ công trình cầu Đại Ngãi.

Ông nhận nấu cơm cho các công nhân này để anh em yên tâm làm nhiệm vụ, sớm hoàn thành công tác thăm dò địa chất phục vụ tốt cho thi công cầu".

Ông Bảy Xuân nói: "Tôi sống cả một đời ở đất cù lao này. Từ đó đến nay, Cù Lao Dung có nhiều đổi thay, có nhiều sự kiện quan trọng nhưng theo cảm nhận của tôi, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, có 3 sự kiện gây "chấn động" ở vùng cù lao sông nước này mà có lẽ nhiều người sẽ nhớ mãi.

Thứ nhất là sự kiện làm con đường lớn nhất của huyện chạy từ đầu cù lao (xã An Thạnh Nhất) đến cuối cù lao (xã An Thạnh Nam).

Thứ hai là sự kiện công trình lưới điện quốc gia vượt sông Hậu về Cù Lao Dung chính thức đưa vào hoạt động tháng 12/1998, mang dòng điện sáng về cho người dân Cù Lao Dung, giúp bà con sau hàng trăm năm sinh sống biết điện là thế nào.

Còn sự kiện thứ ba chính là việc chuẩn bị khởi công xây dựng cầu Đại Ngãi sắp diễn ra. Ba sự kiện lớn này đã giúp Cù Lao Dung đổi thay rất nhiều".

Sau này, chỉ mất 5 phút qua cầu…

Ông Bùi Văn Hận (53 tuổi), ấp Đặng Trung Tiến, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung cho biết, từ Trà Vinh sang Sóc Trăng phải qua mấy con sông là sông Hậu, sông Bến Bạ, sông Cồn Tròn.

Náo nức chờ ngày khởi công cây cầu trong mơ - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thanh Xuân ở huyện Cù Lao Dung trên phần đất mình nhường cho dự án xây cầu...

Trong đó, sông Hậu từ Trà Vinh sang Cù Lao Dung và từ Cù Lao Dung sang Long Phú mỗi dòng rộng mấy ngàn mét, còn thêm sông Bến Bạ (nằm giữa xã An Thạnh Đông và thị trấn Cù Lao Dung), sông Cồn Tròn (nằm giữa xã An Thạnh Tây), mỗi sông cũng rộng hàng trăm mét nên việc xây cầu trong hình dung của tụi tui là khó khả thi.

"Nhưng hơn một tháng nay, thấy nhiều công nhân với máy móc đi khoan địa chất ở địa phương, chuẩn bị cho thi công xây cầu, bà con mới tin là cầu Đại Ngãi sẽ được xây dựng. Vui lắm anh ạ", ông Hận nói.

Theo phân tích của ông Hận, từ trước đến nay, bà con ở xã này có việc đi Trà Vinh thì đi đò nhỏ vượt sông rộng mấy ngàn mét trong sóng gió, hoặc phải lên trung tâm huyện, đến bến phà Cầu Quan (nối giữa xã An Thạnh Nhất của huyện Cù Lao Dung và thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) với tổng chiều dài quãng đường trên 20km, thời gian đi mất mấy tiếng đồng hồ vì chờ phà lâu.

Sau khi cầu xây xong, bà con ở xã này chỉ mất chưa đầy 5 phút cho quãng đường khoảng 1,5km đi trên cầu là sang tới Trà Vinh.

Náo nức chờ ngày khởi công cây cầu trong mơ - Ảnh 4.

Phà Đại Ngãi qua sông Hậu hiện nay.

Còn lên thành phố Sóc Trăng, trước giờ bà con nơi đây cũng phải mất khoảng 2 giờ đồng hồ cho quãng đường trên 35km. Sau khi cầu hoàn thành, người dân chỉ đi mất khoảng nửa giờ đồng hồ với quãng đường hơn 16km.

Ông Lê Trọng Nguyên, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung chia sẻ: "Dự án cầu Đại Ngãi là một dự án trọng điểm, có ý nghĩa rất to lớn không chỉ đối với Cù Lao Dung mà còn với nhiều địa phương khác trong khu vực.

Trong một thời gian ngắn, toàn huyện có 93 hộ bị ảnh hưởng phải thu hồi đất phục vụ dự án đã nhận bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền trên 86 tỷ đồng và đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Khu tái định cư cho các hộ bị thu hồi đất cho dự án cũng đã hoàn thành cơ bản việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ cho bà con".

Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung - Trần Văn Nguyên cũng cho biết, bà con ở đây rất vui, bởi dự án sẽ giúp người dân địa phương thoát cảnh lụy đò, đặc biệt, xóa thế cô lập của huyện, giúp kết nối giao thông, vực dậy những tiềm năng lợi thế của địa phương, giúp huyện Cù Lao Dung sớm phát triển.

Do vậy, người dân đồng tình ủng hộ giao mặt bằng để sớm triển khai dự án".

Dự án cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu, trên quốc lộ 60 nối liền hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 878/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.

Với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng, dự án cầu Đại Ngãi có chiều dài toàn tuyến hơn 15km, trong đó, có hai cầu vượt chính là cầu Đại Ngãi 1 và cầu Đại Ngãi 2.

Dự án nằm trên quốc lộ 60, nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng với điểm đầu giao quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh và điểm cuối giao quốc lộ Nam sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Phần tuyến được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, với 4 làn xe.

Cầu Đại Ngãi hoàn thành giúp thông tuyến quốc lộ 60, rút ngắn khoảng cách 80km khi di chuyển từ tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau lên TP.HCM so với tuyến quốc lộ 1A.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.