Tài chính

Người đi vay: Trường hợp nào được giãn, hoãn nợ bởi dịch Covid-19?

31/05/2021, 13:50

Để đảm bảo được lợi ích của mình, người đi vay cần tìm hiểu rõ chính sách giảm lãi, cơ cấu nợ của các tổ chức tín dụng...

img

Để đảm bảo được lợi ích của mình, người đi vay cần tìm hiểu rõ chính sách giảm lãi, cơ cấu nợ của các tổ chức tín dụng đặc biệt là Thông tư 03/2021/TT-NHNN để có thể xin giãn, hoãn nợ đúng quy định.

Hàng nghìn đơn xin giãn nợ, hoãn nợ gửi về các tổ chức tín dụng

Anh Nguyễn Văn Vinh, công nhân dệt may tại TP.HCM cho biết: “Năm ngoái, tôi có vay ngân hàng để mua nhà ở xã hội với mong muốn an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra, chúng tôi mất việc, không có lương. Hiện gia đình tôi không còn khả năng trả nợ ngân hàng đúng hạn. Tôi đã liên hệ với ngân hàng để làm đơn đề nghị, hy vọng sẽ được ngân hàng giãn thời hạn trả nợ, giảm phần nào lãi suất”.

Không chỉ trường hợp của anh Vinh, dịch Covid-19 cũng đã khiến hàng nghìn người đang vay tại các ngân hàng, công ty tài chính đột nhiên mất khả năng trả nợ đúng hạn do nguồn thu nhập giảm.

Tính từ tháng 3/2020 đến nay, các ngân hàng, công ty tài chính cho biết liên tục nhận được hàng nghìn đơn đề nghị giãn nợ, giảm lãi suất của khách hàng cá nhân. Theo tính toán sơ bộ, trong tổng số dư nợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, dư nợ của khách hàng cá nhân chiếm tới 1/3, nguyên nhân là do mất nguồn thu bởi thất nghiệp hoặc thu nhập giảm sút.

Chia sẻ tại cuộc họp báo về triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, cho biết các tổ chức tín dụng đã gia hạn thời điểm trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỉ đồng, theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Ngoài ra, khoảng 590.000 khách hàng được miễn, giảm lãi suất cho vay với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng.

Các tổ chức tín dụng cũng cho hơn 390.000 khách hàng vay mới với mức lãi suất ưu đãi - thấp hơn,phổ biến từ 0,5 đến 2,5% so với giai đoạn trước dịch Covid-19 - với doanh số lũy kế đạt gần 2,3 triệu tỉ đồng, trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến nay.

Tại FE CREDIT, ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng giám đốc cho biết, trước hậu quả mà dịch bệnh Covid-19 gây ra, công ty đã triển khai các chương trình hỗ trợ từ tháng 3/2020 cho các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chương trình cung cấp các sự lựa chọn cho khách hàng như tái cơ cấu khoản vay, hoãn thanh toán cũng như miễn các khoản phí chậm trả.

Mặc dù các ngân hàng, công ty tài chính đang nỗ lực hỗ trợ khách hàng song hiện tại tốc độ gửi đơn đề xuất xin cơ cấu nợ, giãn nợ tăng chóng mặt, đồng thời có nhiều trường hợp khách hàng không đủđiều kiện nhưng vẫn nộp đơn khiến tốn thời gian và công sức của chính họ.

Trường hợp nào sẽ được giãn, hoãn nợ bởi dịch Covid-19?

Các chuyên gia cho rằng, trước khi nộp đơn lên các tổ chức tín dụng, người đi vay cần hiểu rõ trường hợp nào được cơ cấu nợ, miễn giảm lãi. Nếu không đủ điều kiện, đơn xin sẽ không được xem xét.

Vì vậy, để tránh mất thời gian cũng như tiền bạc, người vay vốn cần nắm rõ chính sách giảm lãi, cơ cấu nợ của từng ngân hàng đặc biệt là Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều củaThông tư số 01/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, Thông tư 03 quy định thời hạn trả nợ, khoản nợ được cơ cấu lại phải đảm bảo các điều kiện là: Phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; Phát sinh nghĩa vụ trảnợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021.

Đồng thời, khách hàng phải chứng minh được mình không có khả năng trả nợ đúng hạn theo hợpđồng, do bị ảnh hưởng của dịch Covid -19. Thông tư cũng nêu rõ, khách hàng phải có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

Ngoài ra, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không được vượt quá 12 tháng kể từ ngày hưởng ưu đãi và phải phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 của từng khách hàng.

Đối với việc miễn, giảm lãi suất, tổ chức tín dụng quyết định theo quy định của nội bộ. Theo đó, người đi vay sẽ được xem xét miễn, giảm lãi dựa vào số dư nợ của khoản vay phát sinh từ trước 10/06/2020 và nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi đến hạn trong thời gian 23/1/2020 đến 31/12/2021. Đồng thời, điều kiện đủ là khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và lãi do doanh thu, thu nhập giảm sút bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bên cạnh nắm rõ chính sách giảm lãi tại Thông tư 03, người vay cần làm việc trực tiếp với tổ chức tín dụng để được hướng dẫn, xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.