Xã hội

Người “ghi chép chiến tranh” qua ống kính

21/06/2021, 07:06

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh được nhiều người ví như “người ghi lịch sử bằng hình ảnh”.

img

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh kể lại với PV Báo Giao thông về những ký ức hào hùng

Hơn 60 năm cầm máy, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh đã chụp hàng vạn bức ảnh, ghi lại những khoảnh khắc ở những nơi ông đã đi qua, với những người mà ông đã gặp. Trong đó, với ông, quý giá nhất là những bức ảnh thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó có thể coi là kho tư liệu qúy giá cho cả hôm nay và mai sau.

Ký ức hào hùng qua những bức ảnh

Một ngày cuối tháng 5/2021, tôi và người bạn đồng nghiệp có dịp ghé thăm nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh (tên thật là Võ Nguyên Nhân, SN 1938, tại xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) tại nhà riêng của ông trên đường Lê Duẩn, phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Thời gian trôi qua, sức khỏe ông yếu hơn nhiều so với cách đây 4 năm khi chúng tôi gặp ông tại một triển lãm ảnh ở Quảng trường Hùng Vương, Bạc Liêu. Việc đi lại của ông giờ đây khó khăn hơn phải ngồi trên xe lăn, mắt ông cũng kém đi nhiều. Tuy nhiên, khi nhắc tới những tác phẩm của mình, ông không quên dù một chi tiết nhỏ.

Ông kể, năm 1961, ông được tổ chức phân công về Ban Tuyên huấn Cà Mau. Tại đây, ông được giao một chiếc máy ảnh hiệu Nikon của Nhật. Chiếc máy đã cũ, nhưng được ông xem như “báu vật”.

“Thời chiến tranh khó khăn, tìm mua phim để chụp ảnh rất khó. Hơn nữa, tôi lại mới tập tễnh vào nghề, nên phải rất cẩn thận, tỉ mỉ và chắt chiu từng thước phim để lưu được nhiều hình ảnh quý giá nhất”, ông chia sẻ.

Thế rồi kể từ đó, qua ống kính, ông đã ghi lại những khoảnh khắc quý giá. Đó là những khoảnh khắc đau thương, nhân ái, bi tráng, tình đồng đội, niềm lạc quan trong gian khổ của đồng bào và chiến sĩ ta giữa miệt rừng U Minh.

Một trong những thời khắc đó được ghi lại qua bức ảnh “Trạm quân y dã chiến”, chụp ngay giữa lòng U Minh Hạ năm 1970. Bức ảnh ghi lại thời khắc mong manh giữa sự sống và cái chết, những con người được giao nhiệm vụ cao cả đã vượt lên nỗi sợ hãi, vững chí trong từng ca mổ để giành lại sự sống cho thương binh.

Ông kể, hình ảnh khiến ông day dứt có lẽ là hình ảnh về cô Phan Thị Hườn, người con gái Cà Mau bị bom na-pan phá hủy, làm biến dạng gần hết khuôn mặt mà ông vô tình chụp được vào năm 1966.

Hay như hình ảnh Kiện tướng chiến hào Dương Thị Cẩm Vân - người đã liên tục 6 tháng liền bám chiến hào bao vây đánh địch tại chi khu Đầm Dơi - Cà Mau (tháng 6/1966).

Nhiều lần suýt bỏ mạng

img

Trung đội phó nữ pháo binh Cái Nước Huỳnh Thị Dung (phía trước) cùng đồng đội trên đường hành quân ra trận tháng 3/1973

Chỉ tay lên tấm ảnh có hai cô gái tuổi đôi mươi (thuộc Trung đội nữ pháo binh Cái Nước) oai nghiêm vác trên vai khẩu pháo, ông Khánh nhớ lại: “Hồi đó, ở Cà Mau có ba đội nữ pháo binh. Trong đó, Đội nữ pháo binh Cái Nước là nổi bật nhất và người phụ trách chung thời điểm đó là cô Bé Hai, Trung đội trưởng, người trong ảnh vác pháo đi trước là cô Huỳnh Thị Dung, Trung Đội phó, đi sau là cô Hiền, Trung đội phó, ảnh chụp vào tháng 3/1973”.

Trong một lần lên thăm và dự khai mạc triển lãm ảnh tư liệu - nghệ thuật kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2017) và 60 năm cầm máy của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh tại Quảng trường Hùng Vương, bà Huỳnh Thị Dung, nguyên Trung đội phó Trung đội nữ pháo binh Cái Nước bày tỏ xúc động khi bắt gặp hình ảnh của mình và người đồng đội năm xưa.

“Thật sự tôi rất vui khi tìm lại được hình ảnh của chính mình năm xưa, cảm xúc không thể tả được. Tôi cảm ơn nghệ sĩ Võ An Khánh đã lưu giữ lại kỷ niệm một thời chiến đấu không thể nào quên này”, bà Dung xúc động.

Để có được những bức ảnh như “Du kích xã Phú Mỹ đuổi bắt lính ngụy ở xóm Mồ Côi”, “Đánh tàu giặc trên sông Cái Tàu”, “Xác máy bay trực thăng Mỹ bị quân ta bắn rơi ở Tân Hưng Tây”, “Du kích phóng lựu đạn vào nơi đóng quân của địch bằng giàn thun”, “Đồn Mà Ca bị quân giải phóng tiêu diệt đêm 10/5/1972”…, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh cho biết, nhiều lần ông suýt mất mạng, có lần bị ngất xỉu ngay khi chụp ảnh vì những “cơn mưa” đạn pháo của giặc bắn từ máy bay xuống.

Viết “giao hưởng” bằng ảnh

img

Trạm Quân y dã chiến, chụp năm 1970

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tạ Hoàng Nguyên chia sẻ: Nghệ sĩ Võ An Khánh được nhiều người ví như “người ghi lịch sử bằng hình ảnh”. Với những bức ảnh ông lưu giữ được, đó không chỉ là tư liệu quý giá mà còn là những gì đẹp nhất về con người và sự nghiệp của một nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành.

Từng xem triển ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh tại TP HCM, nhà nghiên cứu Bùi Minh Sơn nhận xét: “Quê hương nhìn qua ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh có nhiều cung bậc.

Cung bậc cao vút, mạnh mẽ của một thời hào hùng đấu tranh; cung bậc sâu thẳm của lòng nhân ái, của tình đồng đội; cung bậc chững chạc tự tin của giai đoạn xây dựng Tổ quốc… Thật hiếm ai bằng nhiếp ảnh mà viết lên một bản giao hưởng thật phong phú và tuyệt vời đến như thế!”.

Nhà văn Sơn Nam cũng đánh giá, những bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh là lời nhắc nhở lòng yêu nước, sự hy sinh của các bậc tiền nhân cho các thế hệ mai sau noi theo.

Dẫu vậy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh vẫn rất khiêm tốn khi ông tâm sự: “Tôi trở thành một nhà báo, một nghệ sĩ là nhờ vào ơn Đảng. Bởi Đảng đã giáo dục cho tôi lòng tin và sức sống mãnh liệt. Kế đến là nhờ sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào, người thân giúp tôi có động lực mạnh mẽ, tinh thần chiến đấu lạc quan”.

Gửi gắm đến những nhà báo thế hệ hôm nay, ông chia sẻ: “Khi viết một vấn đề gì đó hãy suy nghĩ thật kỹ, câu từ đưa ra phải trong sáng, hướng đến những điều tốt đẹp, cái hay để quần chúng học tập. Nghề báo đòi hỏi nhà báo phải có cái tâm trong sáng, khách quan”.

lTừ tháng 6/1961 - 6/1969, Võ An Khánh được phân công về công tác tại Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau, làm tổ trưởng tổ nhiếp ảnh. Tiếp đó, ông công tác tại Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam bộ, giữ chức Phó trưởng Phòng Nhiếp ảnh. Từ năm 1975 - 1990, ông công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Minh Hải, làm đến Phó trưởng Ty (Phó Giám đốc Sở); Trưởng Ban Biên tập Báo Đất Mũi, rồi sau đó là Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Minh Hải (nay là hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau).

Với cống hiến của mình, ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba (1997); Huân chương Kháng chiến hạng Nhất (2001); Huân chương Lao động hạng Ba (2003); Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.