Trần Thị H. (bên trái), 27 tuổi, quê Bình Thuận, đăng dòng tin bán nội tạng để cứu con khiến nhiều người xót xa - Ảnh: Kênh 14.vn |
Vụ việc người mẹ trẻ Trần Thị H. (27 tuổi) quê ở Bình Thuận rao bán tim lấy 600 triệu đồng để chữa bệnh cho cậu con trai bị bệnh tan máu bẩm sinh đã trở thành vấn đề “nóng” trên mạng xã hội và cả báo chí nhiều ngày qua, nhất là khi chị cho biết, đã có người hỏi mua tim của mình.
Rất nhiều người đã cảm động trước tình mẫu tử, nhất là khi chị H. cho biết: “Ghép tế bào gốc ở thời điểm này với cháu bé, khả năng thành công sẽ cao hơn rất nhiều”.
|
Câu chuyên chỉ tạm lắng sau khi GS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, nơi điều trị trực tiếp cho cháu bé, thông báo bệnh tình của cháu bé “dù có 6 tỷ đồng cũng không thể ghép tế bào gốc vào thời điểm này”. Các chuyên gia cũng cho biết, chuyện hiến tim lúc sống là phi khoa học và việc mua bán tạng là vi phạm pháp luật.
Thực ra, câu chuyện này sẽ không “nóng” đến thế nếu người đọc (nhất là những người viết báo về chị H.) tỉnh táo một chút để có sự phản biện cần thiết. Các tình tiết của câu chuyện đều liên quan đến khoa học và luật pháp, rất cần phải kiểm chứng. Tình trạng bệnh của cháu bé có đúng phải xử lý ngay thời điểm này như chị H. nói, đến mức chị phải rao bán tim không? Người hỏi mua quả tim 600 triệu đồng mà không cần biết nhóm máu của chị H. có đáng tin không?...
Tất cả những điều này, một người viết có kinh nghiệm sẽ đặt ra để giải đáp bằng ý kiến của các chuyên gia ở lĩnh vực huyết học, ghép tạng, pháp chế… chứ không phải để mạng xã hội chi phối, để rồi lại dẫn dắt bạn đọc bằng sự mù mờ về kiến thức lẫn thiếu trách nhiệm của người viết.
Người Việt vốn giàu tình cảm, nhiều người thậm chí rất cảm tính. Vì thế, hễ thấy thông tin về hoàn cảnh thương tâm, nhất là về tình mẫu tử là động lòng, không cần biết thật hay giả. Để rồi like, comment, share, gửi tiền ủng hộ và cả kêu gọi mọi người giúp đỡ, cho đến khi sự thật được phơi bày. Chính sự dễ dàng đặt niềm tin vào các thông tin không kiểm chứng đã tạo nên “hội chứng” mất niềm tin vào mạng xã hội. Nhiều người than thở trên facebook của chính mình “xã hội giờ chẳng còn biết tin ai”.
Tuy nhiên, chẳng có gì phải sốc hay tuyệt vọng, mất niềm tin vào mọi thứ chỉ vì những điều như thế. Trước một thông tin giật gân, cần cân nhắc, tự phản biện. Giữa một “biển” thông tin và “rừng” facebook, thì khôn ngoan nhất là chỉ đọc những nguồn khả tín, thay vì đọc bất cứ cái gì thấy và tin bất cứ ai.
Trên mạng cũng giống như ngoài đời. Có người nói thật, có người thích vống lên, thậm chí bịa đặt. Vì thế, thông tin lan truyền trên mạng đều có thể được làm giả và được chia sẻ với tốc độ “khủng” trước khi bị bóc mẽ, như bịa đặt phát ngôn về Hoàng Sa - Trường Sa của GS. Nguyễn Quang Ngọc cho đến khi ông lên tiếng; Hay bức ảnh một người hút shisha bị ngứa da, mọc bong bóng nước nằm chờ chết thực ra là một người chết vì nhồi máu cơ tim tại Campuchia…
Tin giả đang là vấn đề của thời đại, chứ không chỉ của mạng xã hội ở Việt Nam. Nhưng đáng buồn là không chỉ người đọc, mà còn có nhiều người làm báo cũng ngây thơ lẫn cẩu thả khi tin tưởng mạng xã hội, thay vì kiểm chứng theo nguyên tắc “double check”, tức là phải có ít nhất hai nguồn độc lập xác nhận. Nếu người viết và người đọc cùng có sự tỉnh táo cần thiết, thì mạng xã hội vẫn là một nguồn thông tin để tiếp nhận, mà không bị thất vọng, hoang mang.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận