Mua trước trả tiền sau lên tới 18,5 tỷ đô la
Công ty dữ liệu Adobe Analytics ước tính, người tiêu dùng Mỹ sẽ chi tiêu kỷ lục 18,5 tỷ đô la (Mỹ) với hình thức mua trước, trả tiền sau (BNPL) thông qua thanh toán trung gian cho các giao dịch từ nay đến cuối năm.
Adobe dự báo số công dân Mỹ mang nợ ngày càng nhiều hơn. Hình thức mua trước, trả sau có thể tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các dịch vụ BNPL cho phép người tiêu dùng tăng sức mua bằng cách thanh toán theo đợt, có thể kéo dài tới 36 tháng. Hình thức trả tiền phổ biến nhất chia làm 4 đợt.
Theo Adobe Analytics, mức tăng trong chi tiêu theo hình thức mua trước, trả tiền sau có thể chiếm hơn 8,4% tổng chi tiêu vào khoảng 240,8 tỷ đô la trong kỳ mua sắm lễ hội sắp tới (từ 1/11 đến 31/12).
Điều đó có nghĩa các công ty thanh toán trung gian như Klarna, Afterpay và Affirm sắp bước vào "mùa làm ăn". Họ là những doanh nghiệp chiếm nhiều thị phần thẻ ghi nợ và các hình thức thanh toán khác.
Vào dịp lễ, người tiêu dùng thường sử dụng BNPL mua sắm các sản phẩm điện tử và làm đẹp. Dù vậy, việc một số khách hàng dùng thẻ tín dụng để trả góp cho BNPL khiến khoản nợ của họ ngày càng lớn hơn.
Bà Delicia Hand, giám đốc cấp cao tại Consumer Reports cho biết, những khách hàng mua sắm sử dụng thẻ tín dụng để trả BNPL có nguy cơ rơi vào vòng xoáy nợ nần. "Nếu số dư thẻ tín dụng không đủ, họ sẽ phải chịu thêm lãi suất trả chậm. Ngoài ra, họ còn phải trả thêm lãi suất cho bất cứ giao dịch BNLP phát sinh", bà Hand giải thích.
Nợ xấu gần 5%
Theo dữ liệu từ Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang, tỷ lệ xóa nợ ròng của các tổ chức cho vay tại Hoa Kỳ đối với thẻ tín dụng, hoặc các khoản nợ khó đòi, đã tăng lên 4,82% trong quý II. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2011.
Một cuộc khảo sát hồi tháng 8 của Ngân hàng dự trữ Liên bang New York cho thấy, có tới 13,6% người tiêu dùng không có đủ khả năng tất toán khoản nợ trong vòng 3 tháng tiếp theo. Đó là tỷ lệ cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Con số này chiếm 19,5% đối với những người có thu nhập hàng năm dưới 50.000 đô la.
Theo Hiệp hội Công nghệ Tài chính (FTA) - nơi nhiều công ty trung gian thanh toán là thành viên - gần 10% giao dịch BNPL thực hiện bằng thẻ tín dụng và thanh toán bù trừ tự động. Các thành viên của FTA cho biết, tỷ lệ chậm trả nợ đối với các giao dịch BNPL chiếm 2%.
Affirm dự báo người tiêu dùng sẽ săn lùng các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính xách tay và tai nghe vào các dịp lễ. Các dịch vụ làm đẹp cũng sẽ là danh mục hàng đầu đối với những người dùng phương thức BNPL.
Affirm cho phép khách hàng thực hiện thanh toán 4 lần mua hàng và trả bằng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, họ không chấp nhận thanh toán tín dụng đối với hầu hết các khoản vay.
"Nhìn chung, tôi không nghĩ rằng việc hoàn trả tín dụng bằng tín dụng là điều tốt", giám đốc điều hành Affirm, Michael Linford cho biết.
Hồi tháng 5, Cục Bảo vệ Tài chính người tiêu dùng Hoa Kỳ đã ban hành một quy tắc với các bên cho vay BNPL. Quy định này buộc các công ty BNPL phải điều tra các tranh chấp của người tiêu dùng. Phải hoàn lại tiền cho các sản phẩm trả lại và cung cấp các báo cáo thanh toán định kỳ.
(Theo Reuters)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận