Âm nhạc

Người nhạc sĩ “chân trần” của buôn làng Tây Nguyên

22/06/2022, 16:54

Nhạc sĩ Y Phôn Ksơr trở về với đời thường kể về mạch nguồn cảm xúc, viết nên những ca khúc nổi tiếng: Đôi chân trần, Đi tìm nữ thần mặt trời,...

Sau những năm tháng trên ánh đèn sân khấu, đưa lời ca tiếng hát của núi rừng Tây Nguyên đi khắp nơi, nhạc sĩ Y Phôn Ksơr trở về với đời thường, bình dị kể về những mạch nguồn cảm xúc viết nên những ca khúc nổi tiếng: Đôi chân trần, Đi tìm nữ thần mặt trời, Chiếc gùi,…

img

Người nhạc sĩ già Y Phôn Ksơr.

Nốt nhạc từ đời sống

Ấn tượng đầu tiên về người nhạc sĩ già Y Phôn Ksơr với dáng người nhỏ nhắn, da đen với mái tóc dài “nghệ sĩ”. Sau gần 1 năm nghỉ hưu, nhạc sĩ Y Phôn vẫn mang trong mình niềm đam mê ca hát, “vác” đàn ghi-ta đi khắp nơi biểu diễn, có khi thì sân khấu hoành tráng, có khi lại là những tiệc liên hoan đơn sơ của những du khách đến với Đắk Lắk.

Ngồi đối diện tôi, bắt được mạch tâm sự, nhạc sĩ Y Phôn say sưa nói về những sản phẩm âm nhạc của mình, ông chia sẽ: “Trong sự nghiệp, mình sáng tác không nhiều và những ca khúc nổi tiếng ra đời rất ngẫu nhiên, giữa mạch nguồn cảm xúc của cuộc sống người đồng bào Ê đê như: hình dáng người cha, người chị, những vật dụng trong cuộc sống thường nhật của người đồng bào. Và các ca khúc “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Đôi chân trần”, “Chiếc gùi”, “Chung dòng sữa mẹ”,… ra đời từ đó”.

Nhạc sĩ già kể, ca khúc “Chiếc gùi” ông không viết để nổi tiếng, mà bài hát viết tặng chị gái. Vào một ngày trở về thăm nhà, cảm xúc về người chị thời thơ ấu lại ùa về, với hình ảnh chị được mẹ cõng trên chiếc gùi, đi lên rẫy, xuống bến lấy nước. Đến khi lớn lên và tận bây giờ chị vẫn lưu giữ và treo chiếc gùi trên bếp nhà sàn, khi nhìn thấy chiếc gùi đã khởi dậy trong ông cảm xúc viết lên bài hát.

Để có được những bài hát rất “đời thường mộng mỵ” đó, Y Phôn có một “tuổi thơ dữ dội” theo chân cha mẹ với tiếng cồng, tiếng chiên đi khắp buôn làng Tây Nguyên.

“Từ ngữ của mẹ được lấy ra từ thần thoại, huyền thoại, từ lễ hội, từ con nhím, con chồn,… mạch nguồn từ cây cỏ, từ thiên nhiên nên ảnh hưởng rất lớn đến ca từ trong sự nghiệp sáng tác, ca khúc của tôi. Tôi thừa hưởng nhiều từ bố mẹ, lời hát của tôi từ bé được mẹ chỉnh nhiều”, nhạc sĩ Y Phôn tâm sự

Y Phôn kể, ông là người con thứ 5 trong gia đình có 8 anh chị em, sinh sống ở buôn Dliê Yang (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk). Mẹ anh là nghệ nhân thổi đing puốt (sáo lúa) rất hay trong buôn, còn bố là tay tông k'nah (chơi chiêng) có tiếng trong vùng, đặc biệt là khả năng thẩm âm cồng chiêng tài tình.

Thừa hưởng “gen” âm nhạc từ bố mẹ, lên bảy tuổi, Y Phôn đã chơi đàn goong (tre) sáu dây thuần thục. Lên tám tuổi được tiếp xúc cồng chiêng và năm 11 tuổi bắt đầu theo cha biểu diễn cùng dàn cồng chiêng của buôn, khắp trong vùng.

Nhìn thấy con trai có năng khiếp âm nhạc, lại chịu khó học hỏi nên gia đình động viên Y Phôn đi theo con đường học nhạc. Năm 1983, Y Phôn bước chân vào giảng đường, thực hiện ước mơ ca hát của mình. Y Phôn trở thành sinh viên khóa đầu tiên của trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk.

Vừa đi hát, vừa viết nhạc

Sau 3 năm theo học phân môn sáng tác nhạc, Y Phôn trở về quê và làm việc tại phòng Văn hóa huyện Ea H’leo. Năm 1992, khi tham dự trại sáng tác âm nhạc khu vực Tây Nguyên, tại đây Y Phôn như “cá gặp nước”.

img

Nhạc sĩ Y Phôn làm say đắm lòng người với những ca khúc về núi rừng Tây Nguyên.

Ông sáng tác ca khúc đầu tay “Chim Phí bay về cội nguồn” và bài hát được cố nghệ sĩ Y Moan biểu diễn thành công, nổi tiếng. Năm 1993, Y Phôn được đưa về đoàn ca múa nhạc Đắk Lắk. Thời điểm đó, cuộc sống khó khăn, Y Phôn ở đoàn ca múa vừa đi hát, vừa viết nhạc.

Với tính cách ham học hỏi, những năm 1994, Y Phôn vừa đi hát, vừa sáng tác nhưng kiến thức chưa chuyên sâu, đến năm 2004 anh sắp xếp công việc, vợ con ra Hà Nội học lên Đại học. Đến năm 2008, Y Phôn ra trường, trở về tiếp tục làm ở đoàn ca múa nhạc Đắk Lắk.

Trong sự nghiệp sáng tác, bài hát làm nên tên tuổi của Y Phôn, chính là “Đôi chân trần”, một bài hát được ông viết “thần tốc”. Y Phôn kể: “Trong một chuyến đi huyện Krông Na với nhạc sĩ Y Moan, ca sĩ Y J’ack, trên đường về ông nhìn thấy hình ảnh một ông già đi chân trần, đang bước trên đường, trên người lấm lem than đen, dáng người bước đi rất khắc khổ khiến tôi nhớ đến bố.

Hình ảnh đó, trên suốt đường về tất cả các ca từ đã “nạp” trong đầu, về tới phòng làm việc ở đoàn ca múa, tôi vào phòng lấy ra tờ giấy cây bút ghi lại câu đầu “Tôi muốn quên đi tháng với ngày, cha đi lượm quả ngọt rừng cho con đỡ đói qua đêm…”.

Tự nhiên thấy nước mắt rơi, làm ướt cả trang giấy. Cứ thế tôi viết tiếp câu thứ hai, cảm xúc cứ thế dân trào, đến câu cuối cùng “…cha đi giữa rừng hoang vu, lưng cha thì đội nắng ghềnh, ôi tóc bạc tựa trăng soi, cả một đời và cả cuộc đời, đôi chân trần…”. Tôi viết xong, cả tờ giấy ướt nhẹm đi”.

“Đôi chân trần”, tôi chỉ viết theo cảm xúc của mình với người bố, viết với một sự vô tư về người bố của mình. Thở bé, tôi gắn bó với bố, việc lớn việc nhỏ đều có bàn tay bố. Người Tây Nguyên theo mẫu hệ nên người đàn ông rất thiệt thòi, kiếm sống, nuôi nấng con cái vẫn là người đàn ông nhưng quyền lực của người mẹ. Chính vì vậy, trong buổi chiều nhìn thấy hình ảnh ông già thì hình ảnh người bố lại hiện lên trong suy nghĩ của tôi để viết lên ca khúc ấy”, Y Phôn bộc bạch

Ước mơ của người nhạc sĩ già

Y Phôn kể: “Thời gian làm việc ở đoàn ca múa lương rất thấp, anh em không đủ sống nên vừa đi hát, vừa đi làm ngoài kiếm thêm. Thu nhập thấp nhưng vì đam mê với lời ca tiếng hay nên cố gắng bươm chải để sống với đam mê của mình.

Cuộc sống khó khăn nhiều lần muốn nghỉ nhưng vì đam mê, muốn nghỉ không nghỉ được, nghề nghiệp cứ thôi thúc, như mình đang mắc nợ một cái gì đó với đời, không thể bỏ nghề được. Sau gần một năm về hưu, tôi vẫn lang thang đi hát, đi biểu diễn khắp nơi”.

“Sáng tác một bài hát, ca từ nào đó, rất vất vả. Trong sáng tác tiếng mẹ đẻ chưa đầy đủ, ca từ tiếng phổ thông khó khăn. Tôi tự tìm lối thoát và đến với văn hóa đọc để tích lũy ca từ, học ở nhà thơ, nhà văn, và nhà báo,… Từ sự học không nản lòng, đã “nạp” cho tôi nhiều kiến thức, đọc nhiều, hiểu thêm văn hóa để dung dưỡng ca từ trong sáng tác”, nhạc sĩ già chia sẽ

Nhạc sĩ Y Phôn trải lòng: “Thời gian rồi sẽ qua đi, tôi mong muốn lưu giữ được những bản nhạc mang đậm chất núi rừng Tây Nguyên. Trong lúc còn cảm xúc, mong một ngày nào đó, tôi sẽ chế tác lại những nhạc cụ bộ dây để thế hệ trẻ người Ê đê lưu giữ.

Đến bây giờ tôi vẫn đang ấp ủ, làm một tập sách về tất cả các nhạc cụ về các bộ như: bộ hơi, bộ gõ, bộ dây,… cho thế hệ mai sau. Bỡi vì, ngày nay con cháu tốt nghiệp Đại học, đi tìm tài liệu rất khó, không có một tài liệu tham khảo. Hiện nay, không nhìn thấy được nhạc cụ đó như thế nào, tính năng nó như thế nào, ai là người sử dụng là một thiệt thòi”.

Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk nhìn nhận: “Nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Y Phôn K’Sơr, từ nhỏ anh đã chơi đàn goong thuần thục, theo cha biểu diễn cồng chiêng khắp các buôn làng. Lúc công tác ở đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk, Y Phôn đã sáng tác nhiều ca khúc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống Ê Đê, tên tuổi anh được nhiều người biết đến. Đặc biệt lớp trẻ rất say mê với các ca khúc của anh, có thể kể đến như: Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời, Đôi chân trần, Chim phí bay về cội nguồn…

Y Phôn K’Sơr rất chân chất, thật thà, mộc mạc, tha thiết. Những nét tính cách đó đã được thể hiện trong âm nhạc, đi vào ca từ, làm cho những sáng tác của anh thật sự đi vào lòng người. Không chỉ bà con dân tộc tại buôn làng, hay giới trẻ nói riêng mà kể cả người hâm một trong cả nước đều yêu mến”.

“Với nhiều người yêu nhạc, Y Phôn đích thực là nhạc sĩ của núi rừng Tây Nguyên. Bởi chỉ khi đủ yêu thương và đủ đau với một vùng đất nào đó, người nghệ sĩ mới nói lên được tiếng nói của một cộng đồng, một xứ sở. Tất cả những điều đó làm nên một Y Phôn trong trái tim nhiều người, là “chim phí của đại ngàn”, là niềm tự hào của Đắk Lắk”, ông Hà chia sẻ trong niềm vui sướng

Trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật, nhạc sĩ Y Phôn Ksơr, luôn tâm huyết với nghề, các tác phẩm mà bản thân ông sáng tác và thể hiện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng như: Đôi chân trần, Đi tìm lời ru Mặt Trời, Chim phí bay về cội nguồn, Tăk tar đêm trăng.

Năm 2019, ông được trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”. Ngoài ra còn có các danh hiệu khác như: Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bằng chứng nhận Huy chương Vàng “Tác phẩm Đi tìm Lời ru Nữ thần mặt trời”, Bằng chứng nhận Huy chương Vàng Tác phẩm: Độc tấu Ching Kram,…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.