Anh A và chị B hai ngày nay đau đầu vì dịch Covid-19.
Anh A làm Phòng tổ chức nhân sự của một trường đại học. Nhờ vả khắp nơi mới mua đủ cặp nhiệt độ để kiểm soát thân nhiệt sinh viên. Cả trường có 20 cái, dùng 15 cái, 5 cái để dự phòng, mà cũng hỏng liên tục.
Đầu giờ, 5 người đứng dàn hàng ngang ở cổng trường đo nhiệt độ cho sinh viên. Không sốt mới được vào học. Dãy xếp hàng kéo dài lê thê trong sự mỏi mệt của cả học sinh lẫn thày cô. Không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ, anh A than thở.
Chị B thì suốt ngày phải đi đến từng khách sạn, hộ dân để hỏi thăm, lấy số liệu về hành trình đi lại của khách du lịch, những người trong diện có nguy cơ lây nhiễm. Bảo chủ động trình báo nếu từng đến các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm nhưng không ít người sợ phiền hà liên lụy, sợ bị cách ly nên lờ đi khiến chúng tôi quá vất vả.
Có người thuộc diện cách ly tại nhà nhưng lại đi ăn cưới, rồi lãnh đạo xã, trưởng trạm y tế xã bị kỷ luật. Bài học sờ sờ trước mắt nên thôi, cứ phải đến hỏi tận nơi, phải giám sát thật chặt chứ chả mong người ta tự giác, chị B thở dài.
Giờ chống dịch như chống giặc, lại phải nhờ tai mắt nhân dân. Thế là toàn dân cảnh giác, thấy chỗ nào, thấy ai có nguy cơ lây nhiễm thì báo cho chính quyền. Ai không tự giác cách ly thì cưỡng chế.
Ca nhiễm Covid thứ 17 tối qua là ví dụ, không tự giác khai báo khi thấy có dấu hiệu, đi khám không thông báo cho cơ sở y tế mà đến bệnh viện tư khiến nguy cơ lây nhiễm cao cho mấy chục người. Cả Hà Nội sáng nay siêu thị cháy hàng, người người đi mua tích trữ như thời chiến.
“Khổ nỗi, đều là bà con ta cả, Covid là "giặc" chứ người nhiễm có phải "giặc" đâu mà cũng phải chống đỡ thế này. Chỉ cần mọi người tự giác là chống dịch đỡ vất lắm rồi. Sinh viên, người lao động sốt thì ở nhà, có dấu hiệu thì tự cách ly, người có nguy cơ lây nhiễm cao, khi sốt đi khám thì báo cho đường dây nóng để bệnh viện chuẩn bị trước, trên mạng hướng dẫn rất cụ thể rồi đấy. Chỉ cần thế thôi”, chị B tâm sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận