Trang Ettoday đưa tin, một phụ nữ họ Trần (38 tuổi) ở Đài Trung, Đài Loan trước đây chưa từng có tiền sử bệnh tật gì. Tuy nhiên, cô thỉnh thoảng có uống một loại thuốc chống lo âu, do căng thẳng và mất ngủ kéo dài.
Một ngày nọ, cô không thể thức dậy, gia đình nghĩ rằng có lẽ do cô uống thuốc an thần quá liều. Cô nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Ảnh minh họa.
Tại Bệnh viện Taichung, Đài Trung, qua xét nghiệm máu, các bác sĩ thấy chỉ số đường huyết của cô Trần cực thấp, mặc dù tiêm glucose nhưng vẫn không hiệu quả.
Sau khi chụp MRI não, bác sĩ phát hiện não có vấn đề, khiến bệnh nhân suy giảm khả năng nhận thức và vận động. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng cô vẫn không thể tự chăm sóc bản thân.
Bác sĩ khoa Thần kinh Lâm Tử Tịnh tại đây cho biết, bệnh nhân có thân hình bình thường, không có tiền sử bị tiểu đường, nhưng đang mắc viêm phổi. Chính tình trạng nhiễm trùng đã khiến lượng đường trong máu giảm, dẫn tới tổn thương não.
Những nghiên cứu cho thấy, người bị hạ đường huyết nhẹ thường có các triệu chứng như chóng mặt, đổ mồ hôi ban đêm, tim đập nhanh và run rẩy. Trong trường hợp nghiêm trọng, họ có thể bị co giật, hôn mê, sốc phản vệ..., có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, mất ý thức, đột quỵ tim hoặc các bệnh về não.
Bác sĩ Lâm cho biết, có một số ít bệnh nhân không mắc bệnh tiểu đường, nhưng do bị nhiễm trùng cấp tính, chấn thương hoặc uống nhiều rượu bia khi đói, kết hợp với chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc bị tiêu chảy dẫn đến hạ đường huyết. Nếu bổ sung đường kịp thời, triệu chứng bệnh sẽ thuyên giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, tình trạng hạ đường huyết nếu không được cải thiện kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chức năng não bộ, gây ra hàng loạt các biểu hiện bất thường về thần kinh, thậm chí có thể dẫn đến rối loạn ý thức nghiêm trọng như hôn mê.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận