Chất lượng sống

Người ra đi để lại ánh sáng cho đời

21/10/2018, 07:53

Sáng 18/10, lễ tôn vinh những người hiến giác mạc đã diễn ra tại mảnh đất Kim Sơn, Ninh Bình...

16

Bà Ngô Thị Thắng (phải) trò chuyện với PV Báo Giao thông

Khi vợ vận động chồng hiến giác mạc

Những giọt nước mắt lại rơi trên khuôn mặt phúc hậu của người phụ nữ đậm chất thôn quê Ngô Thị Thắng (trú tại thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn) trong lễ tôn vinh những người hiến giác mạc năm 2018. Theo bà Thắng, hôm nay vừa tròn 100 ngày chồng bà ra đi. “Ông thanh thản lên thiên đường, về với Chúa, sau khi đã thực hiện việc nhân ái, dành lại đôi giác mạc mang nguồn sáng cho người kém may mắn khác”, bà chia sẻ.

Theo bà Thắng, chồng bà phát hiện căn bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn muộn, di căn và sự sống mong manh khi bác sĩ cũng lắc đầu vì đã áp dụng đủ các biện pháp điều trị cần thiết. Trong những ngày cuối của cuộc đời, bà chính là người vận động chồng hiến đôi giác mạc cứu người. “Cũng có lúc ông ý giao động vì lời ra lời vào “mất rồi hiến đi giác mạc thì sao biết đường mà về”, nhưng tôi vẫn luôn nói với ông ấy rằng “chết là hết, linh hồn thì về bên Chúa, còn thể xác thì thành cát bụi. Vậy cớ gì không sống có ích thì chết cũng có ích cho đời khi tặng đôi giác mạc ấy cho người cần nó. Chính những giây phút cuối cùng, ông đồng ý hiến. Và giờ đây, khi chồng tôi đã mất nhưng tôi luôn tin rằng, đôi mắt ấy vẫn được ngắm nhìn cuộc đời này”, bà tâm sự.

"Hiến tặng giác mạc sau khi qua đời là hoạt động nhân đạo, mới phát triển những năm gần đây, những vẫn hiếm bởi nhiều người dân chưa hiểu rõ về hoạt động hiến tặng giác mạc, bên cạnh đó còn gặp nhiều trở ngại lớn từ quan niệm người dân, rào cản do tập tục, tín ngưỡng...”.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng
Giám đốc Ngân hàng Mắt
BV Mắt T.Ư

Nhắc đến cậu con trai mới giã từ cuộc sống khi mới 26 tuổi, đôi vai bà Phan Thị Xuyến (trú tại Văn Hải, Kim Sơn, Ninh Bình) khe khẽ rung lên, đôi mắt lại nhòe lệ. Câu chuyện về cậu con trai út, vốn thiếu sự chăm sóc của cha từ thuở lên 3, nhưng sống tình cảm, giàu lòng thương người lại khiến bà Xuyến nghẹn lời. Bà cho hay, cậu con trai Phạm Quang Phúc phát bệnh u mạch thể hang não khá bất ngờ khi đang là tài xế, kiếm tiền trợ giúp anh trai mình học đại học ở TP HCM. Căn bệnh khiến thanh niên sức vóc như Phúc đổ gục. Trải qua 7 tháng điều trị ở nhiều bệnh viện lớn như: Chợ Rẫy, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư rồi Bạch Mai, cuối cùng gia đình phải chấp nhận sự thật đau đớn, không thể cứu sống được Phúc. “Thế nhưng, dù bệnh tật nhưng chưa khi nào tôi thấy thằng bé bi quan cả. Suốt thời gian nằm viện, gặp bao cảnh đời khốn khó hơn, bao người bệnh chờ đợi cơ hội ghép tạng để được sống, thằng bé vẫn tâm sự với tôi rằng: Nếu có chết, con muốn hiến cơ thể mình để cứu người mẹ ạ”, bà Xuyến đau đáu khi nhắc lại câu chuyện.

Và rồi khi bệnh viện trả về, di nguyện hiến tạng của Phúc được thực hiện một phần là được hiến đi đôi giác mạc. “Thằng bé sẽ thật vui vì cả đến khi không còn trên cõi đời này, nó vẫn là một người có ích cho xã hội. Chỉ nghĩ đến điều đó thôi, đã giúp tôi mạnh mẽ trụ vững trước bao lời bàn tán tôi bán giác mạc của con để lấy tiền. Nếu sau này có nằm xuống tôi cũng sẽ làm như thằng Phúc, sẽ hiến đi đôi giác mạc để mang lại ánh sáng cho người cần”, bà Xuyến tâm sự.

Tính từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn huyện Kim Sơn, Ninh Bình đã có 279 người hiến tặng giác mạc. Theo ông Mai Văn Trường, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ huyện Kim Sơn, đến giờ phong trào đăng ký hiến tặng giác mạc đã đến với từng gia đình, người dân ở đây. “Mỗi người con Kim Sơn đều tâm niệm một điều, “cho đi là còn mãi”, giúp ích cho đời ngay cả khi nằm xuống thì còn gì ý nghĩa bằng nữa”, ông Trường cho hay.

Mỗi năm thêm 15 nghìn người chờ được hiến giác mạc

Sau 6 năm được các bác sĩ BV Mắt T.Ư ghép giác mạc từ nguồn hiến tặng cho bên mắt phải thành công, anh Phạm Đức Thịnh (33 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn còn giữ nguyên xúc động như ngày đầu anh thực sự “được nhìn rõ ràng mọi thứ”. Theo lời anh Thịnh, anh bị loạn dưỡng giác mạc bẩm sinh cả hai mắt. Năm 2012, khi đang tuổi 27 sung sức nhất thì thị lực kém đi nhanh chóng, chỉ đạt 1/10. “Lúc đó cảm giác về tương lai mù mịt bất định vì bác sĩ chỉ định để nhìn được chỉ có cách duy nhất là ghép giác mạc”, anh Thịnh chia sẻ.

Nghe theo lời khuyên của bác sĩ điều trị, anh Thịnh đăng ký và được ưu tiên đưa vào danh sách chờ giác mạc hiến tặng để ghép. Sau chừng 7-8 tháng, anh may mắn được ghép giác mạc bên phải. “Ngày chính thức được tháo chỉ, cảm giác thật kỳ diệu, khôn tả. Thật lòng, điều đầu tiên sau khi tìm lại được nguồn sáng, tôi chỉ mong muốn được tri ân đến gia đình, người đã hiến giác mạc cho mình nhưng không thể. Vì vậy, tôi đã vận động người thân trong gia đình, bạn bè hiến giác mạc sau khi mất để cứu vớt ánh sáng cho người khác chính là một nghĩa cử cao đẹp. Có lẽ đây cũng là một cách để tôi tri ân đến những người đã tình nguyện hiến giác mạc”, anh Thịnh chia sẻ.

Cũng như anh Thịnh, bà Trần Thị Hạnh (Bắc Giang) bị mắc căn bệnh sẹo giác mạc từ khi còn trẻ. Thị lực mờ dần đến năm 50 tuổi, bà bị mù hoàn toàn và cuộc sống của bà buộc phải dựa vào người thân. Được chỉ định ghép giác mạc từ nguồn hiến tặng, ca ghép thành công giúp bà Hạnh nhìn rõ khuôn mặt người thân và được tự tay chăm sóc đứa cháu ngoại mới sinh. “Tôi may mắn nhận được giác mạc thì sau này cũng sẽ hiến tặng lại cho một người khác nếu mình qua đời”, bà Hạnh chia sẻ.

Ông Phạm Ngọc Đông, Phó giám đốc BV Mắt T.Ư cho hay, từ điểm sáng phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn, Ninh Bình đã được nhân dân các địa phương khác hưởng ứng, lan rộng trên toàn quốc, ngày càng nhiều địa phương có người hiến tặng giác mạc như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Bình, Bắc Ninh. Hơn 10 năm qua (2007-2018), cả nước có trên 35.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 494 người tặng giác mạc sau khi qua đời của 15 tỉnh, thành trong cả nước. Chỉ tính riêng Ninh Bình đã có 289 người hiến giác mạc. Từ nguồn hiến này, BV Mắt T.Ư ghép cho hàng trăm bệnh nhân bị mù do các bệnh lý giác mạc giúp họ tìm lại được ánh sáng.

“Hiện nay, ở nước ta đang có hàng nghìn người còn phải sống trong cảnh mù loà do các bệnh lý giác mạc gây ra và mỗi năm số người bị mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15 nghìn người. Những người không may mắn đó sẽ phải sống trong cảnh mù lòa nếu không có giác mạc thay thế, khi đó họ sẽ phải sống trong cảnh tăm tối không nhìn thấy ánh sáng và trở thành gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội”, ông Đông cho hay.

Cũng theo ông Đông, phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất trên thế giới hiện nay mang lại ánh sáng cho người mù do bệnh lý giác mạc. Theo ước tính, Việt Nam hiện có trên 200.000 người mù do bệnh lý giác mạc cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tại BV Mắt T.Ư, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1.000 người, con số này ngày càng tăng lên theo thời gian. Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo hơn nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế, vậy nên hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.