Chi tiết vô lý, dàn trải và gây ức chế
Bộ phim Người vợ cuối cùng lấy cảm hứng từ tiểu thuyết trinh thám tâm linh Hồ oán hận của nhà văn Hồng Thái. Vì là lấy cảm hứng nên đạo diễn Victor Vũ chỉ chú trọng yếu tố trinh thám, bỏ qua yếu tố tâm linh. Thay vào đó anh tập trung vào yếu tố tình yêu. Tại bài viết này sẽ có nhiều chi tiết nội dung phim.
Câu chuyện mở ra từ lời kể của nhân vật nữ chính tên Linh (Kaity Nguyễn đóng) kể về chuyện cô phải đi làm vợ ba của quan huyện Đức Trọng (Quang Thắng đóng) để cứu người cha thoát khỏi án ăn trộm gà, để lại sau lưng mối tình với anh người yêu thanh mai trúc mã tên là Nhân (Thuận Nguyễn đóng). Nhân buồn bã, phẫn uất bỏ làng đi biệt xứ.
Sau khi lấy chồng, Linh sinh một cô con gái đặt tên là Đông Nhi và bị hành hạ nhiều bề vì không sinh được con trai. Bảy năm sau Nhân quay về làng, làm nghề bắt cua để sinh nhai. Linh đi chợ và gặp lại Nhân. Tình cảm năm xưa bùng cháy trở lại, hai người lén lút đến với nhau và từ đó bi kịch bắt đầu.
Một điểm vô lý, gia đình quan huyện giàu sang, có đến ba bà vợ nhưng lại chỉ có một cô người ở! Lính lệ thì cũng lèo tèo vài ba người. Hành động của nhân vật thì không hề ăn khớp với lời thoại.
Nhân vật Nhân thúc giục Linh phải mau mau cùng trốn đi với mình nhưng khán giả rất ức chế và thấy khó hiểu khi phim liên tục lặp lại cảnh Linh lén lút mở hộp trộm tiền nhiều lần, mỗi lần chỉ lấy có… 3 đồng xu, sau đó về nhà bố mẹ đẻ, rồi chạy sang nhà Nhân khoe tiền, cất vào hũ để dành.
Về giọng nói miền Nam bị chê không phù hợp với bối cảnh làng quê miền Bắc, đạo diễn Victor Vũ giải thích rằng chấp nhận phim có thể gây tranh cãi vì không muốn sử dụng lồng tiếng làm giảm đi hiệu ứng cảm xúc. Và chuyện vùng miền là một điều gây khó cho phim ảnh Việt Nam vì không dễ gì tìm được diễn viên nói giọng địa phương mà hợp vai với nhân vật trong phim.
Tuy nhiên, lý lẽ của Victor Vũ không thuyết phục cho lắm. Diễn viên thì hoàn toàn có thể casting để chọn người phù hợp, không nhất thiết phải phụ thuộc vào danh tiếng.
Bộ phim có rất nhiều chi tiết thừa, dàn trải, hoàn toàn không cần thiết. Chẳng hạn như khi Nhân và Linh có cảnh nóng thì đạo diễn cho tái hiện khung cảnh "đúp" tương phản đan xen. Cảnh nóng đặt bên cạnh hồi ức về tình yêu cõng nhau chạy dưới mưa, lãng mạn, sến như trong nhiều phim truyền hình Hàn Quốc.
Điểm mạnh về những cú plot twist (cú quay ngoắt) trong nhiều phim trước đó của Victor Vũ hoàn toàn mất hút ở phim Người vợ cuối cùng. Khi chuyển sang hướng trinh thám, kinh dị thì điều khán giả cần nhất là sự bí ẩn của vụ án hay sự thắc mắc ai là thủ phạm.
Nhưng với Người vợ cuối cùng, khán giả không cần mong chờ hay có nhu cầu xem đến cuối phim bởi lẽ khi tội ác diễn ra, khán giả chứng kiến luôn ai là thủ phạm, tại sao có tội ác đó và dĩ nhiên đoán luôn được cái kết.
Bộ phim thiếu đi sự hấp dẫn, thu hút khán giả bởi vì lê thê, không có điểm nhấn và cách nhìn cũ kỹ về thân phận con người. Dù Victor Vũ đã rất kỹ lưỡng trong phần hình ảnh và điều này rất đáng ghi nhận, nhưng không cứu nổi kịch bản và bộ phim nói chung chỉ có thể cho khoảng 4/10 điểm”.
Nhân vật không có sự kết nối tốt về diễn xuất, tâm lý
Lời thoại của phim đầy ngôn ngữ hiện đại kiểu teen, cùng với từ ngữ lúc miền Bắc, lúc miền Nam lộn xộn. Nhân vật nói giọng miền Nam như Nhân thì dùng từ "đồng cắc", trong khi nhân vật nói giọng miền Bắc như bà cả thì lại dùng từ "đồng xu".
Những ví dụ từ ngữ dùng lẫn lộn như vậy rất nhiều. Nhiều câu thoại chỉ có thể thấy ở tuổi trẻ thời nay như: "Cái gì? Chỉ mới nắm tay, hôn còn chưa hôn, vậy mà đã bạo miệng đòi cưới?"; "Gần chục ngày rồi. Mới đâu mà mới. Lâu quá anh chịu không nổi đâu"…
Kaity Nguyễn trong vai Linh được ưu ái dành cho nhiều thời lượng nhất phim, nhưng sự diễn xuất của cô chưa thuyết phục người xem bởi vẻ mặt kiểu trẻ con và giọng thoại rất đơ, cứng, âm sắc yếu.
Diễn viên Thuận Nguyễn thì có những biểu cảm giả trân và tạo cảm xúc khó chịu cho người xem. Theo cách xây dựng nhân vật trong phim thì Nhân rất dễ khiến người ta liên tưởng đến vai phản diện. Nào là giận dỗi vô cớ, nào là giết người dã man, chôn xác rồi lại đào xác lên, đôi khi lại ngây ngô, khờ khạo, thô lỗ.
Bản thân các nhân vật khác như Quang Thắng trong vai quan huyện thì vẫn giữ nguyên lối diễn theo kiểu Táo Quân trong Gặp nhau cuối năm, gây cười bằng lời thoại và giọng điệu. Nhân vật bà hai tuy không thật cần thiết trong mạch phim, ngoài việc đóng vai "chọc ngoáy" trong gia đình, nhưng Đinh Ngọc Diệp đã đóng đạt vai một kiểu "nhân vật chức năng" rất duyên dáng, từ giọng nói đến cử chỉ, cái liếc mắt đong đưa.
Kim Oanh trong vai bà cả tuy lối diễn không mới, chỉ đơn thuần là tâm lý một chiều trong một vai độc ác, nhưng cũng đã diễn tròn vai. Quốc Huy trong vai quan tra án Kiên có lẽ là điểm sáng diễn xuất trong phim này.
Quốc Huy diễn biểu cảm rất tốt, từ nụ cười, ánh mắt đến cái nhếch môi, phong thái đĩnh đạc, tự chủ, cho thấy một ông quan tra án thông minh, quả quyết, bắt đúng người đúng tội, nhưng hành xử cũng rất độ lượng, nhân đạo.
Nhưng các tuyến nhân vật lại khá rời rạc, thiếu đi những sự kiện, hành động mang tính liên kết để thúc đẩy mạch phim đi đến cao trào.
Điểm cộng cho âm thanh, ánh sáng, cảnh sắc
Victor Vũ rất chú trọng giới thiệu những nét văn hóa Việt trong Người vợ cuối cùng, dù đôi khi vừa thừa vừa thiếu như trong phim này. Cảnh múa rối nước lặp lại hai lần; Cảnh chợ búa ở miền quê tuy quay kỹ nhưng chiếm nhiều thời gian trong phim; Cảnh hai đứa trẻ che đầu bằng lá sen dưới trời mưa hay cõng nhau khi đã trưởng thành thì sến, cũ kỹ.
Trang phục của phim cũng là một điểm nhấn ấn tượng. Trang phục của nhân vật Linh là gam màu trầm, tối, đa phần là vải thô, tương phản với trang phục màu nóng của bà cả như có dụng ý thể hiện quyền lực. Trang sức trong phim cũng rất cầu kỳ, chi tiết kỹ lưỡng và mang ẩn ý. Bà cả đeo vòng vàng đầy cổ, trong khi Linh chỉ có một chuỗi hạt đá giản dị.
Mỗi phân đoạn phim hay cảnh quay đều có sự đầu tư từ âm thanh đến ánh sáng. Hồ Ba Bể ở Bắc Kạn và cảnh ở Ninh Bình, Lâm Đồng xuất hiện trong phim với nhiều góc quay chăm chút, hoành tráng, khiến cho khán giả có cảm giác phim quảng bá du lịch khá tốt.
Các góc máy quay rất đa dạng, từ flycam đến cận cảnh, toàn cảnh với nhiều khung hình đẹp làm mãn nhãn người xem. Thiết kế mỹ thuật và dàn dựng cũng là một điểm cộng cho phim.
Tuy vậy, những ưu điểm của phim Người vợ cuối cùng không khỏa lấp được những yếu kém khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận