Bạn cần biết

Nguy cơ bệnh sốt vàng tràn vào Việt Nam

20/05/2016, 08:08

Bộ Y tế vừa ra khuyến cáo người dân đề phòng với bệnh sốt vàng cấp tính.

13

Người lao động Việt Nam đang làm việc tại châu Phi có nguy cơ cao mắc sốt vàng

Nguy cơ lây lan từ nhiều nước có dịch

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo bệnh sốt vàng lại gia tăng tại Angola. Được biết, dịch bệnh này hiện đang lưu hành tại hơn 40 quốc gia, chủ yếu các nước ở khu vực Trung Phi và Nam Mỹ, trong đó khoảng 90% trường hợp mắc được báo cáo tại sa mạc Sahara. Trong 4 tháng đầu năm 2016, dịch sốt vàng gia tăng tại một số nước khu vực châu Phi: Công gô với 453 trường hợp mắc, 45 trường hợp tử vong, Uganda ghi nhận 30 trường hợp mắc, 7 trường hợp tử vong; Đặc biệt, hiện dịch bệnh sốt vàng đang xảy ra tại Cộng hòa Angola với 2.149 trường hợp mắc, 277 tử vong, tập trung chủ yếu tại tỉnh Luanda. Tại Trung Quốc cũng đã ghi nhận 11 trường hợp mắc bệnh sốt vàng xâm nhập, tất cả đều là các lao động trở về từ Angola.

Trước tình hình trên, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam chưa xuất hiện bệnh sốt vàng, tuy nhiên, nước ta có giao lưu, thương mại, hợp tác lao động với Angola và nhiều quốc gia đang có dịch, do đó có thể lây lan các trường hợp mắc bệnh từ nước đang có dịch vào nước ta.

Bệnh sốt vàng là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A do virus sốt vàng lây truyền qua muỗi đốt với tỷ lệ tử vong có thể đến 50%. Triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau lưng và đau cơ; khoảng 15% trường hợp mắc sốt vàng phát triển các triệu chứng nguy hiểm dẫn đến chảy máu, sốc, tổn thương nội tạng và có thể tử vong. Hiện, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, sử dụng vaccine phòng bệnh sốt vàng là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.

Ngày 19/5, trao đổi về tình trạng lao động Việt Nam tại châu Phi, bà Trần Thị Vân Hà,Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB& XH) cho biết: Lao động Việt Nam xuất khẩu lao động sang châu Phi hiện không nhiều, chỉ một số ít sang các thị trường Algeria, Mozambique, Angola làm việc trong lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp. Đặc biệt tại Angola, nơi báo động về dịch bệnh sốt vàng, bà Hà thông tin: “Số lao động đi theo hợp đồng chính thức tại Angola khoảng hơn 100 người, song tính tới giờ phút này một số đã về nước, một số lại bỏ ra ngoài cư trú bất hợp pháp nên hiện danh sách quản lý chỉ còn khoảng 30 người”. Trước đó, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng đã ban hành công văn khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải chủ động thông tin về tình hình dịch bệnh và các biên pháp phòng ngừa bệnh dịch sốt vàng và sốt rét tới người lao động đang làm việc và chuẩn bị đi làm việc tại Angola và các nước tại khu vực châu Phi. Phối hợp với đối tác và chủ sử dụng đưa người lao động đi tiêm vaccine theo hướng dẫn của chính quyền sở tại. Mặt khác, cơ quan này cũng yêu cầu các doanh nghiệp thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình người lao động đang làm việc tại các khu vực có dịch bệnh để kịp thời báo cáo cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ cần thiết.

Theo dõi sức khỏe hành khách đến từ vùng dịch

Để chủ động phòng chống, không để mắc bệnh sốt vàng khi đến các vùng có dịch, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đến từ các quốc gia khu vực châu Phi và Mỹ La tinh chủ động đến cơ sở y tế tiêm vaccine phòng bệnh sốt vàng ít nhất 10 ngày trước khi đi/đến vùng có dịch. Khi đến, ở trong vùng dịch tại các nước đang có dịch cần thực hiện các biện pháp phòng muỗi đốt và diệt muỗi, bọ gậy theo hướng dẫn của nước sở tại. Đặc biệt, hành khách từ các nước đang có dịch về Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau khi trở về; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Mặt khác, với tình hình thời tiết khắc nghiệp trong mùa hè, các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại nhiều dịch bệnh sẽ hoành hành vào mùa hè. Cụ thể, theo thông báo của Cục Y tế Dự phòng, hiện viêm não Nhật Bản và bệnh tay chân miệng đang xuất hiện rải rác ở một số địa phương, đặc biệt nguy hiểm là viêm não Nhật Bản.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu khuyến cáo, biện pháp phòng dịch bệnh trong mùa hè là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường hạn chế lây lan. Bên cạnh đó, cần giữ vệ sinh môi trường, nhà ở, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Người dân nên ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối, đề phòng muỗi đốt. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.