Bạn cần biết

Nguy cơ rửa tiền từ đồng tiền điện tử

19/12/2019, 06:13

Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) cảnh báo việc tiền điện tử sử dụng rộng rãi sẽ ảnh hưởng đến ngăn chặn các mô hình rửa tiền.

img
Nguy cơ rửa tiền từ đồng tiền điện tử

Vừa qua, lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) cảnh báo việc các đồng tiền điện tử kiểu như đồng Libra của Facebook được sử dụng rộng rãi sẽ ảnh hưởng đến những nỗ lực phát hiện và ngăn chặn các mô hình rửa tiền và đấu tranh chống tài trợ cho khủng bố.

Theo cơ quan trên, các "stablecoins" (các loại tiền điện tử cơ bản được gắn với đồng tiền truyền thống) có tính ít biến động và không phụ thuộc vào ngân hàng trung ương nào, có thể khiến công chúng chấp nhận rộng rãi và các thanh toán ngang hàng online mà không cần đến các cơ chế quản lý trung gian và do đó cản trở các nỗ lực ngăn chặn hoạt động tội phạm.

Trong bối cảnh Facebook đang thúc đẩy đồng Libra của mình vào thương mại điện tử và các thanh toán toàn cầu, cho rằng Libra sẽ mở rộng độ tiếp cận dịch vụ tài chính tại các nước đang phát triển, giảm chi phí cao và thời gian chuyển tiền lâu hiện nay, Nhóm các nước phát triển G7 (gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy) cho rằng việc sử dụng rộng rãi các loại tiền điện tử này sẽ đe dọa hệ thống tiền tệ thế giới và sự ổn định tài chính, do đó chỉ nên sử dụng những đồng tiền như Libra khi các rủi ro nêu trên được tháo gỡ.

Dự kiến sang năm 2020, FATF sẽ công bố báo cáo về "stablecoins" do bộ trưởng Tài chính và ngân hàng trung ương các nước thuộc nhóm 20 nền kinh tế G20 soạn thảo.

Trước đó (20/9), trả lời phỏng vấn tờ NZZ của Thụy Sĩ, quan chức phụ trách dự án Libra của Facebook - ông David Marcus cho biết mạng xã hội này vẫn duy trì mục tiêu giới thiệu mẫu tiền điện tử trong năm tới.

Theo ông David Marcus, trong thời gian tới, Facebook sẽ tập trung vào giải quyết các vấn đề liên quan tới Libra, với hy vọng có thể tạo ra một môi trường quy định ổn định cho đồng tiền điện tử này.

Ông cũng cho biết khó có khả năng Libra trở thành phương tiện thanh toán cho các giao dịch trên thực tế thường xuyên ở những quốc gia như Thụy Sĩ, Đức hay Pháp, song đồng tiền này có thể được sử dụng cho các vụ mua bán nhỏ trong những giao dịch xuyên biên giới. Ngoài ra, ông Marcus khẳng định dự án tiền điện tử của Facebook sẽ không đe dọa tới hệ thống tiền tệ trên thế giới, cũng như ảnh hưởng tới các vấn đề như tỷ giá.

Tuyên bố của quan chức phụ trách dự án Libra được đưa ra trong thời điểm ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới bày tỏ quan ngại về đồng tiền điện tử của Facebook. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra hồi tháng 7 vừa qua tại Pháp, các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương đã bày tỏ quan ngại sâu sắc và nhất trí hành động khẩn cấp để có thể kiểm soát đồng Libra.

Hồi tháng 6 vừa qua, Facebook tuyên bố đang triển khai đồng tiền số với tên gọi Libra nhằm tạo ra hệ thống thanh toán toàn cầu với chi phí thấp có thể hoạt động trên các thiết bị thông minh. Libra sẽ được dùng trong ví điện tử của riêng Facebook với tên gọi Calibra và các dịch vụ khác.

Calibra sẽ được kết nối qua nền tảng tin nhắn của Facebook bao gồm Messenger và WhatsApp. Facebook hy vọng tiền điện tử Libra sẽ giúp thúc đẩy giao dịch giữa các khách hàng và doanh nghiệp trên toàn cầu, đồng thời giúp những khách hàng không dùng dịch vụ ngân hàng có thể lần đầu tiên tiếp cận dịch vụ tài chính.

Theo kế hoạch, đồng tiền điện tử này sẽ được thử nghiệm cuối năm nay và đưa vào sử dụng trong nửa đầu năm 2020.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.