Thiết bị bay không người lái uy hiếp an toàn hàng không
Thời gian gần đây, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng máy bay cất hạ cánh ít nhưng tại các cảng hàng không sân bay liên tiếp ghi nhận các trường hợp uy hiếp an toàn bay từ thiết bị không người lái.
Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho hay, trong 9 tháng đầu năm 2021 phát hiện 3 vụ việc vật thể bay không người lái xâm phạm khu vực cảng hàng không, bao gồm: 1 vụ tại Tân Sơn Nhất và 2 vụ ở Nội Bài. "Dù chưa gây ra sự cố, nhưng những vụ việc này tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay rất cao", ông Thắng nói.
Dù chưa gây ra sự cố nhưng thiết bị bay không người lái (flycam) tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay cao - Ảnh minh họa
Cũng theo ông Thắng, theo đánh giá của cơ quan an ninh thuộc Bộ Công an, Việt Nam đã xuất hiện các phương tiện bay siêu nhẹ, chủng loại đa dạng với tính năng kỹ thuật rất cao, có thể nâng vật nặng đến 10kg, bay ở độ cao tối đa 5.000m, tốc độ tối đa 120km/h.
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia lĩnh vực hàng không chia sẻ, khoảng cách điều khiển đến 7km và bay được liên tục đến 40 phút với thiết bị được cập nhật nhiều tính năng kỹ thuật tự động cao như: bay theo tọa độ, bay theo độ cao định sẵn, có khả năng tránh các chướng ngại vật, có tay robot cầm nắm và thả các đồ vật.
"Với thiết bị như này, các đối tượng xấu có thể sử dụng đâm va vào tàu bay, vào các công trình; sử dụng chuyên chở vũ khí, thiết bị nổ trực tiếp gây nổ hoặc thả các thiết bị nổ vào bên trong khu vực hạn chế của CHK, công trình hàng không; Sử dụng do thám các công trình", chuyên gia nói.
Dù uy hiếp an toàn bay rất cao, song, hiện nay, 3 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước hiện nay chỉ tập trung vào việc quy định tiêu chuẩn đủ điều kiện bay, thủ tục cấp giấy phép cho cơ sở sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay động cơ, trang thiết bị không người lái, phương tiện siêu nhẹ,… mà chưa tập trung quy định quản lý nhà nước đối với việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu, tiêu chuẩn, thủ tục, quy trình quản hoạt động, các khu vực cấm bay, hạn chế bay.
"Cục Hàng không VN đề xuất phân định trách nhiệm giám sát phương tiện bay không người lái và thiết bị siêu nhẹ xâm nhập vào CHK, sân bay, công trình hàng không; Phân định trách nhiệm cưỡng chế hạ cánh khẩn cấp khi các thiết bị vi phạm ở các khu vực hạn chế, khu vực cấm bay", ông Thắng cho hay.
Máy bay không khai thác thời gian dài làm tăng nguy cơ hỏng hóc
Cũng theo ông Đinh Việt Thắng, thời gian qua, dịch bệnh tác động nghiêm trọng đến hoạt động hàng không. Đặc biệt, các tàu bay phải dừng đỗ, không khai thác trong thời gian dài làm tăng nguy cơ hỏng hóc tàu bay và thiết bị tàu bay.
"Cục Hàng không VN phải trao đổi với các nhà chức trách của Mỹ, châu Âu, có các văn bản hướng dẫn giải pháp đảm bảo an toàn cho tàu bay có đủ điều kiện hoạt động khi được cấp phép bay", ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, hàng ngày, máy bay được mở ra kiểm tra các vấn đề kỹ thuật, bôi chất chống gỉ. Hàng tuần, đội ngũ chuyên môn sẽ nổ máy kiểm tra cảm biến, thiết bị điện tử. Hàng tháng phải thực hiện bay để kiểm tra. Tính đến nay, tất cả các tàu bay đều đảm bảo điều kiện khai thác.
"Trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp, tàu bay không chở khách nhiều, số lượng dôi dư rất lớn, Cục Hàng không VN phối hợp với các nhà chức trách và nhà sản xuất máy bay hoán đổi các tàu bay chở khách sang chở hàng, kết hợp cả chở khách và hàng. Các hoạt động phục vụ chống dịch rất tốt về nhân lực, trang thiết bị", ông Thắng nêu.
Ông Thắng cũng cho biết, thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai hộ chiếu vaccine, tổ chức hoạt động vận tải thích ứng với tình hình kiểm soát Covid-19, Cục Hàng không VN đã nghiên cứu và báo cáo Bộ GTVT mở đường bay quốc tế trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn hàng không.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận