Pháp luật

Nguyên Chủ tịch TP Trà Vinh bị tuyên phạt 10 năm tù

24/02/2022, 13:34

Tòa nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát số tiền lớn cho Nhà nước và ảnh hưởng xấu trong xã hội...

Sau nhiều ngày xét xử, ngày 24/2, TAND tỉnh Trà Vinh đã tuyên án đường dây mua bán chính sách đối với nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh - Diệp Văn Thạnh cùng 16 bị cáo khác về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

img

Các bị cáo tại phiên tòa

Theo đó, tòa tuyên phạt Diệp Văn Thạnh 10 năm tù; bị cáo Trần Trường Sơn (nguyên Phó chủ tịch UBND TP Trà Vinh) 6 năm tù. Còn Nguyễn Văn Chiến nhận 4 năm tù; Lê Hữu Lễ 5 năm tù, Lý Kiến Trung 6 năm tù; Trần Thanh Sơn 3 năm tù; Nguyễn Trọng Nghĩa 5 năm tù; Trần Mười 5 năm; Trần Thanh Vũ 3 năm; Huỳnh Công Chúc 3 năm (nguyên là cán bộ địa chính phường, văn phòng đăng ký đất đai, chuyên viên Phòng TN-MT TP Trà Vinh).

Tòa cũng tuyên phạt bị cáo Lê Hoàng Anh 2 năm 7 tháng 19 ngày tù, trả tự do tại toà; Phú Thanh Tâm nhận 2 năm 1 tháng 20 ngày tù và trả tự do tại tòa; bị cáo Trần Ngọc Long 3 năm tù treo; Trang Thị Xây và Võ Thị Thu Trang 2 năm tù treo (nhóm cò đất và chủ đất); Lâm Pho La và Lữ Thị Thảo Trang 2 năm tù treo (cán bộ, chuyên viên).

Trước đó, trong phần tranh luận, đại diện Viện KSND chỉ đề nghị ông Thạnh mức án 8-9 năm tù, nhưng cuối cùng ông Thạnh bị Tuyên 10 năm tù.

Bởi tòa nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ gây thất thoát số tiền lớn cho Nhà nước mà còn gây ảnh xấu trong nhân dân, làm giảm sút uy tín, niềm tin của nhân dân đối với UBND TP Trà Vinh.

Nghiêm trọng hơn là làm ảnh hưởng đến chính sách đền ơn đáp nghĩa mà Đảng và Nhà nước hỗ trợ người có công đối với Cách mạng, tạo điều kiện tốt nhất cho những đối tượng này có cuộc sống ổn định nhất - trong đó có Quyết định 118/1996 của Thủ tướng.

Đối với bị cáo Thạnh, lẽ ra bị cáo sinh sống trong thời bình, được bố trí vào vị trí lãnh đạo, bị cáo phải nghiêm chỉnh chỉ đạo thực hiện trách nhiệm theo đúng quy định để chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng để bù lại phần nào mất mát. Nhưng ngược lại, Thạnh lại bàn hành văn bản chỉ đạo trái với Quyết định 118/1996 của Thủ tướng và Thông tư 30/2014 của Bộ TN&MT về việc xem xét để hỗ trợ người có công với Cách mạng cải thiện nhà ở.

Từ đó một số cò đất lợi dụng sự khó khăn của gia đình chính sách người khó khăn mua bán chế độ, cấu kết với cán bộ Phòng TN-MT thực hiện hành vi trái pháp luật.

Bị cáo Thạnh khi được báo cáo sự việc vẫn tiếp tục chỉ đạo thực hiện và thực hiện trong thời gian dài, trong 313 hồ sơ miễn giảm đối tượng chính sách mà không có ai là người thực sự có đất, gây thất thoát gần 70 tỷ đồng.

Mặc dù bị cáo không nhận tội nhưng căn cứ hồ sơ chứng cứ và lời khai của các bị cáo là cấp dưới của Thạnh đã chứng minh được Thạnh vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí như cáo trạng đã truy tố - là đúng người đúng tội, không oan sai.

Bản thân bị cáo là người có chức vụ, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng không biết ăn năn hối cải sửa chữa lỗi lầm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân nên cần có hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe, giáo dục chung...

Như Báo Giao Thông đã thông tin, từ nhiều năm qua, tỉnh Trà Vinh cho triển khai chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất đối với gia đình chính sách khi họ chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở đô thị (lên thổ cư).

Tùy vào từng trường hợp, có thể là Mẹ Việt Nam Anh Hùng, thương binh, liệt sĩ… sẽ được miễn giảm từ 65-100%.

Lợi dụng việc này, các cò đất, cán bộ đã móc nối với nhau, tìm mua đất nông nghiệp, hoặc đất sẵn có của người thân, quen. Sau đó, chúng tìm đến gia đình chính sách, đặt vấn đề với người dân là “mượn” hồ sơ, bao gồm: sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận liệt sĩ, thẻ thương binh… Nói chung là những giấy tờ chứng minh đây là gia đình có công với cách mạng.

Mỗi hồ sơ như vậy, “cò” sẽ trả cho người dân từ 10 đến hơn 30 triệu đồng. Sau đó, chúng lập ra những hợp đồng khống, chuyển nhượng đất cho gia đình chính sách đứng tên, rồi làm thủ tục xin chuyển đất lên thổ cư, để được miễn tiền sử dụng đất.

Xong việc, chúng tiếp tục làm hợp đồng khống, chuyển nhượng trở lại từ gia đình chính sách cho những kẻ được sắp đặt sẵn. Như vậy, đất nông nghiệp sau khi đi một vòng đã được “hô biến” thành đất đô thị, còn ngân sách Nhà nước không thu được đồng nào. Người dân địa phương gọi việc này là “bán tên”, còn cơ quan điều tra gọi là trục lợi, “mua bán chính sách”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.